12/01/2012 10:44 GMT+7 | Phim
(TT&VH) - Bộ phim độc lập của Síu Phạm công chiếu bán vé tại IDECAF (TP.HCM) vào lúc 19g30 ngày 10/1 đã nhận được lời khen ngợi đặc biệt từ những khán giả yêu thích dòng phim nghệ thuật - nơi phô diễn “sự riêng tư” về ý tưởng, kỹ thuật… của tác giả. Bộ phim cũng có cái tên rất gợi tưởng: Đó… hay đây? - vừa được LHP Quốc tế Busan 2011 (Hàn Quốc) xếp vào nhóm 13 phim thuộc Những trào lưu mới (New Currents) của thế giới.
Tính chất độc lập của phim không chỉ được thể hiện bằng kinh phí thấp, tước bỏ tính quảng cáo trong hình ảnh, mà còn rõ nét từ tư duy viết kịch bản “mờ” cốt truyện của Jean-Luc Mello. Hơn nữa, đạo diễn còn muốn “rời xa” tâm lý nhân vật và chọn những diễn viên không tiếng tăm như Jean-Luc Mello, Vinh Sơn, Trần Nguyên Khanh, Tuyết Quân... để diễn xuất. Síu Phạm quyết định làm phim đầu tay khi đã bước qua tuổi 60 nên khá bình thản trong các chọn lựa. Chị cho rằng: “Đây là phim mà mỗi người xem đều có thể xây dựng cho mình một sự thật. Cho nên tôi chú ý tới câu hỏi và câu trả lời “như thế nào” mà không bao giờ muốn đề cập tới câu hỏi “tại sao”.
“Giấc mộng Nam Kha” thời hiện tại
Nhiều người trong chúng ta còn nhớ cái tích “Giấc mộng Nam Kha” khi kể chuyện Thuần Vu Phần nằm ngủ dưới cây hòe mơ làm quan xuất chinh đánh Đông dẹp Bắc nhưng thất bại, rồi tỉnh mộng. Trong nghệ thuật nói chung, tích này (còn gọi là giấc hòe) thường dùng để chỉ tính phù du mộng ảo, khó định liệu… của cuộc đời; hay nói khác đi, đời là mộng tưởng. Phim Đó… hay đây? tuy kể câu chuyện hoàn toàn khác nhưng tinh thần của nó cũng giống như vậy.
Cảnh trong phim Đó... hay đây? của Síu Phạm. Ảnh: TL.
Ngay đầu phim, khán giả được nhập vào một làng chài ven biển ở đâu đó tại Quảng Nam hay Quảng Ngãi (qua chất giọng diễn viên quần chúng mà đoán), nơi có cặp vợ chồng tuổi hưu (chồng Pháp, vợ Việt) đang sống những ngày nhàn rỗi, lặng lẽ, buồn nản. Một buổi sáng, khi nằm ngoài sân, người chồng (Jean-Luc Mello thủ vai) chìm vào mộng tưởng để mơ về cái chết tự do giữa biển, mơ được ngủ với người vợ già trong thân hình cô gái trẻ… và nhiều thứ khác. Suốt 91 phút, khán giả dõi theo giấc mộng này mà chẳng biết đâu là thực, đâu là hư, mà dường như với người chồng (nhân vật chính) cũng thế, hư hư thực thực thì có sá gì, miễn sao mình được trải nghiệm với từng cảnh giới sống.
Câu chuyện có một “cái cớ” rất dễ để chia sẻ, đó là khi bạn già nhưng không được sống nơi quê hương của mình, mà phải ở nơi xa lạ, ngôn ngữ là một cách trở, thì bạn phải làm sao? Chắc lúc ấy, bạn chỉ còn cách tưởng tượng một quang cảnh riêng cho mình, hoặc tự đóng kín cõi lòng… để chờ ngày tháng dần trôi. Người chồng trong phim này nói tiếng Pháp, đã không chịu ngồi im, mà chủ động mơ tưởng về cái chết ngoài khơi và tìm cách giao lưu với cuộc đời qua tưởng tượng hoặc ngôn ngữ trung gian (của vợ, của bạn…).
