10/01/2013 07:19 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn)- Những lời thách thức đã gửi đến Lionel Messi sau khi siêu sao người Argentina lập kỷ lục 4 năm liên tiếp đoạt Quả bóng vàng: Có ngon thì sang Premier League chơi bóng!
Người ta bảo rằng Messi có điểm tựa là Barca. Những vệ tinh xung quanh anh toàn chuyên gia làm bóng siêu đẳng, như Xavi, Iniesta... Rồi cộng thêm sức mạnh của lối chơi tiki-taka, Messi đã duy trì phong độ cao suốt bao năm qua và có thể vài năm tới.
Khi Messi xuất sắc tột đỉnh, người ta lại đưa ra câu hỏi quen thuộc: Nếu không đá cho Barca, liệu Messi có hay như thế không? Nhưng khi Barca chinh phục mọi đỉnh cao, những câu hỏi ngược lại đã xuất hiện: Nếu không có Messi, liệu Barca có mạnh khủng khiếp như thế không?
Rốt cuộc, ai nhờ ai? Thực ra, Messi với Barca như cá gặp nước. Khi "cá" rời khỏi môi trường nước quen thuộc, liệu có còn vùng vẫy như thế không?
Chắc chắn là không rồi. Messi gắn bó với Barca từ khi còn là một cậu nhóc. Messi quá hiểu Barca và ngược lại. Khi rời nơi thân thuộc, Messi khó có thể ghi 91 bàn trong một năm.
Messi thừa sức thành công khi sang Premier League - Ảnh: Getty
Không xuất sắc tột đỉnh thôi, chứ Messi vẫn thừa sức thành công và đoạt Quả bóng vàng khi tìm đến đội bóng lớn khác, giải đấu lớn khác.
Kể cả Premier League. Đã có những nghi ngờ rằng Messi không thể thành công ở Premier League vì sự khác biệt về phong cách. Nào là Messi không phải là cầu thủ cơ bắp, không có lợi thế về chiều cao, chỉ đá thiên về kỹ thuật trong khi Premier League đòi hỏi cao yếu tố thể lực, đá thiên về bóng bổng.
Từ ngày Premier League mới ra đời và nước Anh bắt đầu chào đón làn sóng cầu thủ ngoại, người ta nghi ngờ khả năng thích ứng của những cầu thủ có lối chơi thiên về kỹ thuật cá nhân. Vì lẽ đó, trong suốt thời gian dài, Premier League không phải đất lành cho những cầu thủ đến từ Tây Ban Nha, Brazil hay Argentina. Các HLV ngại "đánh bạc", cầu thủ lại không thích hoặc không thể đến Premier League vì những rào cản về triết lý, thời tiết khí hậu, cả giấy phép lao động...
Vài năm gần đây thì khác rồi. Hàng loạt cầu thủ đến từ Liga đã tỏa sáng rực rỡ. Những cầu thủ nhỏ con như Messi đã bùng nổ dữ dội. Ở Man City, nhà ĐKVĐ Premier League, những cầu thủ xuất sắc nhất của họ đều đến từ Liga, gồm Yaya Toure, David Silva và Sergio Aguero.
Ở Chelsea, Juan Mata đã là cầu thủ thi đấu ổn định nhất và xuất sắc nhất kể từ khi đặt chân đến Stamford Bridge. Bên cạnh Mata còn có nhiều cầu thủ đá thiên về kỹ thuật cá nhân chứ không phải sức mạnh như Oscar, Eden Hazard. Ngay cả Torres từng là chân sút số 1 của Premier League trong những năm đầu tiên chuyển đến từ Liga.
M.U từng theo đuổi Silva, Mata hay Hazard, và hiện họ rất hài lòng với Robin van Persie, một cầu thủ đã thiên về kỹ thuật cá nhân, xử lý bóng tinh tế chứ không phải là mẫu tiền đạo chỉ biết dùng sức, mạnh về không chiến.
Arsenal thì khỏi phải nói, từ trước giờ chỉ thích sử dụng cầu thủ chơi bóng theo phong cách latin. Mùa Hè vừa qua, họ đã chiêu mộ Santi Cazorla từ Liga và chuyên gia dự bị của ĐT Tây Ban Nha này lập tức trở thành người không thể thay thế ở Emirates.
Ở Liverpool, phong cách tiki-taka đang được ưa thích và bộ ba của họ trên hàng công đều là mẫu cầu thủ đá thiên về kỹ thuật chứ không phải dựa vào sức mạnh cơ bắp, gồm Luis Suarez, Raheem Sterling và Daniel Sturridge.
Ở chiều ngược lại, những cầu thủ đá thiên về kỹ thuật đã thành công ở Premier League thường thi đấu mờ nhạt khi sang Liga. Modric và Song là hai bản hợp đồng thất vọng nhất của Liga mùa này sau khi chuyển đến từ Premier League. Fabregas không thể tỏa sáng như thời đá cho Arsenal. Thành công như Ronaldo là rất hiếm, nhưng anh không chỉ có kỹ thuật cá nhân mà còn rất khỏe, rất nhanh và toàn diện.
Phong cách chơi bóng đúng là quan trọng. Nhưng trình độ, đẳng cấp của cầu thủ mới có tiếng nói quyết định. Không phải cứ khéo thì đá tốt ở Liga và cứ khỏe thì bùng nổ ở Premier League.
Nếu như những David Silva, Juan Mata, Santi Cazorla, Sergio Aguero ngay lập tức tỏa sáng khi sang Premier League thì chẳng có lý do gì Messi không thể thành công ở xứ sương mù.
Đừng nên nghi ngờ hay đưa ra lời thách thức đối với Messi. Cứ thế, lại bị chỉ trích là ghen ăn tức ở, viết tắt theo phong cách của giới trẻ bây giờ là GATO.
Lê Đồ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất