40 năm thể thao Thành phố Hồ Chí Minh: Tung bay ngọn cờ đầu

28/04/2015 05:12 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Quá khứ và hiện tại, những ngày đất nước mới thống nhất và đổi mới rồi hội nhập, thể thao TP.HCM luôn là đầu tàu của thể thao Việt Nam.

Một thời hoàng kim

Để nói về những ngày tháng huy hoàng của thể thao TP.HCM, dù ở độ tuổi 80 nhưng nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở TDTT TP.HCM Lê Bửu vẫn nhớ như in, và không khỏi tự hào: “Thời đó, thể thao TP.HCM mạnh gần như toàn diện. TP.HCM không có đối thủ ở môn bơi lội, điền kinh, võ thuật, thể dục dụng cụ, bóng chuyền, bóng đá… VĐV TP.HCM đi thi đấu ở đâu, các địa phương khác đều vị nể”.

Minh chứng cụ thể là những cái tên như Trương Hoàng Mỹ Linh, ra đường chạy là lấy HCV. Còn Nguyễn Kiều Oanh cứ xuống nước là có huy chương cao nhất. Và dù không phải là cái nôi của võ thuật nhưng TP.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về những môn võ. Danh tiếng trong số này là những Trương Ngọc Để, Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống… Ở địa hạt bóng đá, những cái tên Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Công an TP.HCM tô điểm cho SVĐ Thống Nhất một quá khứ oai hùng. Thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam đầy rẫy những danh thủ nức tiếng của TP.HCM từ Đặng Trần Chỉnh, Lư Đình Tuấn, Trần Minh Chiến, Lê Huỳnh Đức…

Từ chỗ thiếu thốn đủ bề khi vừa tiếp quản Sài Gòn, ông Bửu cùng vài đồng chí hàng ngày loay hoay trên chiếc xe đạp, đến từng quận, huyện vận động gây dựng phong trào TDTT. Vượt qua những khó khăn, niềm rạo rực ngày đất nước thống nhất khiến con người cuồn cuộn niềm vui sống và lao động xây dựng đất nước. Ông Bửu nhớ như in lời căn dặn của Bác Hồ: “Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của một quốc gia. Sức khỏe là để xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Đời tôi đã gặp Bác Hồ 4 lần, gặp bác Tôn Đức Thắng 7 lần. Lúc nào các bậc tiền bối cũng nhắn gửi tôi “Cháu nha! Cố gắng làm thể dục thể thao nước nhà phát triển nghe không”. Với lời dạy đó, tôi đã làm theo suốt cuộc đời. Tôi không biết người ta nghĩ gì về mình nhưng tôi lúc nào cũng ý thức mình nói được phải làm được. Nói như Quân đội ta là “Vì nhân dân quên mình. Vì nhân dân hy sinh”.

“Nhờ sự quan tâm của chú Mười Cúc (cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh) và người nhiệt tình quyết liệt là anh Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), TDTT toàn quốc được quy hoạch trong giai đoạn 30 năm, còn TP.HCM cũng được quy hoạch 20 năm. Vì sao quy hoạch dài hơi khi đó báo chí nước ngoài cũng hỏi. Là vì TDTT là cơ sở phát triển từ 1-2 tuổi đến 19 tuổi; từ 19 tuổi đến 30 tuổi để có cơ sở cho tương lai. Định hướng TDTT lúc ấy gồm 3 chiến lược. Đó là xây dựng thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao và từ thể thao để làm công tác đối ngoại. Thể thao quần chúng để nhân dân có sức khỏe sẵn sàng phục vụ đất nước. Ngày 29/5/1975, thể thao thành phố có quyết định vận động mỗi học sinh, công nhân viên chức, Đảng viên, công-nông dân… chọn mỗi người một môn thể thao mà chơi. Thể thao đẩy lùi tệ nạn xã hội và là nhân tố để thể thao thành tích cao phát triển. Và thể thao cũng góp phần đoàn kết quốc tế, giúp bạn bè thế giới hiểu thêm về Việt Nam”, ông Bửu nói thêm.

Thể thao thành phố khi đó cũng nhờ có tầm nhìn xa mà những nhà thi đấu hiện đại bậc nhất khu vực thời điểm ấy như Nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã ra đời. Và khi đất nước ngày càng đi lên về kinh tế, những công trình tầm vóc của thể thao TP.HCM cứ thế mọc lên như Nhà thi đấu Phú Thọ, Lãnh Binh Thăng… Cú hích SEA Games 2003 đưa TP.HCM chuyển mình cùng nhiều trung tâm thể thao khác trên cả nước.

Cũng nhờ những sự đầu tư lớn cho thể thao, lực lượng VĐV xuất sắc TP.HCM không thiếu. Và đã thành thói quen, mỗi kỳ Đại hội cấp khu vực hay châu lục, VĐV TP.HCM bao giờ cũng đóng góp đáng kể vào thành phần thể thao Việt Nam. Những cái tên đình đám nhất của thể thao Việt Nam thời điểm này như Lê Quang Liêm, Nguyễn Anh Khôi (cờ vua), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Thạch Kim Tuấn, Nguyễn Trần Anh Tuấn (cử tạ) đều của TP.HCM.

Cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình lần thứ 27 năm 2015 mang tên “Non sông liền một dải”
diễn ra từ ngày 11/4 từ thủ đô Hà Nội sẽ kết thúc đúng vào sáng ngày 30/4 tại TP.HCM.

Nhìn lại để bước tới

Thăng trầm vốn là quy luật bình thường và thể thao TP.HCM không là ngoại lệ. Điển hình là mấy kỳ Đại hội TDTT toàn quốc gần đây, TP.HCM đã bị Hà Nội vượt qua. Những môn thể thao không có đối thủ của TP.HCM một thời như điền kinh, võ thuật, bóng đá không còn là thế mạnh nữa.

Sự đi xuống của thể thao TP.HCM này khiến nhiều người tiếc nuối và trăn trở. Nguyên nhân có nhiều, nhưng không phải không có cách giải quyết, để đưa thể thao TP.HCM phát triển trở lại trong thời gian tới. Nhất là thành phố vẫn có nhiều tiềm năng bậc nhất cả nước để đầu tư cho thể thao, không chỉ là tài chính mà là lòng khát khao của người dân ở đây.

Ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM cho biết: “Thể thao TP.HCM không thể tách rời thể thao Việt Nam và thể thao Việt Nam không thể tách rời thế giới. Để đạt được những mục tiêu lớn, thể thao cần nhận được sự ủng hộ của chính quyền, nhân dân cả nước. Chúng ta cần nhiều nguồn lực xã hội hóa để góp sức cho thể thao thay vì chỉ dùng ngân sách. TP.HCM đang củng cố công tác đào tạo nguồn lực quản lý, đội ngũ HLV, VĐV. Tập trung đầu tư cho những VĐV có tài năng để làm đầu tàu cho phong trào”.

Cũng có thể thấy được khát khao rất lớn của thành phố trước viễn cảnh nơi đây có thể là địa điểm chính để tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31 vào năm 2021.

Nó sẽ lại một lần nữa trở thành cú hích để ngành thể thao thành phố vươn mình, tiếp tục phát triển. Thể thao ở đây cần nhiều những thế hệ vàng được tuyển chọn, đầu tư liên tục, khoa học sao cho các thế hệ cứ thế tiếp nối. Thể thao ở đây cần những công trình tập luyện và thi đấu trước để phục vụ đỉnh cao sau lại hữu ích cho phát triển thể thao quần chúng.

Những hoạt động thể thao TP.HCM chào mừng đại lễ 40 năm

* Triển lãm ảnh “Thể thao TP.HCM 40 năm phát triển” trong khuôn khổ triển lãm TP.HCM 40 năm Đổi mới, Phát triển và Hội nhập được tổ chức tại Bảo tàng TP.HCM. Triển lãm cho người xem thấy lại những khoảnh khắc, thành tích của thể thao địa phương này trong 40 năm qua.

* Chạy việt dã chào mừng 30/4 sẽ diễn ra vào lúc 6g30 ngày 28/4, có khoảng 3.000 người tham dự. Địa điểm xuất phát tại Trung tâm Thể dục thể thao Rạch Miễu (quận Phú Nhuận), các vận động viên sẽ vượt qua cung đường Trường Sa – Hoàng Sa tại quận 3, quận Phú Nhuận.

* Cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình lần thứ 27 năm 2015 mang tên “Non sông liền một dải” diễn ra từ ngày 11/4 từ thủ đô Hà Nội sẽ kết thúc đúng vào sáng ngày 30/4 tại TP.HCM.

* Ngày 17/5, giải đua thuyền trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè quy tụ hơn 20 đoàn thuyền đua xuất phát gần cầu Điện Biên Phủ, đích đến gần cầu Thị Nghè, cự ly khoảng 400m.


Việt Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link