“Đó hay đây, đâu là thật, đâu là mơ? Tôi thường dùng câu hỏi này để truy vấn về đời sống, bởi thử nhìn mà xem, càng ngày chúng ta càng gần với nhân tạo nhiều hơn tự nhiên, mà nhân tạo thì suy cho cùng là do tưởng tượng mà ra. Tất cả những tiện ích vật chất xung quanh, phần nhiều do tưởng tượng mà có, thì nói chi đến thế giới tinh thần hay tâm hồn, khi tưởng tượng là chủ đạo. Và cũng chỉ có tưởng tượng giúp chúng ta xuyên qua các nền văn hóa, xóa bỏ các nghi kỵ và dị biệt để sống cùng chung”, Síu Phạm nói.
Giao thoa văn hóa
Phim này còn hai điểm nổi bật là cách chơi hình ảnh và âm thanh. Về hình ảnh, người xem như bắt được những “cảnh tĩnh” trong các chuyển động liên tục, rõ ràng tinh thần của hội họa thủy mặc Đông phương đã hiện diện ở đây. Về âm thanh, phim không dùng nhạc nền, tùy vào cảm xúc của từng phân đoạn mà chọn những đoạn nhạc sẵn có để khớp vào, liên tục thay đổi cảm giác của người xem.
Tôi không muốn dùng những cụm từ sáo mòn như “giao lưu văn hóa”, “toàn cầu hóa”… để nói về những thông điệp của phim này, nhưng thực tế thì nó thể hiện những điều này rất ý vị, rất vi tế.
Người chồng của văn hóa Pháp đã gặp nhiều khó khăn khi phải theo vợ sang Việt Nam sinh sống, mà lại ở một miền quê, nơi các giá trị cũ vẫn còn khá khép kín. Thế nhưng, ông đã không co mình lại để thủ thế, mà chủ động sáp nhập vào đó, từ những chuyện đơn giản như cho heo ăn, đi câu cá, ăn nhậu… cho tới việc thờ cúng người chết. Khán giả lý thú với trường đoạn ông ngồi quẹt phô mai (kiểu Pháp) vào cái bánh tráng nướng (kiểu miền Trung Việt Nam), sau đó ông chia miếng bánh làm hai, phần nhỏ để cúng bà lão trên bàn thờ, phần lớn để ăn sáng. Ông cũng mồi thuốc cho người chồng trước của vợ (đã mất), để sau đó, người chồng từ bàn thờ bước ra dự tiệc cùng gia đình, mời ông hút thuốc và cùng bình phẩm về người vợ chung.
Phải kể dài dòng như vậy để thấy rằng, dù còn dị biệt và những khó khăn trong việc hòa nhập, giao thoa văn hóa, nhưng Đó… hay đây? đã “điều phối” hiệu quả chuyện này, không phải bằng lời nói, mà bằng các cử chỉ, hành vi tế nhị (dù đạo diễn có thể không chủ ý). Đơn cử như chuyện người dân xây cái miếu cô hồn trước nhà, người chồng đã phản ứng bằng các câu hỏi không hài lòng với người vợ, nhưng qua thời gian, ông vẫn ở đó, dần dần chấp nhận nó như một thuộc tính của không gian sống. Để cuối cùng, người chồng nhận ra rằng để sống ở Việt Nam thì phải sống với cả cõi âm trong quan niệm; phải sống với cả quá khứ và vị lai của mỗi con người. Đạo diễn đã hòa giải điều này một cách xuất sắc, bằng cách cho nó vào tưởng tượng, khiến người xem dễ chấp nhận.
Xin nói thêm, Síu Phạm sinh 1948 tại Hà Nội, sống ở Thụy Sĩ từ năm 1980. Chị từng theo học nhiều bộ môn như triết học, lịch sử nghệ thuật, phân tích điện ảnh… và là họa sĩ, biên đạo múa, đạo diễn sân khấu, phục trang, chỉ đạo diễn xuất, viết kịch bản… trước khi làm đạo diễn ở tuổi 60. Chính vì vậy, tất cả những vốn liếng vừa nêu cũng hiện diện khá rõ trong phim Đó… hay đây? Chị đã cùng chồng là Jean-Luc Mello thực hiện các phim tài liệu như Un Scénario d´Udaipur (năm 2003, Ấn độ), Saigòn Blue´s (2004, Sài Gòn) và Avaler Un Ange (2006, Thụy Sĩ)…
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất