09/05/2022 07:38 GMT+7 | Chelsea
(Thethaovanhoa.vn) - Có giai thoại kể lại rằng sau khi mua MU thất bại, tỷ phú Roman Abramovich đi trực thăng tới London, và từ trên không, ngẫu nhiên nhìn thấy một sân vận động xoàng xĩnh phía dưới.
Ông quay qua hỏi tùy tùng: “Sân của đội nào thế?”. Đáp: “Chelsea”. Thế là một chiến dịch quyết liệt được khởi động, và chỉ sau vài tuần, tỷ phú người Nga đã trở thành ông chủ của CLB. Nghe như trò đùa. Trước đó, có tin cho rằng Abramovich đã đến Old Trafford xem trận MU gặp Real Madrid ở Champions League, và có ý định hỏi mua cả Portsmouth: “Ở quy mô nhỏ hơn nhưng thật thú vị, Abramovich đã nghĩ đến việc mua Portsmouth trước khi để ý Chelsea” - James Montague, tác giả cuốn Câu lạc bộ tỷ phú, nói với tờ Daily Star.
“Ông ấy đã cân nhắc vài đội, Portsmouth và thậm chí là MU. Pini Zahavi đã cùng tham gia tìm kiếm một CLB phù hợp. Hóa ra Chelsea đang gặp nhiều khó khăn tài chính nhất và có thể mua trong thời gian ngắn”, Montague nói thêm. Thậm chí, Abramovich còn phân vân xem nên mua Tottenham hay Chelsea và đã từng ngồi vào bàn đàm phán với chủ tịch Daniel Levy. Và ngay cả nước Anh cũng chỉ là một lựa chọn mở rộng: “Năm 2003, Roman muốn mua một đội bóng ở Nga. Tôi đã cùng ông ấy đến Moskva để xem cơ sở vật chất của hai hoặc ba đội bóng. Nhưng sau đó ông ấy đã thay đổi quyết định và nói rằng muốn mua một CLB ở London”, Sven-Goran Eriksson, cựu HLV tuyển Anh và là một người rất thân với Abramovich, cho biết.
Sau hai thập kỷ, lựa chọn như một trò đùa này đã phát triển không thể tin được. Abramovich đã để lại một di sản đáng kể, với hàng tỷ bảng chi không tiếc tay và một tầm nhìn kiên định về tương lai. Nhìn vào xuất phát điểm của cuộc hôn phối, chúng ta chỉ thấy tiền: Một tỷ phú mới nổi muốn mua một CLB chơi cho đã. Khi hành trình kết thúc, bất cứ CĐV Chelsea nào cũng có thể kết luận rằng Abramovich yêu đội bóng đến như thế nào. Điều gì là sự thật? Không ai biết chắc, ngoại trừ một việc: Abramovich không coi Chelsea là một tài sản sinh lời.
Tương lai của một CLB phụ thuộc rất nhiều vào chuyện này. Hãy xem MU đã khủng hoảng ra sao với hai ông chủ người Mỹ, những con người tư bản thuần túy, coi lợi nhuận là trên hết. Với một CLB đã lột xác nhờ được định danh trong mắt các ông chủ như một thú vui, việc rơi vào tay một người coi nó là chuyện làm ăn (business) có thể là thảm họa.
Sir Jim Ratcliffe, người được cho là sẽ chi hơn bốn tỷ bảng để mua lại Chelsea, nhìn thoạt qua là một ứng viên sáng giá: Ông đầu tư vào đội đua thuyền Ineos Britannia, được dẫn dắt bởi thủy thủ Olympic vĩ đại nhất mọi thời Ainsline, với tham vọng mang Cúp Mỹ về cho nước Anh. Ông cũng là người mua đội đua xe đạp từng sáu lần vô địch Tours de France Sky Team và đổi nó thành Team Ineos, tên tập đoàn hóa chất của ông. Sir Ratcliffe cũng tài trợ cho VĐV marathon Eliud Kipchoge cho kỷ lục chạy marathon trong hai giờ.
Tháng 8/2019, ông chủ của Ineos, sau khi sở hữu CLB Thụy Sĩ Lausanne, đã mua Nice, một đội bóng Pháp. Lausanne xuống hạng trong mùa giải đầu tiên dưới sự kiểm soát của Ineos, nhưng đã nhanh chóng trở lại với tư cách nhà vô địch chỉ một năm sau. Nice thành công hơn, hiện đứng thứ năm lại Ligue 1, và mới giành ngôi á quân tại Cúp Quốc gia Pháp sau trận thua Nantes vào thứ Bảy vừa rồi. Và giờ, Chelsea được đưa vào tầm ngắm.
Tuy nhiên, những khoản đầu tư này không hoàn toàn chỉ là của cho không biếu không: “Trong lĩnh vực hóa dầu, chúng tôi không có mối liên hệ trực tiếp tới người tiêu dùng, nhưng với dự án này, chúng tôi có thể làm cho thương hiệu của mình được biết đến”, Ratcliffe nói khi quyết định đầu tư mua phần lớn cổ phần của đội đua Công thức 1 Mercedes vào năm ngoái. “Ineos phải đồng nghĩa với phiêu lưu, thành công, và tốc độ… Đua Công thức 1, với nửa tỷ người xem mỗi năm, phù hợp với nhận diện này”.
Ngoài đời, Ratcliffe là một CĐV MU, nhưng đang quyết định đặt cược vào Chelsea, vì những bài toán đơn giản kiểu này: “Tôi luôn giữ quan điểm rằng London và Vương quốc Anh là những trung tâm của thế giới bóng đá - nơi dòng tiền trong bóng đá chảy về nhiều nhất và, dĩ nhiên, chúng tôi rất thành công với tư cách một quốc gia có những giải đấu giàu tính cạnh tranh nhất”.
Một tình yêu sâu sắc có thể bắt đầu theo cách rất vu vơ: Anh đi ngang qua một sân vận động bình thường, nhưng có cái gì đó làm anh thích thú. Vậy là anh chỉ vào nó, và tự nhủ rằng đây sẽ là đội bóng của tôi. Hàng tỷ bảng của Abramovich đã đổ vào không cần cớ như thế, và tạo ra một lịch sử khó phai ở Stamford Bridge.
Giờ đây, khi tỷ phú người Nga chấp nhận buông tay, tương lai của Chelsea sẽ gắn với một định danh khác: Những người mua nó đang nâng lên đặt xuống, cân nhắc chi li đúng với tư cách một khoản đầu tư, trước khi xuống tiền. CLB này sẽ phải sinh lời cho các ông chủ của nó, thay vì là một thú vui, như thời Abramovich.
Trong chuyện làm ăn, các CĐV sẽ là những người đau lòng nhất. Các nhà tư bản đích thực không cần phải xoa dịu đám đông.
Phạm An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất