Nhật Bản: Hàng trăm người xung phong cứu lò hạt nhân

27/03/2011 11:30 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Vinh quang, nếu có thứ gì như thế, trong việc chống lại các vụ hỏa hoạn, nổ lò và rò rỉ phóng xạ ở Nhà máy điện Fukushima Daiichi của Nhật Bản đã được báo chí và dư luận trao tặng cho một nhóm các kỹ sư cao cấp của nhà máy được biết tới với tên Fukushima 50. Song thực tế họ chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong số những con người dũng cảm đang hiện diện ở mặt trận chống thảm họa rò rỉ phóng xạ.

>> Chuyên đề: Động đất, sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản

Phần lớn công việc nặng nhọc, dùng để trực tiếp xử lý vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất của Nhật Bản, lại nằm trong tay một nhóm những người lao động vô danh khác.

Những công nhân cổ cồn xanh

Đó là hàng trăm công nhân “cổ cồn xanh”, những con người phải vác ống nước, dọn dẹp rác rưởi, các mảnh vỡ và nhiều công việc lao động chân tay khác trong nhà máy, khi nồng độ phóng xạ vẫn tăng cao, đe dọa sinh mạng của họ. Họ mới là những con người chịu rủi ro cao nhất về tính mạng. Bằng chứng là việc 3 công nhân làm việc tại lò phản ứng số 3 của Nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi mới phải nhập viện vì bỏng phóng xạ, do vô tình lội qua vùng nước nhiễm xạ cao gấp 10.000 lần bình thường.

Trong thời gian chưa xảy ra thảm họa, có hàng ngàn công nhân đã thực hiện nhiều nhiệm vụ bảo trì lò phản ứng Nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi. Giờ đây, nhiều người trong số họ đã xung phong tình nguyện tới nhà máy để chống lại thảm họa.

Công việc của các “chiến binh kamikaze hiện đại” vô cùng nguy hiểm, với 3 người đã bị nhiễm xạ nặng

“Tôi sợ lắm. Nhưng có ai đó phải đi để làm việc” - Kenji Tada, 29 tuổi, công nhân tại công ty Tokai Toso chuyên làm công việc liên quan tới sơn phủ bảo vệ, cho biết. Theo Tada, anh tình nguyện tới nhà máy vì không muốn đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, bất chấp việc mẹ đẻ không đồng tình.

Công việc thường nhật của Tada là sơn các điểm bị rỉ sét trên trang thiết bị của lò phản ứng. Đầu tuần này, anh đã được lên lịch để đi cùng hàng trăm công nhân khác tới làm việc ở nhà máy. Một số trong đó là các kỹ sư và số khác là chuyên gia điều hành. Một số sẽ phải kéo các sợi cáp điện, số khác thiết lập các ống dẫn nước hoặc cung cấp nhân lực dưới mặt đất mỗi khi tổ điều hành cần ai đó hành động để khiến các lò phản ứng quá nhiệt nằm trong vòng kiểm soát.

Nhóm Fukushima 50 “chưa thấm tháp gì”

Hiện có hơn 50 nhân viên chủ chốt, quan trọng nhất đang sống thường trực tại nhà máy điện Fukushima Daiichi, trong tòa nhà điều hành được bảo vệ kỹ lưỡng khỏi phóng xạ. Các tin tức ban đầu về nhóm Fukushima 50 này được báo chí đăng tải đã từng gây ấn tượng rằng họ là các cá nhân duy nhất trực tiếp chống thảm họa. Nhưng thực tế các quản trị viên nòng cốt này, dẫn đầu là giám đốc nhà máy Fukushima Daiichi, chỉ đảm nhận vai trò hướng dẫn nỗ lực phục hồi nhà máy, điều hành phòng kiểm soát và theo dõi các chỉ số của lò phản ứng. Họ rất ít khi rời khỏi tòa nhà được bảo vệ kỹ này. Số còn lại, từ lính cứu hỏa cho tới những người kéo dây điện, mới là các chiến sĩ trực tiếp đối mặt với thảm họa. Họ làm việc theo ca kíp và chỉ ngừng làm mỗi khi nồng độ phóng xạ lên quá cao.

Sau thảm họa, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), nhà điều hành Fukushima Daiichi, và một số công ty khác đã gửi hàng trăm người lao động tới nhà máy. Hôm 23/5 vừa qua, TEPCO đã gửi 330 công nhân của họ tới nhà máy. Khoảng 224 công nhân khác được gửi đi từ các công ty mà TEPCO gọi là “đối tác” như Tokai Toso.

Tada nằm trong một nhóm công nhân có chút trình độ và anh thuộc tầng giữa trong “hệ sinh thái” của Nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi. Ở tầng dưới cùng là các lao động làm việc công nhật. Ở trên cao nhất là các quản trị và kỹ sư từ TEPCO và các công ty như Toshiba Corp; Hitachi Ltd; những đơn vị điều hành các lò phản ứng. Khi thảm họa xảy ra, Hitachi cũng đã gửi tới 120 nhân viên tới nhà máy theo yêu cầu của TEPCO. Toshiba thì mang tới 100 công nhân. Tokai Toso, do điều kiện hạn chế, chỉ đưa tới 6 công nhân và họ đều là tình nguyện viên.

“TEPCO đã đối xử tốt với chúng tôi trong suốt 40 năm qua. Chúng tôi muốn làm tất cả những gì có thể để giúp họ” - Tadashi Ikeda, Giám đốc quản lý tại Tokai Toso nói.

Những chiến binh kamikaze hiện đại

Những chiến binh kamikaze hiện đại

Để có thể làm việc ở Fukushima Daiichi, các công nhân được mặc quần áo bảo hộ và phải qua đào tạo xử lý với môi trường nhiễm phóng xạ. Mỗi người cũng phải đeo 2 máy đo ở các túi ngực để kiểm tra thông tin về phóng xạ tại những nơi họ tới. Mỗi công nhân chỉ được phép tiếp xúc tối đa với 250.000 microsievert trong thời gian diễn ra thảm họa. Giới hạn này đã tăng lên gấp hơn 2 lần mức trước đó là 100.000 microsievert và được coi là nhiễm xạ liều thấp.

Tada nói rằng các đồng nghiệp của anh ở nhà máy hiện đã nhiễm khoảng 100 microsievert phóng xạ, sau 5 giờ làm việc liên tục. Mức này tương đương với một lần chụp X quang ngực. Tuy nhiên mức đó vẫn thấp hơn con số 190 microsievert mà Tada hứng chịu, sau 4 giờ làm việc ở nhà máy trong thời gian trước thảm họa xảy ra.

Rõ ràng các công nhân đang chịu thiệt hại về sức khỏe nhưng TEPCO và các công ty đối tác chưa trả thêm thu nhập cho công nhân hay cung cấp thêm lợi ích nào khác ngoài việc thực hiện các chế độ bảo hiểm tai nạn và ốm đau thông thường. Các công ty nói rằng họ quá bận để đương đầu với tình huống khẩn cấp nên chưa cân nhắc những vấn đề lợi ích. Bản thân các công nhân cũng không nêu vấn đề trợ cấp rủi ro. Họ nói rằng việc đòi thêm tiền trong thời gian khủng hoảng như hiện nay là hành động thô bỉ. “Không một ai làm những chuyện này vì tiền” - Ikeda nói.

Tại một trại sơ tán khác ở thành phố Tamura, cách Fukushima chừng 30km, một công nhân đề nghị giấu tên đang làm việc cho một công ty thiết bị năng lượng nguyên tử nói với hãng tin AP rằng anh vừa nhận được cú điện thoại đề nghị trở lại làm việc vào đầu tuần này. Có thể anh sẽ phải lắp ống đưa nước tới lò phản ứng số 3. Người công nhân với mức lương chỉ bình thường và chủ lao động không ép anh phải đi và họ nói anh hoàn toàn có quyền từ chối đến nơi nguy hiểm. Nhưng anh thừa nhận bản thân thấy có trách nhiệm giúp đỡ công ty và cộng đồng, giống như các phi công quyết tử của Nhật Bản trong Thế chiến II. “Nếu chủ lao động gọi tới một lần nữa, tôi sẽ chỉ có một câu trả lời duy nhất: "Vâng, tôi sẽ đi tới nhà máy” - người công nhân trầm ngâm nói - “Tôi đã nghĩ về kamikaze, về sự hy sinh bản thân cho những người khác. Và tôi thấy trái tim mình hoàn toàn êm ả”.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link