19/04/2011 10:43 GMT+7 | Âm nhạc
Với giọng hát khàn bốc lửa, ca sĩ Phương Thanh không có dị bản.
Vịt con xấu xí
Khi Mỹ Linh đang từng bước chiếm những vị trí “đầu tiên” trên con đường âm nhạc của mình, từ giải nhất cuộc thi Giọng hát hay học sinh phổ thông trung học toàn quốc năm 1991, sau đó là đỗ thủ khoa thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội năm 1993, liền năm đó giành giải Ca sĩ trẻ ấn tượng nhất Liên hoan các ban nhạc trẻ toàn quốc lần đầu tiên, khi Lam Trường, khiêm tốn hơn, với giải nhì tiếng hát Hoa Thập đại tinh tú ở Tp. HCM năm 1995, thì Phương Thanh lúc ấy đang vật lộn với cuộc sống cả ở ngoài đường lẫn trên sân khấu theo đúng nghĩa đen của từ này.
Là con thứ sáu trong một gia đình có bảy anh chị em ở Nông Cống, một huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, năm 6 tuổi Phương Thanh theo gia đình vào Nam, 13 tuổi bố mất, gia đình sống khá vất vả, có thời kỳ cả nhà tá túc trong một căn phòng nhỏ ở khu tập thể của Thông tấn xã Việt Nam, nơi làm việc của anh trai cô. Từ đầu những năm 1990, Phương Thanh đăng ký tham gia hàng loạt các cuộc thi ca hát tại các nhà văn hóa quận và thành phố, nhưng không đạt được bất cứ giải thưởng nào, dù chỉ là khuyến khích.
Khi đã nổi như cồn trên thị trường ca nhạc, Phương Thanh nhớ lại giai đoạn “xấu xí” này: “Trước hôm đi thi giọng hát hay thành phố, mình mua hẳn một băng nhạc Bảo Yến về nhại cho đúng giọng “Huế tình yêu của tôi”. Chờ đến lượt mình lâu quá, thấy lũ trẻ con đá banh, mê quá, mình xin vào đá cùng. Đến khi mẹ hớt hải đi tìm thì giọng đã khan đặc và kết quả là trượt vỏ chuối, còn mình bị mẹ phạt nhịn đói cả ngày”.
Phương Thanh đã hồi tưởng về “thuở hàn vi” của mình như vậy. “Hồi bé, mình hát dở nhất nhà nhưng mẹ lại nuôi ước vọng cho con gái trở thành sao. Lúc ấy, giọng Thanh khan và khó tròn vành rõ tiếng, một ngày hai lần mẹ chở đến nhà văn hóa để luyện thanh. Nhiều khi mình khóc van mẹ đừng bắt đi hát nữa nhưng bà cứ một mực: “Mày phải làm ca sĩ”. Đầu năm 1990, mình bắt đầu đi hát ở các nhà hàng, quán bar để kiếm tiền, thấy con gái cứ đi chiếc xe đạp cà tang, mẹ liền vay mượn mua cho con một chiếc Chaly cũ rất hay chết máy dọc đường. Nó chứng kiến cảnh nhiều hôm Phương Thanh mặc diện, trang điểm kỹ mà chỉ ngồi sau cánh gà mong ca sĩ chính đến muộn hoặc ốm để được ra hát thế. Nhiều hôm không được hát, mình chỉ biết khóc mà thôi. Chính vì những lăn lộn với nghề để kiếm sống đã khiến mình quyết tâm trở thành ca sĩ bằng được”.
Không ai đợi chờ Phương Thanh trên sân khấu ca nhạc, cũng không có ông bà nào tới tìm cô sau sân khấu các cuộc thi hát. Vậy thì cô tự mình lăn xả vào đời sống ấy bằng giọng hát gần như có duy nhất một phẩm chất: máu lửu. Lúc bấy giờ ở Tp. HCM manh nha thành lập các nhóm hát. Phương Thanh, với bản tính ham vui và thấy hát một mình khó nổi, bèn xin vào tam ca Sao đêm, cùng với hai thành viên khác là Nguyên Lộc và Quốc Hưng, hát lại những bài quen thuộc như “Ngọn lửa cao nguyên”, “Mùa xuân từ những giếng dầu” theo phong cách rock.Chỉ một thời gian ngắn, Sao Đêm “lặn mất tăm”, tuy nhiên “ánh sáng” từ một giọng hát lạ đã để lại ấn tượng mạnh đối với ông bầu trẻ nhưng rất uy lực trên thị trường ca nhạc (đặc biệt là thị trường băng đĩa) lúc ấy: Hữu Minh - ông chủ Kim Lợi Studio. Xem Sao Đêm hát trên sân khấu Nhà hát thành phố, Hữu Minh nhận thấy sự khác lạ, không giống ai trong giọng hát khàn máu lửa này, hoàn toàn có thể trở thành một “hiện tượng” mới trên thị trường ca nhạc lúc đó đang hừng hực đợi chờ… liền đánh tiếng mời Phương Thanh về phòng thu. Cần phải mở ngoặc giải thích thêm rằng, vào thời điểm ấy (những năm 1996 – 2000), băng đĩa là một mặt trận nóng bỏng trên thị trường ca nhạc chứ không phải là mạng xã hội như hiện nay.
Tất cả các ngôi sao “Hot” nhất trên thị trường đều tỏa nhiệt trên thị trường băng đĩa và những bản “hit” được săn lùng từ chợ Huỳnh Thúc Kháng đến các cửa hàng băng đĩa của Vafaco, Bến Thành Audio – Video, hãng phim Trẻ và TT băng nhạc Trẻ, Saigon Audio… Và tại thời điểm ấy, Kim Lợi Studio là một trong những “lò” sản xuất băng đĩa nhạc nóng nhất, uy quyền nhất, không chỉ bởi phòng thu Kim Lợi khi ấy phải treo bảng ghi giờ để các ca sĩ “xếp hàng” chờ vào thu âm, mà còn bởi sự mát tay của Hữu Minh, người thừa hưởng gia tài sản xuất âm nhạc từ cha mình, ông Từ Kim Lợi, và đã góp phần làm nên cuộc thăng hạng của nhiều ngôi sao, trong đó có cặp Lam Trường – Phương Thanh.
Thành thiên nga
Từ Kim Lợi, giấc mơ đổi đời bằng con đường ca hát của Phương Thanh đã nhanh chóng trở thành hiện thực. Hàng loạt bản “hit” liên tục được ra lò, từ “Trống vắng” (Quốc Hùng), “Một thời đã xa”, “Lang thang”, sau đó là ca khúc trong bộ phim cùng tên “Giã từ dĩ vãng” (Nguyễn Đức Trung), “Tình cờ” (Diệp Minh Tuyền)… Hai tác giả Quốc Hùng và Trương Huy được xem là hai cái tên gắn liền với sự bùng nổ của Phương Thanh. Đặc biệt, bản “Trống vắng” đã từng ghi âm tại Vafaco trước đó nhưng không thành công, được hòa âm lại với “độc chiêu” là câu bè cuối cùng do ngôi sao dòng nhạc Hoa lúc đó là Nhật Hào thể hiện, phong cách “ướt át” kiểu Hong Kong, nói như một người trong giới sản xuất âm nhạc thời nay, “đủ tạo nên một trang sức lấp lánh cho Phương Thanh giành lấy chiếc vé hạng nhất của con tàu nhạc Việt”.
Còn “Một thời đã xa”, tuy ghi âm sau “Trống vắng” nhưng lại ghi hình trước và được tung ra thị trường trong album cùng chủ đề, trong đó Phương Thanh là nhân vật chính bên cạnh Lam Trường, Cẩm Ly, Bằng Kiều, Thu Phương… Đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, sau này luôn sát cánh bên Phương Thanh, đặc biệt trong 2 liveshow “để đời” và “nhớ đời” của Thanh, chính là người quay hình clip đầu tiên này của Phương Thanh tại Đà Lạt – clip xây lên nấc thang quan trọng trong sự nghiệp ngôi sao của cô. Video “Một thời đã xa” và CD cùng tên đã bán được khoảng 40.000 đĩa trên thị trường lúc đó (không tính băng đĩa lậu).
Ở đây, cũng phải mở ngoặc một lần nữa, để nói về cái clip “bậc thang quan trọng”. Thời điểm 1997 – 1998 là thời kỳ vàng son của video ca nhạc, mà nói như bà Nguyễn Thanh Thủy, nguyên biên tập viên Hãng phim Trẻ và TT băng đĩa nhạc Trẻ, video ca nhạc đã góp phần quan trọng để “sinh” ra hiện tượng Lam Trường. Xuất hiện cùng thời điểm, Phương Thanh cũng nằm trong xu hướng này. Tuy nhiên, không có ngoại hình bắt mắt, thu hút như Lam Trường, mà ngược lại, Phương Thanh trong giới ca sĩ nữ còn bị xếp vào hàng “hơi bị xấu”. Trước năm 1995, trong làng giải trí ở Việt Nam hầu như không có hóa trang chuyên nghiệp, mạnh ai nấy bôi, trát. Năm 1996 nghề này bắt đầu bung ra. Và “vịt con” may mắn gặp Hồ Khanh (hay ngược lại), có thể xem là chuyên gia make up đầu tiên được danh tiếng trong làng giải trí showbiz. Hồ Khanh sau này còn gắn liền tên tuổi tay nghề với một ngôi sao khác của nhạc Việt là Mỹ Tâm, nhưng Phương Thanh mới là người đầu tiên thành thiên nga dưới bàn tay phù thủy Hồ Khanh.
Nhưng điều gì đã khiến giọng hát khan đặc đến độ một nhạc sĩ cây đề từng phải ca thán là nghe như "hỏng thanh đới", trượt vỏ chuối tại tất cả các cuộc thi ca hát lọt vào tầm ngắm của kẻ săn sao thiện nghệ Hữu Minh? Ở đây có một chuyện vui mà độ thực hư của nó chỉ người trong cuộc mới hay. Khi Phương Thanh mới nổi, và có nhiều ý kiến khác nhau về giọng hát “khác người” này, có nguời trong cơ quan quản lý văn hóa “chơi khéo” cô bằng cách đề nghị cho Phương Thanh đi thi Tiếng hát truyền hình Tp. HCM, đảm bảo… rớt! Phương Thanh nghe được tin này rất lo lắng. Nhạc sĩ Nguyễn Nam, khi ấy phụ trách ca nhạc Đài Truyền hình Tp. HCM, đơn vị tổ chức cuộc thi Tiếng hát truyền hình đã “cứu” Phương Thanh một bàn thua trông thấy bằng cách đưa cho cô ca khúc “Xa rồi mùa đông”. Và cô đã thành công với một “bài hát đứng đắn” của một nhạc sĩ chính qui thay vì những ca khúc não tình trên thị trường như nhiều định kiến trước đó. “Xa rồi mùa đông” trở thành một bản “hit” qua giọng hát Phương Thanh.
“Phương Thanh nói thay cho người ta bằng sự gào thét, giải thích sự bức xúc khi người ta không có gì để giải tỏa” – Hữu Minh nhận xét. Như nhiều người khác thừa nhận, chất giọng, kiểu hát “gào đến phát cuồng” của Phương Thanh, tại thời điểm bấy giờ, như một liều Dopping cho một bộ phận giới trẻ có những nỗi đau, sự bức bối cần gào thét, cần bày tỏ (bây giờ thì cũng bộ phận ấy đang tìm đến thứ dopping cao hơn, nguy hiểm hơn, là… thuốc). Và sau nữa, ở Phương Thanh, số đông công chúng, nhất là giới công chúng bình dân, nhân dân lao động nhìn thấy hình ảnh của chính họ, thấy giấc mơ đổi đời của chính họ. Bởi vậy, khác với nhiều ngôi sao khác, Phương Thanh càng gần gũi, càng hát như nói chuyện, hát không trình diễn, thậm chí, nhiều khi mệt quá do chạy sô, cô chỉ cần đứng trên sân khấu mà cười, nói hổn hển mấy câu khan đặc chẳng ai hiểu gì…, cô càng được thích! Công chúng của Phương Thanh xem cô trình diễn không phải để xem một ngôi sao, mà để xem chính họ trong hình ảnh một ngôi sao.
Sức ảnh hưởng của Phương Thanh thì không phải bàn trong giai đoạn này. Một nhà tổ chức biểu diễn tên tuổi trong giai đoạn 1997 – 2002 (là năm hoàng kim của Phương Thanh) nhớ lại, khi ấy, duy nhất có hai cái tên mà bất cứ đặt vào chương trình nào, ở đâu, cũng thắng, là Lam Trường và Phương Thanh. Riêng Phương Thanh có khả năng làm nóng không khí buổi diễn bằng chính cá tính đặc biệt của mình, không điệu đà làm duyên mà hút khán giả bằng sự gần gũi hòa đồng. Khi chương trình Làn Sóng Xanh lần đâu tiên công diễn tại Hà Nội năm 1999, chỉ riêng hoa của khán giả tặng Phương Thanh và Lam Trường đã chất đầy… nửa sân khấu lớn ở Triển lãm Giảng Võ!
Có thời điểm vào mùa Tết, chỉ cần Phương Thanh ngỏ ý muốn có tiền mua thêm nhà, mua thêm xe, một bầu sô đã chồng ngay cho cô tiền cát sê của vài chục suất hát với giá cao ngất ngưởng chỉ để sau đó “giăng băng rôn tên Phương Thanh lên để kiếm tiền”! Một hãng nước ngọt hạ quyết tâm “bắt” Phương Thanh bằng được cho hợp đồng làm đại diện thương hiệu sau khi hãng đối thủ đã bỏ ra một khoản tiền “khủng” để ký hợp đồng đại diện với Lam Trường. 80.000 USD cho một đại diện thương hiêu là con số kỷ lục hiện nay của một nữ ca sĩ mà Phương Thanh đã từng lập và hiện tại chưa hề bị phá.
Đời thực không là mơ
Cuộc lột xác từ “bé Chanh” thành ngôi sao Phương Thanh được ví von như vịt con thành thiên nga thực ra chỉ là văn chương. Một so sánh đời hơn, Phương Thanh giống như lửa, tự đốt mình để cháy và đấy cũng chính là sức hút của cô trên sân khấu. Có điều, Phương Thanh “cháy” trong âm nhạc giống như cô sống trong đời sống, ngẫu hứng đến bất kham. Bài hát nào “hợp cạ” đã vào tay thì không thể có ca sĩ thứ hai thể hiện lại. Nhưng chính giọng ca ấy cũng “đốt” ca khúc với tốc độ chóng mặt. Ở đỉnh cao, “ngốn” bài liên tục, cô liên tục cần các bản “hít” mới để đốt nóng bản thân và khán giả. Cô chạy show chóng mặt không kém, mặc dù không nhằm mục đích kiếm tiền.
Trong số các ngôi sao ăn khách trên thị trường ca nhạc trước nay, có lẽ là người được các bầu sô thích nhất. Cô nhận show không hề so kè, miễn sao có khán giả đông vui là hát đến quên mình, những lúc mưa gió khán giả vắng, sẵn sàng không nhận cát sê, hát từ thiện cô có thể tặng thêm cả mấy chục triệu cho người nghèo (đến bây giờ là ca sĩ hiếm hoi vẫn giữ nguyên được tình cảm của khán giả dù thực sự không còn ở thời đỉnh cao). “Dễ thương” và tất nhiên đôi khi cũng đồng nghĩa với “dễ dãi”, không phải là người kén sân khấu và kén bài hát, còn ngược lại. Cô còn không biết giữ cả “lửa” của chính mình nữa là…
Nhìn lại quá trình hợp tác thưở ban đầu giữa Phương Thanh và Kim Lợi Studio, không ít người phải gật gù thán phục cách “cầm cương” con “ngựa chứng” của Kim Lợi. Có thời điểm, khi Phương Thanh đang là át chủ của bài Kim Lợi thì bất ngờ Kim Lợi lại giao ca khúc độc quyền lẽ ra “là của” Phương Thanh vào tay ngôi sao khác, vốn không hề là “gà” của Kim Lợi. Điều này thấy rõ ở bản “Tình 2000”, sau đó là “Tình ca muôn đời”, đều của Võ Thiện Thanh, được Kim Lợi mua độc quyền và thu âm tiếng hát Mỹ Linh. Và cả hai, “Tình 2000” lẫn “Tình ca muôn đời” đều lập tức trở thành bản “hit” với tiếng hát Mỹ Linh.
Phương Thanh lúc đó sốt ruột đứng ngồi không yên, khi ấy Kim Lợi mới tung ra cho Phương Thanh “Tiếng sét nơi vườn hoang”, được xem như “Trống vắng 2”. Biết kìm, biết giữ, biết “ra chiêu” đúng lúc, khi dồn dập, lúc khoan nhặt… - có thể nói Kim Lợi Studio, nói như một nhà sản xuất âm nhạc ở Tp. HCM, đã tạo nên “sự kết hợp ăn ý, đẩy cả hai (Kim Lợi và Phương Thanh) lên đến cực đỉnh quyền lợi mỗi bên”, nhưng trong sự hợp tác này cũng manh nha những điều “nhạy cảm” trong quan hệ ca sĩ – ông bầu mà sau này người ta sẽ thấy xuất hiện nhiều hơn trong giới showbiz Việt. Có lẽ bởi vậy sự kết hợp ăn ý (không chính thức, vì không có bất cứ hợp đồng ràng buộc nào) này không kéo dài.
Khác với Lam Trường, người không tin ai ngoài mình, Phương Thanh lại đặt lòng tin vào quá nhiều người. “Lửa” được phung phí nhiều hơn, ngẫu hứng thay vì có chiến lược, đã không được nhân lên… Nhưng muốn nói gì thì nói, Phương Thanh đã đạt được giấc mơ của mình trong âm nhạc. Và, như nhận định của một nhà sản xuất giàu kinh nghiệm, Phương Thanh cũng như những ngôi sao cùng thời với cô, có cả một giai đoạn vinh quang của nhạc Việt (1995 – 2000) làm “của để dành”, đủ để họ tiếp tục “sống” thêm 10 – 15 năm nữa…
Theo Đẹp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất