Phương pháp quản lý của các HLV Ngoại hạng Anh: Kỹ trị Mourinho hay nhân trị Pellegrini?

16/08/2014 14:47 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa.vn) - Nhân trị là cách cai trị dựa vào đạo đức của con người, sự cảm hóa và gắn kết. Kỹ trị là áp dụng tri thức – kỹ thuật vào quản lý. Trong giới HLV Premier League, Jose Mourinho là đại diện tiêu biểu của trường phái kỹ trị, còn Manuel Pellegrini hay Arsene Wenger là những người theo nhân trị.

Những người làm công tác quản trị nói chung và HLV nói riêng đều yêu cầu một kỹ năng chung: Kỹ năng đánh giá con người. Khi nói về kỹ năng giao tiếp hay quản trị, có hai tính từ hay được dùng: Tinh tường và tinh tế.

Mourinho – Ngôi sao duy nhất

Đâu là dấu hiệu của người tinh tường trong quản trị? Họ có khả năng quan sát và phân tích tuyệt vời. Người đối diện chưa kịp bày tỏ họ đã nói trước. Chỉ một cái liếc mắt họ đã đi trước một bước về nhận định tình hình so với người đối thoại.

Điển hình cho kiểu người này là Jose Mourinho. Chính vì quá tinh tường nên Mourinho hơn phần còn lại ở khả năng “lấy bất biến ứng vạn biến”. Nổi tiếng không chỉ về khả năng “đọc” trận đấu để thay người mà còn uy danh “dẹp loạn” ngôi sao.

Mourinho tôn thờ đường lối quản lý kỹ trị: Con người phục vụ chiến thuật, chứ không phải ngược lại. Đối với ông ta, ngôi sao sáng nhất là ngôi sao phù hợp với hệ thống chiến thuật đã đề ra. Để truyền bá triệt để triết lý này, Mourinho cho rằng ở bất cứ nơi nào ông ta đặt chân đến, ngôi sao duy nhất của đội bóng chính là Mourinho.

Ở Real Madrid đội trưởng Iker Casillas được gọi là “Thánh”. Biệt danh này lột tả rất hình ảnh quyền lực của anh ta. Không vấn đề đối với Mourinho. Vậy là “Thánh” phải ngồi ghế dự bị. Real Madrid là một lò ngôi sao. Chuyện nhỏ. Mourinho có lần chửi đám ngôi sao người Tây Ban Nha (Casillas, Ramos) là "bọn con hoang" chỉ vì dám tuồn thông tin trận đấu ra cho báo giới và dám giao du với những đồng hương Xavi hay Iniesta ở kình địch Barcelona.

Người tinh tế có một mẫu số chung với người tinh tường: Có khả năng thấu hiểu thế giới xung quanh nhanh hơn người khác. Cái khác lớn nhất của họ so với nhóm người tinh tường là cách thức xử lý các vấn đề họ cảm nhận được.

Lạt mềm buộc chặt

Trong thế giới thể thao, điển hình cho mô típ người này là HLV người Chile, ông Pellegrini.

Tháo bỏ kỷ luật sắt. Không huấn thị, chỉ nói chuyện trao đổi. Trao nhiều đất diễn tự do hơn cho các ngôi sao để họ có thể chơi theo cách họ muốn. Đó là cách Pellegrini đến với dàn sao của Man City. Kết quả là từ một mô hình “doanh trại quân đội”, câu lạc bộ có dáng dấp của một gia đình. Phòng thay đổ từ chỗ tranh chấp quyền lực trở thành nơi rất vui vẻ để giao lưu: “Pellegrini chính là thuốc giải độc, là kháng sinh cho tất cả những vấn đề đã tồn đọng trong phòng thay quần áo của City trước đó” - Lời Niall Quinn.

Với phong cách lịch lãm của một triết gia, Pellegrini dần dần thu phục những cá tính cứng cổ nhất của giới cầu thủ triệu phú. Có ai đó phản biện rằng nhân trị thua kỹ trị về tính hiệu quả không? Ngay trong năm đầu tiên tiếp quản Man City nhà “nhân trị” thích chơi piano và đọc sách Pellegrini đã đưa câu lạc bộ này vô địch giải ngoại hạng Anh một cách cực thuyết phục.

Tinh tường thường làm người khác nể, sợ & xa cách. Tinh tế làm được nhiều hơn thế: làm người khác nể, trọng & gần gũi.

Người “kỹ trị” có vẻ không được yêu thích bằng người “nhân trị”? Đương nhiên họ có hình hài của một quân phiệt, hoặc ít nhất là lạnh lùng theo kiểu Robot. Không được gần gũi và dễ chịu như người “nhân trị”. Đa số là vậy. Nhưng nhiều khi cũng không hẳn vậy.

Rất nhiều người ghét cay ghét đắng Jose Mourinho. Ngược lại cũng rất nhiều người yêu ông ta mê mệt. Nhiều học trò cưng đều sẵn sàng “chết” vì Mourinho. Ngoan hiền như Wesley Sneijder, Frank Lampard không nói làm gì. Ngay cả những cầu thủ ngang ngược như Didier Drogba hay Marco Materazzi cũng rơi nước mắt khi không còn được kề vai chung bước với ông thầy của họ.

Tinh tường hay tinh tế. Kỹ trị hay nhân trị. Bản năng có sẵn hay phải rèn luyện. Không có lựa chọn nào tốt nhất. Chỉ có lựa chọn phù hợp nhất.

Cho từng cá nhân. Và cho từng đội bóng cụ thể.

Thuyết nhân trị là khái niệm thịnh hành từ thuở Nho giáo cách đây mấy ngàn năm. Nhân trị dựa vào lễ, vào đức rồi mới đến hành chính và hình pháp. Hành xử thấu hiểu giữa người với người được coi là nền tảng cho triết lý nhân trị.

Những nhà quản lý theo trường phái kỹ trị phải hội đủ hai yếu tố: Hiểu biết về chính trị và thấu đáo về khoa học. Học thuyết kỹ trị có đại diện tiêu biểu là Robert Solow (1924 – nhà kinh tế học Mỹ, giải thưởng Nobel 1987).

Solow khẳng định yếu tố kỹ thuật trở thành nhân tố quyết định sự tăng trưởng kinh tế. Thuyết “kỹ trị” R.Solow dựa vào công cụ và logic chính xác làm trọng hơn nhân tố quan hệ và thấu hiểu giữa các cá nhân với nhau. Kỹ trị nghiêng về tính chính xác và logic. Nhân trị thiên về yếu tố con người hơn.

Kỹ trị hay nhân trị thì đều là triết lý dùng để “trị”. Quản trị một đội bóng theo mô hình nào phụ thuộc vào con người và tính cách của người đứng đầu.


Đức Sơn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link