Thành Lộc: Càng già, huân chương danh dự càng lấp lánh

30/07/2012 09:00 GMT+7 | Văn hoá


NSƯT Thành Lộc tự thú nhận là người sống duy tâm và tin vào số phận. Anh cho rằng nhờ sinh vào thời điểm trước nên mới có được mọi thứ như ngày hôm nay chứ sinh vào thời điểm khác, anh cũng không biết mình sẽ như thế nào.


Sinh vào thời đại này, biết đâu tôi tệ hơn

* Anh từng nói con người sinh ra để trả nợ cuộc đời, món nợ ấy vẫn còn rất lớn với anh?

- Tôi nghĩ món nợ của mình đến không bao giờ chấm dứt bởi vì một khi chén cơm tôi ăn lấy từ đồng tiền mua vé của công chúng thì có nghĩa tôi sẽ còn trả cái nợ này dài dài.

* Có khi nào anh cảm thấy mình đang tự làm khổ bản thân vì món nợ này thật ra chẳng ai bắt anh phải trả?

- Khi tôi quyết định thi vào trường sân khấu để học nghề có nghĩa tôi đa tự nguyện dấn thân vào nó. Đã nói là tự nguyện tức đâu có ai giao gánh nặng lên vai mình đâu. Cho đến bây giờ tôi vẫn coi đó là sự lựa chọn sáng suốt. Trong lĩnh vực này, tôi thấy mình sống có ích nhất cho cuộc đời.



* Tôi không nghĩ một nghệ sĩ tên tuổi và nhiều người biết đến mà vấn đề cơm áo gạo tiền vẫn đặt nặng đến tận bây giờ như thế?


- Thật ra, đó là chuyện lý tưởng, vì người ta không thể ăn không khí mà sống được. Tôi tự thấy mình là một người may mắn vì làm được nghề mình yêu thích, đam mê và sống được với nó đến tận bây giờ. Tôi không thấy mình chật vật từ thu nhập nghề diễn của mình mà ra.

* Ngày trước, khi sân khấu kịch chưa nhiều và nghệ thuật sân khấu chưa phát triển, người nghệ sĩ phải vượt qua chật vật như thế nào để đến được ngày hôm nay?


- Thời điểm tôi là một người thanh niên cần ăn no mặc ấm thì cả đất nước đang rơi vào khó khăn. Nhưng tất cả mọi người đều như thế nên không có sự so sánh gì cả. Không có ranh giới giữa người quá giàu hay quá nghèo mà tất cả mọi người nghèo như nhau. Không có gì để mình so kè, liên tưởng hay ham muốn vì thế mình chỉ có khát vọng sống, làm việc và cống hiến. Lúc ấy, chỉ có nhu cầu cống hiến chứ không hưởng thụ. Bây giờ thì lại khác, có độ chênh quá lớn giữa cái giàu và nghèo nên sự so kè trở thành mối bận tâm của bất cứ ai, ngay cả tôi cũng vậy.

* Anh nhận xét thế nào về lớp nghệ sĩ trẻ ngày nay?

- Phải nói công bằng rằng, lớp trẻ ngày nay cũng có rất nhiều người tâm huyết với nghề nghiệp và họ đến với nghề như động cơ cống hiến của chúng tôi trước đây, nhưng có điều họ khôn ngoan hơn chúng tôi trước đây, họ thông minh và biết tính toán nhiều hơn, biết cái gì lo cho hậu phương và sự nghiệp. Ngày xưa chúng tôi cứ lao vào ngọn lửa đam mê cho đến chết thì thôi.

Đối với những người vào nghề bằng tai tiếng thì đó là chọn lựa của họ, tôi nghĩ họ thích tai tiếng. Một phần họ không có khả năng đi bằng chính đôi chân và năng lực thật sự nên phải dùng thủ đoạn, nhưng cái góp phần cho thủ đoạn của họ chính là truyền thông. Tôi nghĩ lĩnh vực nào cũng có những con người khôn ngoan và xảo quyệt.

* Có bao giờ anh nghĩ mình là ông hoàng của sân khấu kịch không?

- Tôi là người sống duy tâm và tin vào số phận. Nhờ sinh vào thời điểm đó, tôi được như ngày hôm nay chứ sinh vào thời điểm khác, không biết mình sẽ như thế nào. Tôi nghĩ, hầu như những anh chị em cùng thời với tôi đều yêu đời và trọng nghề. Có lẽ chúng tôi được sinh ra trong bối cảnh khó khăn nên xác định sống có lý tưởng tốt đẹp. Ngay khi bước chân vào trường sân khấu, động cơ của tôi không phải trở thành người nổi tiếng, nghệ sĩ ưu tú hay nhân dân mà giản dị hơn rất nhiều: được làm nghề, được cống hiến tuổi trẻ cho nghề.

Khi chúng tôi trở thành những người nổi tiếng thì hình ảnh chúng tôi là cái đích của thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ, họ thấy vị trí chúng tôi đang đứng nhưng không biết chúng tôi đã đi trên con đường như thế nào. Cái may mắn khi họ đi trên con đường của chúng tôi thì khoa học kỹ thuật và truyền thông phát triển, việc tiếp cận công chúng dễ dàng hơn. Vì thế, họ nghĩ hóa ra nổi tiếng cũng dễ chứ không khó. Nếu tôi sinh ra vào thời đại này, chắc tôi cũng có suy nghĩ tệ hại đó.

* Anh có cảm thấy buồn hay không khi một người hết mình vì nghệ thuật cũng mang tiếng nghệ sĩ như những người vào nghề bằng tai tiếng?


- Lang băm cũng được gọi là bác sĩ đấy thôi. Ngành nghề nào cũng có người tốt và kẻ xấu. Ngành nghệ thuật người ta dễ chú ý nhiều hơn vì nó sặc sỡ quá. Cái tốt nhất chúng tôi nhận và cái tệ nhất chúng tôi cũng lãnh nên tôi coi đó là điều bình thường.

* Đôi khi cái bề ngoài sặc sỡ này đang đánh lừa công chúng khá nhiều?

- Đúng thế. Chúng tôi như con thiêu thân thấy lửa là lao vào mà không biết nóng. Nhưng có người tìm thấy sự hạnh phúc khi được đốt cháy mình. Ít ra trong sức nóng ngọn lửa chúng tôi tìm ra được ánh sáng trong sự đốt cháy đó. Có người lao vào lửa chỉ thấy nó nóng chứ không thấy nó sáng. Sự việc như thế nhưng tùy vào nhân cách sống, góc độ đứng để thấy nó tròn hay méo.

Chúng ta đang ở trong một thời đại người ta nghĩ đến sự hưởng thụ nhiều hơn, tuy nhiên đó là quyền và xu thế nên mình không thể trách được. Khi nghĩ đến sự hưởng thụ nhiều họ sẽ tìm mọi cách để có cái họ cần. Bản thân tôi cũng thích có xe hơi, nhà cao cửa rộng, nên nếu tôi nhìn ai xe hơi hay nhà đẹp mà tôi dè bỉu thì chắc tôi là người dị hợm. Tôi thích như thế nhưng biết trong hầu bao mình có bao nhiêu và lựa chọn gì phù hợp, muốn được như thế tôi phải làm như thế nào. Đơn giản tôi rất cần xe hơi vì nhu cầu sức khỏe nhưng khi có rồi tôi không tơ tưởng một chiếc khác, chiếc của tôi mua đã hơn 10 năm rồi vẫn đi nhưng có người mới đi 1 hay 2 năm đã đổi chiếc khác. Đối với tôi vật chất là phương tiện nhưng với người khác vật chất là danh giá, cái đó là cách sống của mỗi người.



Là nghệ sĩ thì luôn phải dọn mình

* Quyền năng của nghệ thuật rất lớn, nó mang đến cho người nghệ sĩ nhiều thứ và rồi cũng lấy đi rất nhiều, còn anh thì sao?

- Tôi nghĩ nó lấy đi duy nhất của tôi là sức khỏe. Tôi không sợ gì nên nếu có già thì đó là chuyện bình thường. Khi càng già huy chương danh dự trên ngực mình càng lấp lánh. Tôi chỉ lo lắng cho sức khỏe của mình, chỉ sợ sức khỏe kém đi, mình sẽ không còn đứng lâu với lĩnh vực mình yêu thích và làm những thứ chưa làm được.

Thời điểm còn kham khổ, tụi tôi chưa ý thức là phải bảo vệ sức khỏe mình như thế nào, chế độ dinh dưỡng, giữ gìn thanh sắc, phòng tập gym. Ngày xưa những thứ đó với tôi là xa xỉ và tôi cũng chưa có đủ khả năng chạm vào nó. Nhưng đó cũng là cái hay, vì nhờ vậy mà tụi tôi có mỗi một việc duy nhất là giữ gìn chỗ đứng trong lòng khán giả bằng tài năng diễn xuất. Hầu hết chị em nghệ sĩ chúng tôi tập trung vào diễn xuất rất hay và bây giờ vẫn thế. Bây giờ, diễn viên trẻ dành thời gian đến phòng tập gym nhiều hơn đến với sàn tập, dành thời giờ đến những sự kiện hay thậm chí thâu đêm suốt sáng ở club và bar nhiều hơn cầm kịch bản lên học và nghiên cứu. Ngày hôm sau họ đến buổi tập trễ nải và mắt thâm quầng…

* Anh có bị áp lực về việc giữ gìn chỗ đứng hay không?

- Tôi nghĩ cái gì cũng có luật lệ của nó cả. Người ta thường hay ví sân khấu nói riêng và nghệ thuật nói chung là một cuộc chơi. Tôi rất ghét dùng từ này, đây là làm chứ không phải chơi. Sự đào thải là tất yếu của cuộc đời mà chúng ta phải mặc định điều đó. Tôi nghĩ, chuyện “tre già măng mọc” ở lĩnh vực khác thì đúng, nhưng không đúng trong nghệ thuật. Không có chuyện ngôi sao này thay thế ngôi sao kia mà chỉ mọc thêm những vì sao mới thôi. Bây giờ xung quanh chúng ta có nhan nhản nghệ sĩ nhưng kỳ nữ Kim Cương vẫn là kỳ nữ Kim Cương không ai thế được. Những diễn viên như Tăng Thanh Hà, Hải Yến… có nhiều nhưng không ai vượt qua được ảnh hậu Thẩm Thúy Hằng cả. Mỗi người có một chỗ đứng riêng của mình, vì thế tôi không lo sợ lớp trẻ sẽ thay thế mình.

Cái tôi lo sợ là tôi không giữ được phong độ của mình, không sáng tạo ra được cái mới. Khi tôi bước chân vào nghề thì sừng sững ở đó là Thương Tín và Nguyễn Chánh Tín, hào quang của mấy anh có bao giờ tắt đâu nhưng tự tôi nỗ lực tạo ra ánh sáng cho chính mình và mình phải ráng giữ ánh sáng đó. Tôi nghĩ đó là thái độ sống tốt và động cơ hành nghề tử tế.

* Có khi nào anh cảm thấy bơ vơ khi đứng trên đỉnh cao nghề nghiệp rồi không biết sẽ làm gì, đi đâu nữa.


- Gần đây nhất tôi có đọc bài báo của một ngôi sao có đề cập đến vấn đề này. Tôi nghĩ giới tân nhạc mới cô đơn khi đứng trên đỉnh vinh quang còn giới sân khấu chúng tôi thì không. Bạn thấy trên thế giới, những người nghệ sĩ tên tuổi tự tử chủ yếu thuộc lĩnh vực ca nhạc và điện ảnh thôi. Nghệ sĩ sân khấu không ai tự tử cả bởi vì họ giác ngộ cuộc đời rằng bản thân họ không thể làm nên tất cả, bản thân họ là một ngôi sao nhưng họ biết rằng họ chỉ trở thành ngôi sao khi chung quanh họ có những ngôi sao khác. Không một nghệ sĩ sân khấu nào tự mình làm nên sự nghiệp cả, một tác phẩm sân khấu là công trình của cả một tập thể.

Chẳng nói đâu xa, ngay sân khấu chúng ta có một dàn bao cũng rất lành nghề, chính có dàn bao cứng nghề nên những ngôi sao sân khấu sẽ không thấy đơn độc, đó là một sự hỗ trợ tương với nhau nên tôi không có cảm giác đó.
 

* Còn áp lực giữ gìn hình ảnh?

- Thật sự tôi không có áp lực gì cả vì bản thân tôi là người không phóng túng, tôi cũng chỉ là con người bình thường. Tôi cũng có khát vọng yêu. Tôi cũng có những khi nổi loạn và yêu theo ý mình chứ không yêu theo ý công chúng. Tôi chỉ mong muốn công chúng đừng nhìn nghệ sĩ như sản phẩm do họ tạo ra, mà hãy xem nghệ sĩ tự tạo ra bản thân mình, từ đó công chúng mới chiêm ngưỡng. Khi chiêm ngưỡng xong thì hãy để chúng tôi là chính mình.

Mối quan hệ giữa tôi và khán giả là mối quan hệ tri kỷ, vì thế tôi không có bất cứ áp lực gì cả. Tôi không nghĩ mình chịu áp lực sống ra sao để được công chúng yêu mến. Tôi không bị công chúng thất vọng ngoài đời cho lắm vì cái nết tôi cũng hiền.

* Nghệ sĩ liệu có ích kỷ hay không nếu họ sống phóng túng, vì họ là người của công chúng mà?

- Tôi nghĩ họ có quyền phóng túng nhưng đừng phô trương điều đó lên. Một con chiên ngoan đạo phải rửa mặt, rửa tay chân sạch sẽ mới bước vào thánh đường. Nghệ sĩ cũng vậy, khi xem nghệ thuật là một thánh đường thì họ phải biết dọn mình sạch sẽ trước khi bước vào.

Theo NĐ & ĐS

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link