Nhiều người tỏ ý nghi ngại về văn hóa đón nhận khen - chê của các "sao" trong Showbiz Việt. Ca sỹ Phương Thanh có cuộc trò chuyện về vấn đề này!Đời sống âm nhạc bấy lâu vẫn bị giới chuyên môn, giới truyền thông "chê" là bão hòa, tẻ nhạt, "vàng thau lẫn lộn". Những ngày này, đời sống âm nhạc bỗng "dậy sóng" với cuộc khẩu chiến giữa Diva Thanh Lam và hai ngôi sao giải trí hàng đầu: Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà.
Cuộc "nội chiến" được ví là cuộc đối đầu giữa hai lĩnh vực âm nhạc: học thuật và giải trí. Mỗi lời phát ngôn đều đanh thép! Nhiều người tỏ ý nghi ngại về văn hóa đón nhận khen - chê của các "sao" trong Showbiz Việt. Ca sỹ Phương Thanh đã có cuộc trò chuyện với GĐ&XH Cuối tuần về vấn đề này!
Chỉ có "thẳng" mới "ngay" được * Với chị, để chê hoặc góp ý cho ai đó nó có khó khăn lắm không? - Có hai kiểu khen chê: trong giới và ngoài giới. Với những người không hiểu gì mà nói thì có nên nghĩ hay không? Còn với người trong giới thì đầu tiên phải xem đối tượng chê mình là ai? Nếu họ chỉ ra được điểm yếu, chưa chuẩn của mình thì đó không phải là chê mà là sự góp ý thì hãy nên cảm ơn họ. Vì họ là những người đã trải qua, đã từng vấp ngã và họ chỉ ra cho mình thì đó là kinh nghiệm quý báu. Chỉ có những người ghét nhau mới chê nhau thôi.
* Đồng ý là như thế, nhưng với những lời góp ý quá thẳng, quá khó nghe thì cho dù nó có là chân lý thì cũng rất khó... lọt lỗ tai?- Có hai kiểu thẳng. Một: đi thẳng vào vấn đề, không vòng vo. Hai: nói một cách phũ phàng và họ sẵn sàng va chạm với tất cả mọi đối tượng. Thẳng mà cái Tôi của mình lớn quá thì thành ra không hay. Nhưng theo tôi thẳng thắn vẫn rất quan trọng.
Người ta nói, “cây ngay không sợ chết đứng” nhưng đôi lúc cũng phải "chết đứng" để được "ngay". Và chỉ có "thẳng" thì mới "ngay", "ngay" mới "thẳng" được. Khi người "thẳng"nhận được những lời góp ý thẳng thắn, họ thích lắm. Còn những người "cong" lại thích nghe những lời cong co. Chính vì vậy, nếu hai đối tượng- một thẳng và một cong gặp nhau thì bao giờ cũng xảy ra xung đột. Nhưng thẳng gặp thẳng thì xem đó là chuyện bình thường vì người ta không thích nói lòng vòng.
* Chị có nghĩ để nhận ra được điều đó thì người nghe cũng phải có kinh nghiệm sống, bản lĩnh vững vàng?- Với những lời nói thẳng, nghe thì thấy phũ phàng nhưng thực ra như thế là tốt nhất. Cần phải tỉnh táo để tiếp nhận lại thông tin đó ra sao, vì ai cũng có lòng tự ái rất lớn! Chỉ có người đi trước mới đọc được người đi sau còn người đi sau, họ chỉ hướng về phía trước chứ ít khi nhìn lại phía sau mình lắm.
* Như với chị thì sao, chị thích lời nói thẳng không?- Tôi không thích những lời nói lòng vòng. Người ta nói "mật ngọt chết ruồi" còn gì. Tôi chỉ muốn nói rằng: Nếu người góp ý cho mình là những đàn anh đàn chị, những người đi trước, họ chỉ ra được điểm thiếu sót, điểm yếu của mình thì đó chính là người ta đã tặng cho mình kinh nghiệm sống mà có khi mình tìm mãi mà chưa thấy. Với tôi, được cho một kinh nghiệm sống nghĩa là đã được cho một con đường.
Tôi khoái cách "chuẩn Lam"* Qua những tranh cãi quá om xòm vừa rồi, bây giờ nếu cần phải góp ý cho ai đó, bản thân chị có e ngại không?
- Thực ra thời buổi bây giờ, đa phần người góp ý họ cũng sợ lắm, ngại lắm. Vì những lời góp ý đó nếu nói ngoài thì không sao, nhưng khi đã đưa lên báo thì luôn luôn có một đội ngũ sẵn sàng "ném đá". Cho nên lâu lắm rồi tôi không thấy những lời nói thẳng trong nghệ thuật. Mà ở đời thì cần lắm cái thẳng. Thanh Lam đáng là người được góp ý, như Thu Minh nói một câu rất hay là "Phải cám ơn Thanh Lam".
* Như vậy có thể thấy, bản thân chị thích những lời góp ý của Thanh Lam?- Thanh Lam là người thẳng đến độ thẳng tuột, ai cũng biết điều này. Và người nào được góp ý sẽ bị sốc vì chị luôn đi thẳng vào vấn đề. Với người như tôi thì rất thích và nếu được chị góp ý thì tôi dễ dàng nhận ra thành ý trong lời nói của chị. Nói thật là nếu được khen quá, tôi cũng không thích đâu! Có những hôm mệt, tôi hát không được tốt lắm nhưng khán giả họ vẫn khen tôi hát hay. Có lẽ là khi họ yêu mến mình quá thì hay dở gì họ cũng yêu hết. Nhưng bản thân tôi biết mình dở như thế nào.
* Nhưng người Việt mình vẫn thường nhắc nhau rằng "lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" cơ mà? - Ai chẳng thích ngọt ngào, nhưng trong cái thẳng nó có sự chân thành. Tôi nghĩ vấn đề ở đây là do cách nói của người Bắc và kiểu nghe của người Nam nên mới xảy ra xung đột. Tôi không muốn nói ai đúng ai sai, nhưng rõ ràng nó có cả vấn đề tình cảm. Nếu là một người xa lạ, ta có thể trả lời thẳng thắn ngay là đó là những lời lẽ có tính đạp đổ nhau. Còn nếu là mối quan hệ thân thiết, không hận thù thì cách giải thích phải khác đi. Tôi thấy ít người dám thẳng như Thanh Lam lắm, mà đa phần là những người "dĩ hòa vi quý" thôi nên hãy trân trọng cái thẳng đó. Cái thẳng của Thanh Lam xứng đáng được tôn vinh là "chuẩn Lam". Mặc dù cái "chuẩn" đó đã gây ra rất nhiều sóng gió. Trong sự hỗn loạn bây giờ, rất cần những tiếng nói nhìn thẳng vào sự thật.
Cuộc sống cần phải có sự tranh luận, tranh luận mới đưa ra được quan điểm. Khen nhau sẽ khiến cuộc sống trở lên một chiều. Đừng có ngại chê bai, tranh luận.
* Chị có ý định sẽ làm một "chuẩn Thanh" không?- Tôi bị “ném đá” nhiều nên thấy bình thường rồi. Đến vấn đề mại dâm chả liên quan gì đến mình mà tôi còn góp ý nữa là... Một bài báo viết ra cùng lắm chỉ có cỡ trăm comment (bình luận), còn những người im lặng mới ghê, là điều đáng để mình quan tâm. Họ có thể không nói gì nhưng họ thể hiện bằng cảm xúc "Anh có thể nói, có thể phản ứng, nhưng trong lòng tôi, với phông văn hóa đó, anh đã thua"...
Học bình tĩnh hơn khi không được khen * Không ít nghệ sĩ từng bị chê trên mặt báo, nhưng cách phản ứng của mỗi người cũng khác nhau, người phản hồi nhẹ nhàng, người phản ứng dữ dội. Chị có nghĩ sự khác nhau đó có mối liên hệ đến văn hóa sống của họ?Tôi thấy ít người dám thẳng như Thanh Lam lắm, mà đa phần là những người "dĩ hòa vi quý" thôi nên hãy trân trọng cái thẳng đó. Cái thẳng của Thanh Lam xứng đáng được tôn vinh là "chuẩn Lam". Mặc dù cái "chuẩn" đó đã gây ra rất nhiều sóng gió. Trong sự hỗn loạn bây giờ, rất cần những tiếng nói nhìn thẳng vào sự thật. |
- Tôi nghĩ nó là do quan điểm sống khác nhau thôi. Điều cần phải phân biệt xem ai là người góp ý. Nếu đó là người có mối quan hệ thân thiết với nhau thì không bao giờ người ta ác ý, trù dập mình đâu. Nhưng vì lâu lắm rồi người ta không được nghe những lời nói thẳng như thế cho nên mới cho nó là ghê gớm. Cái "văn hóa ném đá" trên các tờ báo điện tử hiện nay khiến người ta ngại đụng chạm, thậm chí khiến người ta hèn đi để không phải nói ra chính kiến mà họ muốn nói. Và họ chỉ còn khen nhau là nhiều thôi.
* Có một thời, chị cũng từng "nhảy dựng" lên với một bài báo chê mình, đến nỗi phải đưa ra tòa. Nếu bây giờ gặp lại tình huống tương tự, phản ứng của chị có khác với hồi đó?- Như tôi đã nói, còn tùy từng đối tượng là người trong nghề hay ngoại đạo chứ. Những lời của họ có thể là vì họ quá quan tâm về mình, hai là họ chả hiểu biết gì hết. Thiếu hiểu biết mà nói thì thành phá hoại. Và tôi vẫn xử lý với những lời nói kiểu "phá hoại" như thế.
* Ý tôi nói ở đây là cùng với thời gian, sự trưởng thành, sự phản ứng của con người có khác đi...- Sẽ khác chứ. Không ai trách người trẻ cả. Sự phản ứng sẽ là cách để họ rèn luyện cá tính và bản lĩnh. Còn ở tuổi này, tôi nghiệm ra rằng càng chiêm nghiệm về cuộc đời, người ta càng nhận ra cuộc sống này chỉ là cõi tạm. Chính vì vậy mà tôi bình tĩnh hơn trước những lời khen chê, yêu thương hay ghét bỏ.
* Cảm ơn ca sĩ Phương Thanh!Theo Giadinh.net