16/08/2014 14:30 GMT+7 | Bóng đá Anh
(Thethaovanhoa.vn) - Premier League xứng đáng được xem là một giải đấu toàn cầu hóa. Đó không chỉ là việc có quá nhiều cầu thủ ngoại đang chơi bóng ở Anh. Các đội bóng Anh giờ đây cũng chuyển hướng sang những HLV ngoại nhiều hơn.
Một ví dụ nhỏ. Nếu chỉ nhìn vào nhân sự của Man City, hay cả Arsenal, có thể thấy chút bản sắc Anh nào? Trong mùa thứ hai làm việc ở Etihad, Pellegrini đang xây dựng một Man City vốn ít chất Anh giờ còn ít hơn. Arsenal cũng vậy, khi nền tảng từ trên xuống dưới đều là người nước ngoài.
Điều gì cũng có nguyên nhân của nó. Man United tìm đến Van Gaal, sau khi thất bại với một người (Vương quốc) Anh. Không phải HLV nội không được tin tưởng. Vấn đề là chất lượng các nhà cầm quân gốc Anh không thực sự nổi bật. Đó là lý do các đội bóng sẵn sàng trả lương cao hơn để mời chiến lược gia ngoài xứ sở sương mù.
Sự xâm lăng của cầu thủ và HLV ngoại tất yếu dẫn đến một thực trạng: Tuyển Anh suy yếu. “Tam sư” chỉ giành vỏn vẹn 1 điểm ở World Cup 2014, và đó là kết quả mà không người Anh nào có thể chấp nhận. Đó là nỗi xấu hổ lớn.
Xấu hổ, nhưng người Anh nên tự trách mình. Luôn tự hào về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, tự hào về tư tưởng của mình, nhưng người Anh không thể sản sinh ra những HLV giỏi.
Lần gần nhất một HLV người Anh giành Champions League/C1? Ông là Joe Fagan, với Liverpool mùa giải 1983-84. Nửa cuối thập niên 1970, đầu 1980 cũng là giai đoạn đỉnh cao của tư tưởng Anh quốc. Bob Paisley cùng Liverpool có 3 danh hiệu C1, Brian Clough giúp Nottingham Forest 2 lần chiến thắng. Tony Barton có một lần vinh quang với Aston Villa, và cuối cùng là Joe Fagan.
Sau Fagan, trong suốt 3 thập niên, không người Anh đúng nghĩa nào giành nổi chức vô địch châu Âu. Nếu mở rộng phạm vi ra Vương quốc Anh, thì cũng chỉ có Sir Alex Ferguson, với 2 lần chiến thắng cùng Man United.
Các HLV người Anh có 7 danh hiệu Champions League/C1, chỉ sau TBN (9) và Italy (11). Nhưng đó là câu chuyện cách nay quá xa.
Sẽ không thể đổ lỗi thảm họa Heysel, từng khiến bóng đá Anh bị UEFA cấm 5 năm. Từ khi trở lại đến nay đã hai thập niên, nghĩa là quá nhiều thời gian để bóng đá xứ sương mù tìm lại mình. Những gì người Anh làm chỉ là xây dựng Premier League thành giải đấu số 1 về truyền thông, chứ không thể tạo ra những con người vĩ đại, trên ghế HLV lẫn sân cỏ.
Mới đây, CLB HLV của FA có thành viên thứ 30.000 tham gia. Không một CLB HLV nào trên thế giới đông đến thế. Nhưng tổ chức ấy mới chỉ đông, chứ chưa có chất. CLB cũng đã giới thiệu chương trình đào tạo HLV đẳng cấp thế giới, được bắt đầu từ 3 năm trước. 3 năm, và chưa ai “xuất xưởng”. HLV không phải thứ nghề cứ nhét lý thuyết vào đầu là giỏi, mà cần thực tiễn.
Đức, TBN, Italy, Pháp không có những CLB kiểu vậy, và các khóa đào tạo HLV chỉ kéo dài vài tháng, nhằm hợp thức hóa bằng cấp hành nghề. Mục tiêu của chiến dịch đào tạo HLV mà CLB của FA đang thực hiện là World Cup 2022 với tập thể những cầu thủ xuất sắc, và một HLV nội đẳng cấp. Nhưng, có vẻ như mục tiêu ấy khá xa vời.
N.Huy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất