(Thethaovanhoa.vn) – Với tất cả những thán phục dành cho màn ngược dòng kỳ vĩ của Barcelona trước PSG, phải thừa nhận rằng đội chủ sân Camp Nou, và đặc biệt là Luis Suarez, đã có màn trình diễn cực kỳ ấn tượng về thứ gọi là "nghệ thuật bóng tối".
Với một CLB tôn thờ bóng đá đẹp như Barcelona, đó dường như là một khái niệm xa lạ. Nhưng hãy nhớ rằng, sau 90 phút thảm họa ở Paris, họ đã bị đẩy vào đường cùng, đến nỗi chính HLV Luis Enrique đã phải tuyên bố sẽ ra đi vào cuối mùa giải này để nghỉ ngơi. Đội bóng ấy cũng có những mẫu cầu thủ rất tinh quái, như Sergio Busquets, như Neymar, như Luis Suarez... Và những người ủng hộ bóng đá đẹp đã phải từ bỏ những phương thức thuần khiết nhất của mình, để phục vụ cho nhiệm vụ bất khả thi ở Camp Nou.
"Bóng đá, một địa ngục đẫm máu", Sir Alex Ferguson đã nói như thế sau câu chuyện thần tiên với Man United, cũng tại Camp Nou, năm 1999. "Bóng đá, hãy biến đi" có lẽ là phản ứng của PSG và các fan của họ sau sự thật không thể tin nổi vào đêm thứ Tư. Và có lẽ các madridista cũng phản ứng như vậy.
Đó là một địa ngục đẫm máu thực sự. Barcelona không chỉ "bẻ cong những quy tắc" để làm tan vỡ những trái tim PSG, mà còn "xé toạc các quy định", nhờ vào một Neymar siêu đẳng, để qua đó chế nhạo tất cả những ai đã nghi ngờ họ.
Tình huống Neymar bị phạm lỗi giúp Barca được hưởng phạt đền ở đầu hiệp hai
Không một ai trên thế giới bóng đá này thi đấu hoàn toàn công bằng. Từ Premier League đến giải nghiệp dư, từ La Liga đến giải hạng ba, vẫn có những mánh lới nhất định để vượt qua đối thủ. Tinh thần chiến thắng bằng mọi giá tạo nên sự khác biệt giữa những chuyên gia săn danh hiệu và... Arsenal. Và cho dù nghệ thuật hắc ám luôn thể hiện sự lôi cuốn khi được sử dụng một cách táo bạo, người ta vẫn phải tự hỏi: điều quỷ quái gì đã xảy ra ở Camp Nou?
Lý do thực sự tạo nên cuộc ngược dòng ngoạn mục ấy không phải là vì PSG bị choáng ngợp, mà nằm ở sự tinh quái của các ngôi sao, kết hợp với tinh thần không-hề-lùi-bước. Luis Suarez, một chiến binh đường phố lớn lên ở Salto, Uruguay, đã thể hiện điều đó một cách rõ ràng nhất với kha ngã vờ trong tình huống gần như không va chạm với Marquinhos. Neymar bước lên chấm 11m, và tỷ số là 5-1 cho Barcelona. Cần phải nhắc lại rằng chính Neymar đã sút phạt tuyệt đẹp trong tình huống nâng tỷ số lên 4-1.
Số phận của Barca tưởng như bị định đoạt một lần nữa khi Edinson Cavani rút ngắn tỷ số xuống còn 1-3 ở phút 62, nhưng họ không từ bỏ thứ nghệ thuật hắc ám mà mình buộc phải theo đuổi với những tình huống ngã vờ, những pha phạm lỗi láu cá như lời nhắc nhở trọng tài Deniz Aytekin. Và ý đồ ấy đã thành công.
Không ai ngạc nhiên khi Suarez sử dụng thủ đoạn ngã vờ để kiếm về cho Barca quả phạt đền ở phút 90. Khi phải đối mặt với sự tuyệt vọng, một kẻ ham muốn chiến thắng sẵn sàng làm bất cứ điều gì để phục vụ cho lợi ích của mình, và đó chính là điều khiến anh ta khác biệt với những cầu thủ giỏi xung quanh.
Suarez đã đánh lừa được trọng tài Deniz Aytekin sau pha đóng kịch này
Barca đã giành chiến thắng 6-1 trên sân nhà trước PSG để vào Tứ kết Champions League, nhưng có thể nói may mắn đã góp một phần không nhỏ vào cuộc lội ngược dòng không tưởng này.
Dĩ nhiên, đó không phải là một pha phạm lỗi với
Suarez, cũng giống như tình huống trước đó vài phút, khi anh ngã trong vòng cấm nhưng trọng tài Aytekin nói không. Marquinhos hầu như không chạm vào Suarez, nhưng ngôi sao người Urguay đã thiết kế ra một quả phạt đền bằng một cú quăng mình xuống sân, ôm lấy đầu và cổ họng của mình. Thật ra, đó là một pha diễn trong bộ phim hạng B, chứ không thể gọi là được giải Oscar – như người ta hay nói về những pha ăn vạ - nhưng chẳng sao, vì ông Aytekin đã bị đánh lừa.
Tots Amb L'Equip (Tất cả đội bóng – tiếng Catalan) là dòng chữ lớn in trên chiếc áo khổng lồ trên khán đài sân Camp Nou. Barca không chỉ được hưởng những quyết định có lợi từ phía trọng tài, mà còn nhận được sự ủng hộ cực kỳ nhiệt tình của những CĐV nhà, trong một tình thế tưởng như đã tuyệt vọng. Đầu hiệp hai, trong tình huống Meunier trượt ngã và cố tình phi người để cản phá, Neymar hoàn toàn có thể nhảy tránh mà vẫn có thể nhận được bóng, nhưng anh vẫn va đầu gối vào đầu hậu vệ này để ngã ra trong vòng cấm địa. Trọng tài Aytekin ban đầu không thổi phạt đền, nhưng sau khi đám đông cầu thủ đội nhà vây quanh và gây áp lực, ông đã chạy ra đường biên ngang tham khảo ý kiến trọng tài thứ năm, rồi quyết định chỉ tay vào chấm 11 mét.
Khi đồng hồ chỉ sang phút 88, tỷ số là 3-1 cho Barcelona, nhưng 5-3 chung cuộc cho PSG, thầy trò Luis Enrique vẫn giữ vững niềm tin, vẫn kiên trì với thứ nghệ thuật hắc ám của mình, và họ đã thành công. Tất nhiên, ngoài tình huống của Suarez, 2/3 bàn thắng mà Barca ghi được trong vòng vài phút cuối là hoàn toàn xứng đáng.
Trọng tài Deniz Aytekin đã có một trận đấu đáng quên
Deniz Aytekin, vị trọng tài điều khiển trận đấu lượt về vòng 1/8 Champions League giữa Barca và PSG, có thể bị đình chỉ công tác một thời gian do những quyết định thiếu chính xác của ông trong cuộc lội ngược dòng thần kỳ của UEFA.
Quan điểm về thứ nghệ thuật bóng tối ở Camp Nou đêm thứ tư không phải là một cuộc tấn công
Barcelona, và chẳng ai ở Catalonia quan tâm tới việc câu chuyện cổ tích mà thầy trò Enrique vừa viết nên nhuốm màu hắc ám. Cuộc sống vốn không công bằng, bóng đá cũng vậy.
PSG có thể kêu ca về việc bị xử ép, nhưng họ không thể phàn nàn về sự yếm thế và ngây thơ của mình sau khi đã nắm giữ lợi thế không thể to lớn hơn.
Đó là sự thật. PSG chỉ chuyền thành công đúng 4 lần trong khoảng thời gian từ phút 85 đến 90+5, và 3 trong số đó là những pha giao bóng sau khi Barca ghi bàn. Co cụm và hoảng sợ, PSG chỉ có thể tự trách mình sau màn sụp đổ cay đắng ấy. Tất nhiên, không nhiều đội bóng có thể phản kháng trước sức tấn công dữ dội ấy của Barca, nhưng cũng hiếm có đội bóng nào lại chịu trận theo kiểu ngây thơ và hoảng loạn như PSG.
Hãy nhớ rằng, đây là vòng knock-out, là trận chiến quyết định: chiến đấu hoặc bị loại, đâm chết đối phương hoặc để đối phương giết. Bằng bất cứ giá nào!
Xem lại trận Barcelona - PSG 6-1
Tuấn Cương
Theo ESPN