16/08/2018 19:45 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 16/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại tỉnh Thanh Hóa.
Tại đây, Phó Thủ tướng đã tiến hành thị sát vận hành hồ Cửa Đạt tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là hồ có dung tích gần 1,5 tỷ m3, có nhiệm vụ cắt giảm lũ cho vùng hạ du với tần suất 0,6% và đảm bảo cung cấp đủ nước tưới tiêu cho trên 86.000 ha đất nông nghiệp, cũng như nhu cầu nước cho công nghiệp và sinh hoạt.
Ngoài ra hồ này còn có nhiệm vụ giúp đẩy mặn cho vùng hạ lưu sông Chu và kết hợp với Nhà máy Thủy điện Cửa Đạt với 2 tổ máy phát điện thương mại có tổng công suất 97 MW, bổ sung nguồn cung cho lưới điện quốc gia trung bình khoảng 430 triệu KWh mỗi năm.
Hiện nay, hồ đang ở mực nước 106,5 m. Công ty TNHH Một thành viên sông Chu cũng đang tiến hành xả lũ hồ cửa Đạt với lưu lượng 1.200 m3/giây.
Qua thực tế kiểm tra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác chỉ đạo các phương án của tỉnh Thanh Hóa trong việc ứng phó kịp thời với cơn bão số 4 dự kiến sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó có Thanh Hóa vào sáng 17/8.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tỉnh Thanh Hóa tập trung mọi nguồn lực đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của người dân.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh, huyện phải trực tiếp chỉ đạo công tác di dân ở khu vực có nguy cơ cao sạt lở, lũ ống, lũ quét; kiên quyết cưỡng chế các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn. Ở khu vực ven biển phải kêu gọi tất cả mọi người đang trên tàu, thuyền, chòi canh, khẩn trương vào bờ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý tỉnh Thanh Hóa có phương án tiêu úng để bảo vệ hoa màu, cây lương thực; bảo vệ các công trình công nghiệp, dịch vụ, giao thông, công trình công cộng, bệnh viện, trường học…, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra…
Cho rằng các lực lượng vũ trang đóng vai trò nòng cốt trong xử lý các sự cố, Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng yêu cầu tỉnh Thanh Hóa và Quân khu 4 chỉ đạo các đơn vị, lực lượng vũ trang tập trung mọi phương tiện, vật tư để ứng phó với sự cố do mưa lũ gây ra.
Được biết trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 610 hồ chứa (trong đó có 45 hồ do các công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý, 565 hồ do UBND cấp huyện quản lý).
Qua kiểm tra đánh giá, hiện có 124 hồ chứa không đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm 2018 như Ngọc Lặc có 20 hồ, Thường Xuân có 14 hồ, Thạch Thành có 16 hồ…
Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả 7.443 phương tiện nghề cá với 27.747 lao động khai thác trên biển của tỉnh Thanh Hóa đã vào bờ hoặc đã tìm được nơi tránh trú an toàn.
Các chủ tàu thuyền tránh trú ở các tỉnh ngoài vẫn giữ liên lạc với gia đình và chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã có lệnh cấm biển, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, đồng thời tổ chức hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè và chòi canh thủy sản.
Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cũng hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây, đồng thời đảm bảo an toàn cho các công trình công cộng, bến cảng, khu công nghiệp ven biển…
Ở các huyện miền núi chính quyền địa phương sẵn sàng phương án sơ tán đối với các hộ đang sống tại các khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp.
Tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng cương quyết sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng cho người và tài sản; đồng thời tổ chức cắm biển cảnh báo và tuần tra, canh gác các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu, khu vực bị sạt lở và nghiêm cấm người dân vớt củi khi có lũ.
Trịnh Duy Hưng/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất