Phương Thanh: “Chừng nào không nghe thấy tiếng vỗ tay, tôi sẽ nghỉ”

10/09/2011 15:14 GMT+7 | Văn hoá

“Hát không nghĩ đến ngày mai là phá chứ còn gì! Có nhiều lần hát xong thấy đom đóm... nhưng cứ hát! Nhỡ đâu ngày mai hết duyên không được hát nữa thì sao?” - ca sĩ Phương Thanh.



Tôi thậm chí đi lên từ con số âm

* Không ít người trăn trở loay hoay để tìm ra con đường bước vào showbiz. Còn chị thì chẳng cần tìm, cứ hùng hục lao vào, cũng thi thố, rồi rớt đài, rồi lại đi lên. Lúc ấy, chị có tin là mình sẽ thành công?

- Tôi chẳng nghĩ gì, cứ tự nhiên mà lao vào, hát cho bằng thích thôi. Phải hùng hục, vì tôi biết tính mình, nếu chán tôi sẽ bỏ. Vậy nên nhân lúc mình còn thích, thì phải chạy thật nhanh, nếu không cảm xúc sẽ mất. Tôi hát phụ thuộc nhiều vào cảm xúc, mà một ngày thì có biết bao cảm xúc. Trong đó chắc chỉ có một phần là đam mê công việc, còn lại là cảm xúc từ đời sống. Nếu không hùng hục, không chớp lấy quầng cảm xúc đó, thì sẽ không chạm đích được.

* Chị - nhan sắc không, giọng hát cũng không. Vậy điều gì khiến chị “hùng hục lao vào” như vậy?

- Lúc đó, tôi chỉ xác định đi làm kiếm tiền mưu sinh và giúp gia đình. Có show hát là có tiền, là cả gia đình cũng mừng. Tôi không mơ vị trí và danh vọng, thật lòng là thế, tôi chỉ mong có công việc đều đều hàng tối, được kêu đi hát là tốt rồi. Thời đó, những ca sĩ nổi tiếng đều thuộc diện hát hay và hát đẹp. Nhưng tôi hát khác hẳn, tôi không hát mà là gào. Chắc là hát lạ! Đó là điểm đặc biệt để người ta phải để mắt đến tôi. Với các ca sĩ, được nổi tiếng chắc họ cũng phải có chút gì đó, nhan sắc giọng hát thuận lợi. Còn tôi, tôi chẳng có gì thật, tôi thậm chí đi từ con số âm đi lên chứ chẳng phải là con số 0 nữa.

* Hào quang đến dồn dập có làm chị choáng ngợp?

- Nó lôi tôi đi nhanh. Người ta đặt show mà tôi không nhận thì họ mang tiền đến nhà đưa cho mẹ tôi. Rồi tôi cũng không đủ sức mà làm lại mang tiền đi trả. Tôi không quen kiểu sống của một người nổi tiếng. Ước mơ của tôi khi đó chỉ là một cuộc sống ổn định chứ không phải làm người nổi tiếng.

“Đánh nhau” cũng... vui!

* Hàng tá những câu chuyện bốc đồng trong quá khứ ngôi sao của chị đang được lật lại. Đó là bản chất yêng hùng sẵn có hay nhu cầu “ra oai” của một kẻ ngồi “chiếu trên”?

- Nó là bản tính. Tính tôi thẳng thắn không thích dài dòng. Có nhiều chuyện tôi biết mình dính vào sẽ chẳng hay ho gì cho mình. Nhưng tôi biết tôi giúp người ta được, tôi có thể làm và chịu được hậu quả giỏi hơn người ta thì tôi làm thôi. Những chuyện ồn ào đó chưa là gì đâu, còn khối chuyện tôi từng làm người khác hết hồn hơn nhiều.

* Cái thời nông nổi thiếu nữ đó giờ được người đàn bà nhìn nhận thế nào?

- Tôi đã sống nhiều bằng sự tự tin. Nhiều gãy đổ đã qua cũng do quá tự tin mà gặp phải. Bây giờ trưởng thành, tôi đã biết sống bằng niềm tin. Giờ mình đâu thể sống như thời con gái được nữa, phải biết rút kinh nghiệm từ chính thành bại của mình.

* Thời đỉnh cao, chị đầu trò nhiều nhóm bạn, nhóm bè. Tính cách ấy là do chị tự hướng đến hay người ta thích theo chị, đẩy chị vào vị trí hòn tên mũi đạn?

- Muốn làm đầu trò đâu phải dễ đâu, phải được người ta tin. Họ thích tôi vì tôi hay đặt trò vui cho mọi người. Chơi với bạn, mà cứ muốn đứng cao hơn bạn thì sẽ chẳng ai chơi cả. Tôi đầu trò, đầu đảng nhưng tôi cũng chỉ như mọi người, thậm chí đứng thấp hơn cũng được. Nhưng tính tôi ương, tôi dám đương đầu, tôi sẵn sàng chết vì đồng đội. Có khối chuyện đã qua đó, tôi sẵn sàng hứng hòn tên mũi đạn dư luận, dù chẳng hẳn là chuyện của riêng tôi.


Tôi chỉ có thể “tám” với ba diva chuyện... con cái

* Nhớ lúc chị trốn sân khấu “nằm ổ”, chỉ có hai đồng nghiệp là Quang Linh, Minh Thuận biết đường thăm nom chị...

- Thuận là bạn thân từ thời mới mưu sinh. Thuận giúp tôi đến với sân khấu lớn. Tới chết thì Thuận vẫn là người bạn thân nhất của tôi. Quang Linh là người bạn sau này. Chúng tôi là đồng nghiệp nổi lên cùng thời, đi lưu diễn chung với nhau nhiều, đi đâu cũng ở chung phòng với nhau. Tôi và Quang Linh cùng đến và cùng đi trên con đường nghệ thuật, đều từ gian khó mà ra. Hai anh em có nhiều đồng cảm trong nghề để có thể cùng nhau chia sẻ.

* Nhưng những cái tên như Lam Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Siu Black... thì dường như được chị nhắc tới nhiều hơn?

- Trường là người thân trên sân khấu, là người mà ai cũng dễ biết nhiều nhất. Thời của tôi, Trường là nam ca sĩ số một, nên người ta thích ghép đôi. Nhưng tôi khó tâm sự chuyện đời với Trường vì hai người có những xuất phát điểm khác nhau. Còn chị Siu thì đúng là một người chị đúng nghĩa, chuyện tình cảm riêng tư chỗ chị em đàn bà với nhau dễ chia sẻ với chị. Đàm thì không phải là bạn.

* Tại sao chị chơi nhiều với nhóm ca sĩ của số đông cùng thời. Phải chăng “nhóm trên” như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh... không phục thành công của chị?

- Tôi nhìn ba người này như những đàn chị của mình, mặc dù Mỹ Linh là người đồng trang lứa. So tôi với các diva thì là hai phong cách âm nhạc khác hẳn nhau nên ít có cơ hội đi chung. Lâu lâu gặp nhau thì vẫn có chuyện để tám, như chuyện con cái thôi, chứ không thể là âm nhạc. Còn phục tôi hay không thì phải hỏi họ chứ sao hỏi tôi? Còn tôi thì tôi phục họ đấy! Nhưng chủ quan mà nói thì tôi thấy thế này, ít nhất là trong phong cách của mỗi người đều có những điểm đặc biệt riêng để mà phải phục nhau. Chẳng hạn độ cao, độ trầm, sự tinh tế, hay là sự thu hút...

Chỗ của tôi phải lửng lơ mới hợp

* Chị có biết đồng nghiệp nào không phục vị trí số một mà chị từng có không?

- Tôi không biết và không quan tâm. Đối với tôi, người nghe là quan trọng nhất. Nhưng đồng nghiệp nể nhau cũng là một điều đáng nghĩ. Tôi không coi thường ai ở những đỉnh cao, kể cả những đàn em sau này. Đã lên đến vị trí hạng A, chắc chắn họ có những thế mạnh tuyệt chiêu không thể coi thường. Nói về tôi đi nhé, tôi dám chắc là tôi có thể hát những nốt cao nhất, chưa chắc có ai qua được tôi. Còn nhiều thứ lắm để người ta có thể phục nhau. Nghề này rất lạ, cứ phải để ca sĩ này đứng cạnh ca sĩ khác, là sẽ thấy ai có vị trí nào ngay lập tức. Tôi chẳng mong đứng cao hơn các diva, cũng chẳng sợ đứng thấp hơn các bạn ca sĩ trẻ. Tôi đứng chỗ của tôi, cứ lửng lơ mới hợp với tôi.

* Thời đó tôi thấy chị bạ gì cũng hát như một cách... “tận thu vinh quang”. Điều đó có nằm trong tính toán?

- Có ai biết mình về sau thế nào đâu mà tính toán chi cho mệt. Tôi đã nói rồi, tôi bước vào nghề này bằng đủ đường đủ cách. Được hát càng nhiều thì càng sướng chứ sao! Tôi từng hát năm đêm phòng trà liên tục, giờ chưa ai phá kỷ lục đâu nha! Còn về thu thanh thì khỏi phải nhớ vì nhớ không được mình đã thu bao nhiêu bài bao nhiêu đĩa. Rồi theo đoàn hát đi tỉnh thì phải tính bằng tháng chứ không tính bằng tuần... “Tận thu vinh quang” cũng có thể là vô thức, nhưng tôi muốn làm hết sức cho thật đã, rồi mai mốt về đường dài mình có kinh nghiệm, có điều kiện kinh tế mà chọn lựa. Chẳng phải có thời gian đó thì mới có tôi ngày hôm nay sao? Giờ mới đến lúc tôi làm cái tôi thích, chứ chẳng ham hố làm vì danh hay vì tiền nữa.



* Vậy trong nghề chị có chịu lắng nghe và theo sự hướng đạo của ai không? Hữu Minh, Đức Trí hay Lê Quang?


- Hữu Minh. Tôi thích làm việc với Hữu Minh. Làm việc trong phòng thu anh ấy rất khó tính và biết tạo động lực để làm việc. Hữu Minh giúp tạo ra nhiều cú bật phá trong nghề của tôi nhưng dần dần cái duyên với nhau nó cũng nhạt phai đi, dù anh em vẫn quý mến nhau. Đức Trí thì là người hiểu tâm tính của tôi, nên anh ấy làm bài nào cũng chỉn chu và rất hiệu quả. Gần như những bài “hit” của tôi là công anh Trí. Còn anh Lê Quang giúp tôi làm liveshow đầu tiên khi Đức Trí đi vắng (2001)... Show này khẳng định được vị trí khác trong sự nghiệp.

Có thể nói, Hữu Minh và Đức Trí là những người kè được cái tính ương ngạnh của tôi, bắt được tôi nghe theo họ. Họ xuất hiện cùng một thời điểm, họ góp phần lớn tạo ra tôi.

Cứ phải “rè rè” thì mới là tôi!

* Chị có vẻ kém duyên với cánh nhạc sĩ ngoài Bắc? Vì họ khó tính hơn sao?

- Tôi từng “kích” anh Quốc Trung, nhưng lúc nào anh Trung cũng ậm ừ. Trong Sài Gòn, guồng máy sản xuất giải trí quay nhanh nên đôi khi chúng tôi bị nhìn nhận là thiếu sự khó tính như đồng nghiệp Hà Nội. Nhưng tôi thích làm việc với những người lạ lùng và khó tính lắm, vì tôi tin là tôi thỏa mãn được yêu cầu của họ. Nhưng vấn đề là họ chưa có thời gian cộng tác để họ biết là tôi có thể làm được hay không. Tôi từng hát “Những cô gái quan họ” khiến nhạc sĩ Phó Đức Phương phải nhảy lên sân khấu ôm hôn, dù trước đó ông không tin là tôi biết hát và thậm chí còn không muốn cho tôi hát vì sợ hỏng bài.

* “Ca nước lạnh” nào khiến chị “thù lâu nhớ dai” nhất?

- Một nhạc sĩ lớn từng chê vỗ mặt rằng giọng của tôi là bị hư dây thanh đới nên cứ rè rè. Kể cả khán giả cũng nhiều người nghĩ tôi bị hỏng giọng. Nhưng phải rè rè thì mới là tôi. Tôi chẳng buồn. Chỉ nghĩ cách cố gắng hơn để người ta chấp nhận một kiểu hát riêng. Với giọng hát như thế, mọi người nhắm mắt cũng có thể nhận ra tôi. Vậy thì tôi đặc biệt quá đi chứ!

Tôi chưa từng học thanh nhạc... quá phút thứ 16

* Chị có từng học thanh nhạc?

- Có một lần. Năm 1990. Nhưng tôi có kiểu học lạ lắm. Tôi học lén. Những ca sĩ lớn hát ngoài sân khấu ra sao, trong cánh gà tôi hát theo như vậy, cho giọng mình thoát ra. Nói cách khác, tôi cũng học từng cái cách lấy hơi, từng sự tinh tế của những người mà được coi là những giọng hát có học.

* Chị giống như một bằng chứng thuyết phục bảo vệ ý kiến “giọng hát chẳng phải là tất cả” vậy!

- Nghề ca sĩ thì cần giọng hát. Nhưng nghệ sĩ thì người ta cần phong cách cho giọng hát, chứ không phải là hát hay, hoặc hát đúng kỹ thuật thì mới là hay. Hát – xét cho cùng là một cách kể chuyện, là chia sẻ cảm xúc lẫn nhau giữa người hát và người nghe. Mình kể chuyện buồn thì phải có cảm xúc buồn, hát vui thì phải làm sôi động sân khấu. Quan trọng là khi cất giọng hát lên, người ta nhận ra mình chứ đừng là ai khác. Còn kỹ thuật của mỗi giọng hát phụ thuộc vào cá tính. Cá tính khác nhau, đừng mong muốn người ta hát giống nhau. Ngay cả chuyện ăn mặc cũng vậy. Trong khi người ta mặc đầm mặc váy mới là thời trang. Nhưng tôi cứ phải mặc quần jeans áo sơ mi thì khán giả mới công nhận, đấy mới là Phương Thanh...

Vậy đấy, đâu cứ phải theo số đông thì mới đúng đâu!



* Nhìn vào Phương Thanh hay Uyên Linh, sẽ có triệu đàn em mơ giấc mộng Idol. Vậy theo chị, showbiz Việt liệu có tài tình đến mức có thể hô biến tất cả: một người vô danh thành ngôi sao, không thành có, cục gạch thành rubi?


- Một chu kỳ hỗn loạn nó gây ra những điều náo loạn như trong showbiz vừa rồi. Nó khiến nhiều người nghĩ, để tạo ra một ngôi sao rất đơn giản. Nhưng không phải. Vẫn phải là người có tài, có phong cách riêng, có cái duyên trời cho thì mới thành sao được. Trong 100 người, may ra có 2 người mang sứ mệnh ngôi sao. Còn lại 98 người còn lại có máu nghệ sĩ mà chẳng phải nghệ sĩ, hoặc những người an phận, hoặc thợ hát hàng đêm... Còn nếu như 100 người hát hay hoặc 100 người muốn nổi tiếng, mà thành được đến 98 người, thì ngôi sao còn gì là giá trị!

Đúng, tôi bình dân!

* Fan trung thành của chị rất đông, kể cả bây giờ không còn hào quang thì họ vẫn ra sức bảo vệ chị. Họ muốn chị là diva bình dân, diva vỉa hè của họ.

- Tôi chẳng bao giờ biết mình có bao nhiêu người yêu mến. Nhưng tôi thích gặp họ, lần nào gặp gỡ cũng có những gương mặt quen thuộc và có thêm những người mới đến. Đúng, tôi bình dân, chỉ có bình dân như tôi mới có thể phù hợp với tất cả số đông mọi người mà thôi. Người ta gọi tôi là diva bình dân, diva vỉa hè thì tôi phải vui chứ. Các diva khác, họ có chỗ của họ, sang trọng hơn cũng được. Tôi có chỗ riêng của tôi, mà ở nơi đó có thể người ta lại coi là nhất.

* Thời điểm này, đứng trên sân khấu, rõ ràng thấy chị mệt mỏi và thiếu lửa. Ngọn lửa một thời của rock phố đâu rồi?

- Tôi đang tích lửa. Thời gian qua, tôi nghiêng về thứ âm nhạc nhẹ nhàng đằm thắm. Vì bỗng nhiên tôi thích thế. Đôi khi cũng nên dừng lại để bồi bổ các món khác. Biết đâu điều đó sẽ giúp tạo đà cho chặng tiếp. Thứ hai nữa, bài rock mà hay phải có thời gian chờ đợi. Tháng 10 tôi ra đĩa “Mèo hoang”, rock và lửa đấy! Nhưng để có nó phải có người viết riêng cho mình, “Mèo hoang” tôi làm mất 3 năm, dự tính có 5 bài, nhưng cuối cùng chỉ dừng lại con số 4. Tôi cực ghét con số 10, nó tròn trịa quá và không vui. Chẳng đĩa nào của tôi là 10 bài, 5 – 7 – 8 bài không à! Mà đặc biệt nhất là album “Giã từ dĩ vãng”, có 5 bài thì nổi cả 5: “Giã từ dĩ vãng”, “Tình cờ”, “Trống vắng”, “Xa rồi mùa đông” và “Em như tia nắng mặt trời”. Đĩa đó bán cả trăm ngàn bản, nhưng cũng chỉ nhận được 10 triệu tiền cát sê thu âm. Nhưng nó xây lên cả sự nghiệp cho tôi. Có khi thời gian tới, tôi chỉ làm 5 bài cho một album thôi. 5 ăn/5 thua.

* Duyên thì thường không hẹn mà đến, không chờ mà đi. Với chị, duyên có khó giữ?

- Đã gọi là duyên thì sao mà nắm bắt được! Gặp nhau cũng phải có duyên, yêu nhau cũng duyên... Tôi chỉ biết chừng nào mình bước ra sân khấu mà không còn tiếng vỗ tay, chừng nào tôi thấy mình nhạt nhẽo, chẳng có khao khát thì lúc đó chắc chắn là “có chuyện”. Rằng cái duyên đã bỏ mình đi. Duyên nó tăng thêm hào quang cho mình. Bạn thấy đấy, có những ca sĩ, họ bước ra sân khấu rộng lớn mà không hề bị lọt thỏm. Không có ban nhạc, không có múa minh họa mà người nghe vẫn thấy họ chiếm lĩnh được toàn bộ sân khấu. Đấy là cái duyên. Tôi không nói cho riêng mình, nhưng tôi thấy thế hệ tôi, những người như tôi, Mỹ Linh, Quang Linh... bước ra sân khấu thì còn nhiều ca sĩ trẻ phải nể phục. Đừng có nói sớm là chúng tôi đã hết thời. Cái duyên nó còn nằm ở thần thái nữa nhé! Lúc mình chán chường, lúc mình không tự tin, lên sân khấu lớn là mình thấy ngợp ngay.

Hát không nghĩ đến ngày mai là “phá” chứ còn gì!

* Ai cũng nói chị hát như phá giọng. Kỳ thực chị xây hay phá?

- Thì tôi phá thiệt mà! Hát không nghĩ đến ngày mai là phá chứ còn gì! Có nhiều lần hát xong là thấy đom đóm... nhưng cứ hát! Nhỡ đâu ngày mai hết duyên không được hát nữa thì sao?

* Sao chị không nghỉ ngơi hoặc hạn chế xuất hiện, cho công chúng nhớ và mong chờ sự trở lại?

- Lúc tôi nghỉ thì mọi người nói tôi hết thời. Lúc tôi muốn tìm lại sinh lực cho giọng hát và cái duyên cho mình thì mọi người bảo tôi bị bỏ quên. Làm nghệ sĩ sống thế nào cũng bị soi. Vậy tốt nhất cứ làm theo ý mình đi, thích thì hát, lúc nào cảm thấy cần nghỉ, như nghỉ đẻ chẳng hạn, thì cứ nghỉ.

* Chị có lường trước “ngày tận thế” của mình?

- Không. Cứ đi là hát, cứ hát là hát! Chừng nào tôi không nghe thấy tiếng người ta vỗ tay, tôi sẽ nghỉ!

Sao Việt chắc lỳ hơn sao Hàn Quốc mới không... tự tử

* Đã bao giờ chị cảm thấy thấm thía sự bạc bẽo của nghề đờn ca này chưa?

- Có đôi lúc, sự chán chường đã đến. Không phải từ người nghe đâu mà nó bắt nguồn từ cuộc sống. Nghệ sĩ thì sống bằng cảm xúc mà con người thì không chi phối được hết hỉ nộ ái ố của cuộc sống. Một bài báo viết sai cũng có thể làm tôi suy sụp. Nhưng may mắn tính tôi lì lợm, nó đã giúp tôi vượt qua được nhiều trở ngại. Mà tôi thấy hình như ca sĩ Việt Nam cũng lì lợm lắm nên ít thấy... sao tự tử như bên Hàn Quốc.



* Giờ, sau những thăng trầm, con người chị thay đổi thế nào?

- Thì đó, vượt qua được khó khăn thăng trầm thì thấy cuộc sống có ý nghĩa lắm. Nó thúc đẩy mình đi tiếp và làm việc. Cuộc sống nghệ sĩ thì thường xuyên không yên bình. Sau mỗi giai đoạn, sau mỗi thăng trầm, tôi thấy ai cũng có những cuộc trở lại rất mãnh liệt. Tôi cũng đã tìm thấy chí hướng và những niềm hào hứng mới cho một giai đoạn khác của mình. Từ tháng 10 tới, tôi sẽ để mọi người thấy: lửa Phương Thanh đang cháy lại!

Theo Đẹp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link