26/06/2019 07:32 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Thành lập tháng 7/2009 tại TP.HCM, phòng tranh Craig Thomas vừa tổ chức triển lãm kỷ niệm 10 năm vào cuối tuần qua, với khá nhiều họa sĩ, người hâm mộ đến dự. Đành rằng mục đích chính của phòng tranh thương mại là lợi nhuận, làm sao để đủ duy trì và phát triển.
Thế nhưng bên cạnh mục đích đó, phòng tranh này lại giống như một “đò ngang”, nơi đã đưa nhiều tác giả đương thời của Việt Nam đến với các nhà sưu tập quốc tế và ngược lại.
Những họa sĩ - nhà điêu khắc đang có tác phẩm tại phòng tranh Craig Thomas là Bùi Hải Sơn, Nguyễn Thanh Bình, Bùi Tiến Tuấn, Bùi Thanh Tâm, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Lim Khim Katy, Ngô Văn Sắc, Phạm Huy Thông, Lương Lưu Biên, Mạc Hoàng Thượng, Phương Quốc Trí, Trần Minh Tâm, Nguyễn Tuấn Dũng, Nguyễn Trọng Minh, Phạm Đình Tiến, Nguyễn Minh Nam, Phạm Thanh Toàn, Lê Thúy, Trương Thế Linh, Quách Bắc… Danh sách này còn dài và tầm hoạt động của Craig Thomas còn rộng.
Thích làm việc với các nghệ sĩ đang khởi nghiệp
“Tôi luôn yêu thích mỹ thuật, nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ kinh doanh nó. Đó là một tai nạn nghề nghiệp. Khi còn là luật sư, tự dưng một hôm có ý nghĩ rằng mình phải thử làm một việc gì khác. Điều đó đã xảy ra khi tôi nghỉ việc với công ty luật, một người bạn có phòng tranh ở Sài Gòn cần người quản lý nó. Tôi quyết định thử và mọi thứ đã bắt đầu từ đó” - Craig Thomas chia sẻ lý do mình chọn tranh Việt.
Trước khi ra mở phòng tranh riêng, Craig Thomas đã có gần 15 năm làm quản lý cho Hà Nội Studio - một phòng tranh có thanh thế thời bấy giờ. Đây là giai đoạn rất quan trọng, nó giúp Craig Thomas có quan hệ với hàng trăm họa sĩ, với hàng ngàn người yêu tranh và đặc biệt là… học tiếng Việt.
Đây cũng là giai đoạn mà Craig Thomas tập trung nhiều vào nghiên cứu, hệ thống và phân tích mối quan hệ của mỹ thuật đương đại Việt Nam với truyền thống, với lịch sử, với tương quan cùng khu vực, quốc tế. Kết quả Craig Thomas ưu tiên chọn các tác giả đương thời, tạm gọi là mỹ thuật đương đại.
“Dù kinh doanh, nhưng ở anh thể hiện rất rõ sự yêu quý và trân trọng nghệ thuật, điều này giúp kích thích sáng tạo nhiều hơn cho họa sĩ. 10 năm với nhịp độ chầm chậm của thị trường, đôi khi khó khăn, tôi đã khá lo lắng cho anh. Nhưng nhờ có một tình cảm tốt đẹp và niềm tin vào tương lai sáng sủa của thị trường mỹ thuật Việt Nam mà anh mới kiên nhẫn để đi tiếp. Anh đã từ chối những công việc tốt hơn để ở lại với mỹ thuật Việt Nam” - họa sĩ Lương Lưu Biên chia sẻ.
Trong 10 năm qua, tuy phòng tranh này mới trực tiếp đưa tác phẩm đến Hong Kong (Trung Quốc) năm 2014 và New York (Mỹ) năm 2018, nhưng việc kết nối của họ ra quốc tế và ngược lại là rất rộng rãi. Nhiều tác giả khi cộng tác với Craig Thomas cũng là khi mới bắt đầu sự nghiệp.
“Chúng tôi thích nhất là được làm việc với các nghệ sĩ khi họ bắt đầu sự nghiệp, vì đó là thời gian có thể mang lại lợi ích cao nhất. Thành công mà họ đạt được chủ yếu đến từ tài năng đặc biệt của bản thân, nhưng chúng tôi muốn nghĩ rằng mình cũng có một chút đóng góp trong việc quảng bá và đầu tư vào họ trước khi phần còn lại của thế giới có cơ hội đó. Nhiều người trong số họ vẫn đang làm việc với chúng tôi, khi mà sự nghiệp đang rất thành công, đó là điều mà cá nhân tôi rất tự hào” - Craig Thomas nói.
Hướng từ ngoại về nội
Craig Thomas nói thêm: “Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ tham gia nhiều các hội chợ nghệ thuật phù hợp ở quốc tế để giúp quảng bá các nghệ sĩ đang cùng làm việc. Tuy nhiên, thành thực mà nói thì chúng tôi muốn làm việc với nhiều nhà sưu tập địa phương hơn, vì chỉ có người Việt mới đưa được nghệ thuật Việt lên tầm cao mới của thị trường. Chúng tôi cũng sẽ khích lệ các nhà sưu tập địa phương tham gia ngay từ bây giờ, cùng bắt đầu tìm kiếm những tác giả mà họ yêu thích. Tôi tin rằng trong vòng 10 năm nữa thôi, họ sẽ rất hạnh phúc vì những gì đã làm hôm nay”.
Lương Lưu Biên cho biết suy nghĩ này của Craig Thomas đã có từ vài năm nay. Anh nói: “Anh ấy luôn ưu ái với các nhà sưu tập trong nước, dù bản thân là người Mỹ, đang có mối quan hệ làm ăn với rất nhiều nhà sưu tập nước ngoài. Anh ấy có cơ sở để tin vào tương lai tốt đẹp của thị trường nghệ thuật nội địa”.
“Ý nghĩa rõ rệt nhất của phòng tranh với các họa sĩ trẻ như tôi là niềm tin có thể sống được với nghề, có thể bán được tác phẩm cho các nhà sưu tập, nếu làm việc chuyên nghiệp. Tôi thấy nhiều họa sĩ có thu nhập tốt từ đây, nên càng yên tâm để làm việc. Sòng phẳng, đúng kế hoạch, đúng lời hứa là những điểm dễ nhận ra của phòng tranh này” - họa sĩ Phạm Thanh Toàn cho biết.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất