16/05/2015 07:24 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Sau một thời gian trì hoãn không bàn giao 2 tàu chiến Mistral cho Nga, Pháp dường như đã muốn "rút êm" khỏi vụ lùm xùm này, khi có tin Paris gửi đề nghị hủy hợp đồng cho phía Moskva. Nhưng liệu mọi chuyện sẽ kết thúc trong êm đẹp?
Tờ Kommersant của Nga hôm 15/5 cho biết Pháp đề nghị chi 784,6 triệu euro (895 triệu USD) tiền bồi thường để hủy hợp đồng đóng 2 tàu chở trực thăng Mistral. Vấn đề là số tiền này vẫn ít hơn 100 triệu euro so với tổng số tiền Nga đã ứng trước cho Pháp (892,9 triệu euro, tương đương 1,01 tỷ USD).
Đề xuất khiến Nga bị thiệt thòi
Pháp đã hy vọng có thể hủy hợp đồng một cách nhẹ nhàng, thông qua việc chỉ trả lại khoản tiền đã nêu rõ trong các chứng nhận hoàn tất hạng mục công việc. Nga dĩ nhiên không đồng tình với đề xuất như thế, nói rằng mọi chi phí và tổn thất phải do bên tự ý hủy hợp đồng gánh vác.
Nga còn có ý định đòi lại khoản tiền nước này bỏ ra, để huấn luyện thủy thủ đoàn 400 người trực tiếp vận hành các tàu Mistral, xây dựng các xưởng đóng tàu phục vụ việc đóng Mistral, bên cạnh số tiền trả trước nêu trên. Tổng cộng Nga đã đổ vào dự án đóng tàu Mistral 1,163 tỷ euro (1,33 tỷ USD), gồm tiền đặt cọc, chi phí huấn luyện và xây dựng cơ sở hạ tầng mới.
Kommersant nói rằng phía Pháp hiện đang chuẩn bị các tài liệu để ủng hộ cho lý lẽ của họ, sau khi đã trao đổi với Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin. Cùng thời điểm, Moskva sẽ xem xét đề xuất của Pháp, trong lúc Paris tiếp tục phải chi tiêu mỗi tháng 5 triệu euro để bảo dưỡng 2 con tàu.
Theo tờ báo, một trong những điều khoản mà người Pháp nêu ra có yêu cầu Moskva phải đồng ý để Paris bán 2 con tàu cho một nước thứ 3, trước khi nhận được tiền bồi thường. Hiển nhiên Nga sẽ khó chấp nhận điều này.
Pháp phải xin phép Nga, vì 2 con tàu Mistral có các module được đóng ở Nga. Trước đó, ông Rogozin từng tuyên bố chừng nào Nga còn giữ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu phần đuôi tàu Mistral thì phía Pháp không thể tự ý bán những con tàu này.
Phía Pháp cũng đề xuất chi phí tháo dỡ các trang thiết bị theo tiêu chuẩn Nga lắp trên tàu Mistral nên được chia đôi giữa 2 bên. Tuy nhiên phía Nga cho rằng chi phí phải do Pháp chịu hết, vì đã không tuân thủ hợp đồng.
Pháp muốn xem vụ hủy hợp đồng tàu Mistral là tình huống bất khả kháng để không phải bồi thường. Nhưng Moskva không đồng ý, muốn Pháp phải mua lại những con tàu Mistral mà họ không bàn giao và Nga sẽ là bên định giá bán.
Sẽ có giải pháp đôi bên cùng chấp nhận
Những thông tin do Kommersant đưa ra, nếu là thực, cho thấy Nga và Pháp vẫn còn một khoảng cách bất đồng lớn trong việc xử lý các tàu Mistral.
Hai nước từng ký thỏa thuận trị giá 1,5 triệu USD nhằm mua 2 tàu Mistral vào năm 2011. Lễ bàn giao con tàu đầu tiên dự kiến diễn ra trong tháng 11/2014, nhưng đã không diễn ra. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã dừng việc chuyển tàu, với lý do Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine. Gần đây ông khẳng định Paris sẽ trả lại Nga tiền, nếu hủy hợp đồng. Câu hỏi được đặt ra là Pháp sẽ trả bao nhiêu tiền.
Một bài báo đăng lên tạp chí Le Point ước tính rằng nếu Paris không giữ lời hứa giao 2 con tàu với Moskva, chính quyền Pháp sẽ phải trả tiền đầu tư và tiền phạt hủy hợp đồng lên tới 5 tỷ euro (5,7 tỷ USD).
“Thay vì mang lại cho công ty đóng tàu DCNS một khoản lợi nhuận tới 1,2 tỷ euro và các bên liên quan cũng được hưởng tới 980 triệu euro, việc hủy hợp đồng sẽ khiến Pháp thiệt hại từ 2 tỷ tới 5 tỷ euro" - bài báo viết.
Theo trang tin Sputnik News, giới lãnh đạo Nga hiện không xem việc Pháp "đóng băng" hợp đồng Mistral là vấn đề cần nhiều sự chú ý. "Như chúng tôi đã nói, vấn đề tàu Mistral đã được thảo luận tại cuộc họp gần đây giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Francois Hollande. Nguyên tắc chủ chốt ở đây là hoặc họ giao tàu, hoặc trả lại tiền" - phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm 15/5.
Phó giám đốc Cơ quan hợp tác quân sự, kỹ thuật Liên bang Nga, ông Anatoly Punchuk, cho biết Paris và Moskva đang đàm phán về tình hình của 2 con tàu Mistral và sẽ đạt được thỏa thuận chung vào cuối tháng 5. Ông cũng nói rằng đôi bên tham gia đàm phán với tinh thần thấu hiểu lẫn nhau và đều tỏ các dấu hiệu tích cực. “Theo các đánh giá của chúng tôi, phía Pháp sẽ đưa ra giải pháp cho tình hình hiện nay mà đôi bên cùng chấp nhận được" - ông nói.
Các kịch bản tưởng tượng kỳ quái quanh tàu Mistral Hướng kịch bản nữa là Pháp có thể bán thẳng các tàu Mistral cho Trung Quốc. Tuy nhiên không loại trừ khả năng Nga sẽ mua lại các con tàu từ Trung Quốc. |
Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất