17/07/2009 10:56 GMT+7 | Thế giới
Một động thái đáng chú ý trong thời gian qua trên thị trường chứng khoán là việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng. Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) Tô Hải đánh giá về động thái này:
- Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng từ cuối tháng 6 đến nay. Trong vòng 20 ngày trở lại đây, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 1.100 tỷ đồng trên sàn HOSE và khoảng 240 tỷ ở sàn HNX.
Động thái mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài có thể xuất phát từ việc thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường chứng khoán có mức phục hồi cao nhất theo đánh giá của Bloomberg, cũng như các thông tin tốt từ kết quả kinh doanh nửa đầu năm của các công ty Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong đợt tăng nóng vừa qua, các nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò chủ đạo và các nhà đầu tư tổ chức lại thận trọng hơn khi nền kinh tế trong khoảng thời gian này chưa có dấu hiệu cụ thể cho một sự phục hồi rõ nét và đã đứng ngoài thị trường. Chính vì thế, áp lực giải ngân của họ là khá cao.
Tôi cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là các quỹ đầu tư đã cơ cấu danh mục của mình: bán trong những phiên thị trường tăng nóng và sử dụng nguồn tiền này để mua vào cổ phiếu với giá rẻ hơn.
Các cổ phiếu thanh khoản cao và có kết quả kinh doanh khả quan như STB, PVF, HPG, HAG, NTP,…được các nhà đầu tư nước ngoài tập trung mua nhiều nhất, ngược lại họ cũng bán ra các cổ phiếu mà họ cho rằng sẽ gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh năm nay như GMD, VHG,…
Về nguồn tiền, luôn luôn có sự vào và ra, nên cũng khó đánh giá chính xác. Gần đây, tôi cũng nhận thấy có một dòng tiền mới từ các tổ chức ủy thác đầu tư của nước ngoài đổ vào thị trường Việt Nam.
Đây là những dòng tiền “nóng” tìm kiếm cơ hội đầu tư sinh lợi cao ở các thị trường mới nổi. Và Việt Nam cũng là một trong những thị trường thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, nguồn tiền từ nước ngoài vào cũng chưa nhiều, do vậy, lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán trong thời gian qua của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chủ yếu là nguồn tiền "cũ" trong nước.
Nhà đầu tư "nội" đã tự tin hơn
* Nhiều nhà đầu tư trong nước trước kia vẫn mua bán chạy theo nhà đầu tư nước ngoài, nhưng thực tế khối ngoại cũng đã mua ròng tới 14 phiên thì thị trường mới tăng điểm, vậy theo đánh giá của ông nhà đầu tư trong nước có còn chạy theo khối ngoại?
Từ trước đến nay, thông tin giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn là một nguồn thông tin tham khảo quan trọng cho các nhà đầu tư Việt Nam. Điều này xuất phát từ việc quyết định mua bán của nhà đầu tư nước ngoài thường dựa trên các chiến lược đầu tư cụ thể và mang tính dài hạn cũng như dựa trên các báo cáo phân tích kỹ lưỡng.
Nhưng hơn một năm trở lại đây, tôi nhận thấy rằng các quyết định đầu tư của các nhà đầu tư "nội" đã không hoàn toàn phụ thuộc vào giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài, mà họ đã có những phân tích, nhận định riêng của họ.
Điều này cũng dễ hiểu vì các nhà đầu tư Việt Nam đã ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kiến thức về đầu tư đã được củng cố rất nhiều. Và dù sao đi nữa, các nhà đầu tư trong nước cũng có lợi thế “sân nhà” nên dần dần họ sẽ có đủ tự tin để có thể có các quyết định riêng của mình.
* Nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào mùa báo cáo tài chính quý 2, và thực tế thì nhiều doanh nghiệp lớn đã công bố có lãi, thậm chí lãi lớn, nhưng sao thị trường không có được đà tăng?
Nhìn một cách tổng thể, sự lên xuống của thị trường chứng khoán không chỉ phụ thuộc vào các thông tin vĩ mô, về hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty mà còn phụ thuộc vào nguồn tiền ra vào thị trường. Một khi nguồn tiền giảm thì sẽ làm cả thị trường giảm theo.
Khi có các báo cáo kết quả kinh doanh, thị trường sẽ xuất hiện sự phân hóa. Các cổ phiếu có các thông tin tốt sẽ tăng giá hoặc xuống chậm hơn các cổ phiếu khác có thông tin không tốt bằng.
VNM là một ví dụ điển hình, cổ phiếu này vẫn tăng giá khi thị trường giảm giá sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh tốt và các kế hoạch về chia cổ tức và cổ phiếu thưởng của họ.
Lưu ý chốt lời, cắt lỗ
* Nhiều nhà đầu tư đã từng hy vọng thị trường sẽ vượt 600 điểm, và nay đang hoang mang vì lo sợ thị trường xuống dưới 400 điểm, ông có lời khuyên gì cho họ?
Thật không may là không có lời khuyên nào dành cho tất cả mọi người, vì mỗi người có một danh mục khác nhau, mức chịu đựng rủi ro khác nhau và kỳ vọng khác nhau.
Chứng khoán thì luôn có biến động nên mỗi nhà đầu tư phải tự xác lập cho mình một chiến lược và chiến thuật cụ thể, đặc biệt nên chú ý đến việc chốt lời và cắt lỗ. Tâm lý hoang mang luôn là kết quả của sự thiếu chủ động trong việc tham gia thị trường.
Nhà đầu tư Việt Nam thường không chú tâm đến ngưỡng nào sẽ phải cắt lỗ mà thường có tâm lý kỳ vọng giá sẽ lên trở lại. Đến khi lỗ nhiều thì sẽ rất hoang mang, không biết nên làm thế nào.
Khi đó, nếu một khi không có đủ các lý do thật sự vững chắc cho việc tăng giá trở lại, thì không nên do dự mà phải thực hiện ngay việc cắt lỗ.
Chốt lời cũng vậy. Rất nhiều nhà đầu tư đã tham gia thị trường rất lâu rồi vẫn mắc lỗi đã lời nhiều nhưng không bán để rồi bị lỗ ngược trở lại. Bởi họ không có mức chốt lời nên cứ kỳ vọng theo thị trường, đến khi giá xuống thì nghĩ là vẫn còn lời nên không lo và hy vọng giá sẽ lên lại để lời nhiều hơn.
Kết quả là khi giá xuống mạnh, cổ phiếu mất thanh khoản thì khi đó đã không còn bán được nữa hoặc khi bán được thì đã lỗ nhiều.
Khi đã xác lập cho mình một chiến lược và chiến thuật cụ thể thì việc tham gia thị trường của các nhà đầu tư sẽ chủ động hơn, các quyết định được thực hiện dễ dàng hơn. Nhà đầu tư có thể đến các công ty chứng khoán để được tư vấn chi tiết hơn.
Có biến động, nhưng sẽ không mạnh
* Ông có thể cho biết nhận định của mình về triển vọng chứng khoán Việt Nam vào cuối năm nay?
Rất nhiều người hay dự kiến VN-Index vào thời điểm cuối năm nhưng thực sự điều đó có ý nghĩa đối với việc chốt giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ nhiều hơn là đối với các nhà đầu tư khác.
Do đó, để nói về triển vọng thị trường thì tôi nghĩ là nên đề cập đến bức tranh tổng thể trong nửa cuối năm nay:
Thứ nhất, đầu tư theo tâm lý sẽ giảm, do thị trường sẽ không có nhiều yếu tố đột biến. Trường phái đầu tư giá trị sẽ quay trở lại và đầu tư dài hạn bằng nguồn tiền sẵn có.
Thứ hai, tình hình hoạt động của doanh nghiệp 2009 sẽ tốt hơn dự kiến. Kết quả kinh doanh năm 2009 sẽ tốt hơn kế hoạch đã đặt ra lúc đầu năm. Điều này được chứng minh bởi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tốt hơn dự kiến.
6 tháng cuối năm, tình hình hoạt động của doanh nghiệp sẽ ở mức bằng hoặc tốt hơn 6 tháng đầu năm, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ có thị trường dựa trên thị trường nội địa.
Thứ ba, giá trị giao dịch bình quân dự kiến sẽ giao động xoay quanh mức 1.000 tỷ đồng/ngày. Tuy thị trường chưa có nhiều đột biến nhưng việc niêm yết các cổ phiếu mới niêm yết như Vietcombank, Vietinbank, DIC, Casumina… sẽ làm gia tăng giá trị giao dịch bình quân.
Thứ tư, dòng tiền sẽ tiếp tục chảy vào chứng khoán do triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn tốt, kế hoạch IPO các cổ phiếu lớn (MobiFone, VinaPhone…) có thể chưa thực hiện trong năm nay, dòng vốn của khối ngoại vào các thị trường mới nổi (trong đó có Việt Nam) sẽ gia tăng do triển vọng phục hồi kinh tế tốt hơn.
Thứ năm, mức lợi nhuận tích lũy kỳ vọng từ nay đến cuối năm là có thể ở mức 20 - 25%. Thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục có biến động, tuy nhiên, mức độ biến động sẽ không mạnh như những tháng đầu năm.
(Theo ĐTCK)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất