Phú Quang - Người của muôn nỗi buồn dâng hiến (Kỳ 2): Về lại phố xưa

14/12/2021 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đúng 20 năm trước, nhạc sĩ Phú Quang ra album Vol 5 Về lại phố xưa. Khi ông ra đi, xâu chuỗi những lời ca, tôi nhận ra, sau sự nhạy cảm "mắt xanh" của một nhạc sĩ chịu đọc và yêu thơ bậc nhất Việt Nam, có tính tiên tri, dự cảm. Vì đồng cảm với thơ mà ông tinh lọc những câu hay nhất. Những khuông nhạc Phú Quang vẫn vang lên khắp nơi từ băng, đài phát, qua lời hát bao người.

Phú Quang - Người của muôn nỗi buồn dâng hiến (Kỳ 1): Về lại miền thơ ấu

Phú Quang - Người của muôn nỗi buồn dâng hiến (Kỳ 1): Về lại miền thơ ấu

Có phải định mệnh không, khi người nhạc sĩ tài hoa, một tâm hồn lớn, viết nên những tình ca xứng danh tuyệt phẩm cho Hà Nội - mùa Đông, lại dừng mạch sống đúng mùa Đông nghiệt ngã.

Phú Quang đã về phố xưa và mãi còn ở đây trong nỗi nhớ của Hà Nội, của những người yêu Hà Nội. Dùng tiêu đề các kỳ viết bài bằng tên ca khúc Phú Quang, tôi muốn nhấn mạnh giá trị tác phẩm của ông cũng chính là cuộc đời cống hiến của nhạc sĩ vẫn còn lưu sáng, dù chỉ còn trong miền ký ức như ca khúc ông phổ thơ Hoàng Hưng nhưng là ký ức của hiện thực: "Mất rồi con đường bụi đỏ/ Mất rồi những chuyến xe đông/ Nắng dần chạy vào đôi hàng lá thẫm/ Mất rồi anh ở đâu/ Con đường ngong ngóng/ Xa xa trong miền ký ức/ Có lẽ một dòng sông/ Xa xa đôi bờ dốc nắng/ Mênh mang một chiều Đông...".

Cũng tròn 20 năm, NSND Lê Dung - người em, tri kỉ âm nhạc của Phú Quang "về nơi xa lắm". Nhưng mỗi lần được nghe lại giọng hát sang hiếm của danh ca đẳng cấp từng tu nghiệp Tchaikovsky ấy, tôi càng cảm ơn Phú Quang. Nhạc sĩ đã gửi gắm cho Lê Dung những bài hát tâm đắc, các tác phẩm phổ thơ thành công không thể ai hòa điệu hơn hay làm khác.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Phú Quang. Ảnh: Dương Minh Long (1994)

Có người phiến diện cho rằng: Phú Quang không viết được ca từ nên hay phổ, lấy ý thơ. Nhầm, vì họ ít đọc và không hiểu. Phú Quang là một trong không nhiều các nhạc sĩ toàn tài: nói hay, viết giỏi, chữ đẹp. Ông coi nhà thơ là đối tác cộng hưởng sáng tạo, sử dụng thơ hay là cách làm việc chuyên nghiệp hội tụ các thế mạnh. Sự liên tài ấy của Phú Quang nhân hiệu quả lớn: Chính nhờ âm nhạc chắp cánh, thơ được thăng hoa, lan tỏa sâu rộng và tên, tác phẩm của thi sĩ được nổi tiếng thêm. Mà Phú Quang thì sòng phẳng, trân trọng nhà thơ, không bao giờ cố tình "quên" như một số đồng nghiệp ưa vơ vào, phổ thơ rồi "quên" tên tác giả, còn coi như ban ơn cho người làm chữ. Được phổ khá nhiều là Hồng Thanh Quang và vài chục thi sĩ khác, chủ yếu là người Bắc. Có 1 nữ sĩ người phương Nam là Phan Ngọc Thường Đoan thì chấn động mấy lần vì bài thơ Buổi sáng, Phú Quang làm thành ca khúc Catinat café sáng. Chắt chiu từng chữ hay lời đẹp, chuyển thành ca từ bằng tư duy nhạc sĩ sở hữu khả năng viết của một nhà văn hiện đại, như thế, Phú Quang đã có công khuếch tán thi ca Việt Nam khắp thế giới bằng âm nhạc của mình. Khi tôi chia sẻ điều này với Chủ tịch Hội Nhà văn VN, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lập tức đồng tình, ông nói: "Tôi hằng ghi nhận và trân trọng nhạc sĩ Phú Quang".

Phú Quang giàu bạn cũng vì biết nhìn ra cái tốt, tài, mặt mạnh của người khác. Nhớ đến Hà Nội trầm sâu, lịch lãm, lãng mạn, cổ kính, tinh tế và thanh khiết, người hiểu biết sẽ định tính bằng tranh Bùi Xuân Phái và nhạc Phú Quang. Dứt khoát không thể là HN đông nghẹt, ồn tạp, khắp nơi rác và ô nhiễm âm thanh, dứt khoát không bỗ bã xô bồ, dù nghèo vẫn có cốt cách. Phú Quang, nhà "Hà Nội học" của tình ca cực đoan giữ Hà Nội đẹp đa tầng từ hiện thực tới tâm hồn, như "hóa thạch sống" của Vương Thạo trong nghệ thuật sắp đặt, để chưng cất, bảo lưu và truyền phổ. Nhớ Việt Nam là nhớ Hà Nội. Tôi biết và đã chứng kiến các cuộc liên hoan, hội tụ của kiều bào, du học sinh ở châu Âu, cứ gặp nhau sẽ hát; và không bao giờ không có tác phẩm Phú Quang trong những cuộc rưng rưng ấy.

***

Hội Điện ảnh Việt Nam tự hào có hội viên Phú Quang. Thật tuyệt vời chứ không khó hiểu, khi khán giả phim Bao giờ cho đến tháng Mười ấn tượng phần âm nhạc hơn diễn xuất của diễn viên. Phú Quang chưa từng viết nhạc cho phim truyền hình, ông bận các dự án cho riêng mình - nhạc sĩ tự sản xuất và tổ chức nhiều chương trình nhất. Ông vẫn muốn quay lại viết nhạc phim khi có phim hay, lời mời và thuận về sức khỏe.

Họa sĩ, giảng viên mỹ thuật điện ảnh Đỗ Lệnh Hùng Tú là chàng trai phố Huế, rời ngôi nhà số 7 ngõ Tràng An, định cư từ 1985 tại TP.HCM. Như nhiều người từ Hà Nội, từ Bắc vào Nam, cứ nhớ Hà thành, muốn gặp nhau, tìm nhau là Hùng Tú đến Catinat, 50 Đồng Khởi. Đến đó cực "lãi" vì được tha hồ nghe nhạc, nghe tiếng Hà Nội của nhiều tài danh "số má" của nghệ thuật, nói tiếng Hà Nội không tạp pha. Hùng Tú là khách quen của Catinat, nhiều tối trò chuyện với Phú Quang đến khuya, được tặng băng - đĩa - sách và ông nâng niu tất cả trong ngôi nhà mình ở Bình Thạnh, cùng quận mà Phú Quang sống ở Sài Gòn.

Chú thích ảnh
Phú Quang giàu bạn cũng vì biết nhìn ra cái tốt, tài, mặt mạnh của người khác

Phú Quang xa Hà Nội hơn 20 năm nhưng không khi nào tạp pha, làm loãng chất sống và tác phẩm của mình. Nên người Hà Nội trong đó, nghe ca khúc Phú Quang là để bớt nhớ ngoài này, an ủi có mùa Đông bằng giảm nhiệt độ điều hòa và tưởng tượng.

Hơn 1 năm sau đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam mới chính thức có Chủ tịch. Lần đầu Chủ tịch là một họa sĩ thiết kế phim. Nhưng PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú tiếc nuối vì quá muộn, không thể tạo dựng bối cảnh nào cho mình và nhạc sĩ gặp nhau, dù chỉ như người em thăm anh trên giường bệnh. Tân Chủ tịch Hội Hùng Tú mới nhận quyết định 4/12/2021, lần đầu xuất hiện trước mọi người, lại là kỉ niệm buồn. Đến tiễn biệt hội viên Nguyễn Phú Quang. HS Hùng Tú có kỷ niệm làm phim cùng Phú Quang, phim video chiếu rạp Lời tạ từ trong mưa quay tại TP.HCM năm 1995, do đạo diễn Đào Bá Sơn thủ vai chính cùng nữ vai chính Mộc Miên. Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam viết trong sổ tang:

Chú thích ảnh
Phú Quang lên Đà Lạt viết nhạc phim 54 tập “Dốc tình” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh (2004). Ảnh do con trai của nhạc sĩ cung cấp

"Thế là mùa Đông chia xa Hà Nội đã đến thật rồi, thưa nhạc sỹ Phú Quang tài hoa! Hà Nội và các bộ phim truyện mà anh làm âm nhạc mãi mãi không quên anh. Những giai điệu nhạc Phú Quang sẽ còn mãi với thời gian và trong lòng biết bao khán giả yêu điện ảnh và yêu nhạc Phú Quang".

***

Đại thi hào Đức J. W. Goethe có câu nổi tiếng: "Khi ngôn ngữ bất lực, âm nhạc lên tiếng". Phú Quang viết nhạc hay, nói hay, rồi khi ngã bệnh lại không cất được lời.

Phú Quang rất nghiêm khắc trong công việc với mọi người và chính mình. Bởi ông đề cao khán giả. Với ông, làm nghệ thuật không thể chỉ dựa vào bản năng, năng khiếu, ăn may thì không bền. Không chỉ là nghề, nghiệp, mà là sứ mệnh, mục đích sống thôi thúc Phú Quang phải học, đọc, làm việc không ngừng. Ông không bao giờ cho phép sự bỡn cợt, nhôm nhoam, cẩu thả khi nói, khi làm về nghệ thuật. Ông tỏ rõ sự xem thường những ai nhận mình là nhạc sĩ mà không thạo kí âm, không đọc nổi tổng phố, mù tịt phối khí hòa âm và tái mặt khi nhìn thấy nhạc cụ. Bởi chữ đẹp, viết nhanh, giỏi nhạc, Phú Quang hay được bạn bè, fan ruột xin lưu bút là những bản nhạc hoặc nhận xét, để in vào sách, đĩa hoặc giữ làm kỷ vật. Đạo diễn NSƯT Mai Hồng Phong vẫn giữ CD nhạc Về lại phố xưa và bản chép tay của nhạc sĩ Phú Quang tặng khi anh vào Sài Gòn lồng tiếng cho bộ phim đầu tay Đất lành, ký tại Catinat, 8/2002 và lời tựa.

Sau điếu văn xúc động do Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân đọc, linh cữu Phú Quang di chuyển ra xe tang. Hòa tấu tuyệt vời Tình yêu của biển vang lên thiết tha, khắc khoải. Không phải ca khúc, không cần lời nữa! Mà là tác phẩm viết cho Flute và dàn nhạc mà Phú Quang viết cho Hồng Nhung, cô gái Hải Phòng, vào năm 1978, khi tình yêu của họ bắt đầu đẹp nhất. NSƯT Nguyễn Hồng Nhung đã trình tấu tác phẩm này do chồng chỉ huy ở nhiều sân khấu Việt Nam và nước Pháp. Họ đã chinh phục khán giả ở Paris và các nước châu Âu năm 1994 và nhiều năm sau vẫn được yêu cầu trình diễn tuyệt tác này. Đây là nhạc hiệu nhiều năm trên Đài Tiếng nói VN mà người thành lập, dẫn dắt Dàn nhạc mùa Thu đã tung hoành đũa chỉ huy như một thiên thần coi âm nhạc là lẽ sống. Như Phú Quang viết tựa cho một album của ông: "Tôi đã tìm đến với bài ca như đó là phương cách duy nhất hữu hiệu để làm lắng dịu đi những nỗi bấn loạn nội tâm của mình. Khởi điểm của tôi trong việc viết ca khúc chỉ nhằm một mục đích tự giải thoát khỏi những ám ảnh của một đời sống đầy bức xúc về thân phận, về tình yêu. Tôi đã viết như một lời tự thú chân thành cho những kỷ niệm chẳng thể nào quên, đã đến, đã đi qua cuộc đời mình, với hi vọng tìm thấy cho mình sự thanh thản khi bài ca được vang lên. Nhưng chính vào khoảnh khắc đầu tiên khi tôi nhận ra bài ca của tôi đã đến được với mọi người, thì cũng là lúc tôi hiểu thêm một điều: "Kẻ đã trót dấn thân vào trò chơi sáng tạo sẽ là kẻ tự hành xác mình đến cùng trong cuộc kiếm tìm chẳng chút bình yên" (Sài Gòn, 11/1995).

(Còn nữa)

Nhà thơ Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link