Quan điểm của tôi: Tôi vẫn đi tìm màu quốc kỳ của họ

26/06/2016 09:14 GMT+7 | Euro 2020

(Thethaovanhoa.vn) - 4 năm trước, khi xem những trận đấu EURO diễn ra ở Ba Lan và Ukraine, tôi đã nhìn thấy những hình ảnh rất đẹp mà giờ thì không còn được nhìn thấy nữa. Chúng để lại cho tôi một câu hỏi lớn: "Vì sao người ta lại không tiếp tục những hình ảnh đẹp ấy nữa".

1. Tôi lục lại trên google, với từ khoá EURO 2012, và tôi nhận được hình ảnh của Fernando Torres, trong trận gặp Ý. Bộ quần áo của Tây Ban Nha ở trận đấu đó là quần xanh, áo đỏ, tất đỏ. Và trên tấm áo số 9 của Torres, phía dưới logo của LĐBĐ TBN là hình quốc kỳ của hai nước: Ý và TBN. Những cầu thủ TBN khác cũng mặc tấm áo in hình 2 quốc kỳ nho nhỏ như vậy.

Còn những cầu thủ Ý? Tất nhiên rồi. Họ cũng làm theo quy định chung. Trên nền áo xanh, dưới logo của LĐBĐ Ý cũng là quốc kỳ Ý và TBN. Đó là một phiên bản áo đấu định danh trận đấu và mùa giải, đủ để cá nhân người cầu thủ khi đổi áo cho nhau ngầm minh định về sau này về trận đấu mà tấm áo ấy đã thuộc về.

4 năm trước, trận cầu nào cũng có những tấm áo hai quốc kỳ như vậy.

Tôi lục lại những tấm ảnh tuyển Pháp thi đấu với Romania, Albania, Thụy sỹ ở năm nay và căng mắt ra tìm. Tôi không tài nào nhận ra dấu vết của lá cờ ba sắc của họ bên cạnh một lá cờ nào khác. Và tôi cũng lục tìm hình ảnh của các đội tuyển như Đức, Bỉ, Anh, TBN, Ý, Croatia… để rồi nhận ra rằng, ở EURO năm nay, cái quy ước đẹp đẽ đó đã không còn nữa.

Phải chăng, đó là lý do mà EURO lần này là một trong những EURO bị hoành hành bởi nạn hooligan nhiều nhất trong suốt hơn hai chục năm qua? Hay phải chăng, cả hai sự kiện chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi?

2. Bóng đá là cuộc cạnh tranh không ngừng nghỉ của thứ và ngôi nhưng bóng đá cũng là nơi thể hiện sự đồng cảm của người với người.

Cách đây còn chưa lâu đó thôi, chẳng phải quốc kỳ và quốc thiều Pháp đã được cử lên ở rất nhiều SVĐ ở nhiều quốc gia khác nhau, sau sự kiện Paris bị khủng bố đó sao? Cái đẹp tự nhiên biến mất một cách bất ngờ đến thảng thốt như thế, chắc hẳn phải có một lý do nào?

Phải chăng, châu Âu đã bắt đầu phân rã, với những dấu hiệu cụ thể của nó?

Chúng ta đã thấy Gerard Pique giơ ngón tay thối lúc cử quốc thiều TBN. Hình ảnh đó dễ làm liên tưởng đến xứ Catalonia, xứ luôn đòi độc lập, mà trong đó, Pique luôn là người ủng hộ phong trào ly khai khỏi TBN rõ rệt và mạnh mẽ nhất.

Chúng ta mới chứng kiến sự thắng thế của phe đòi rời khỏi EU ở Vương quốc Anh, sự thắng thế có thể dẫn đến hệ lụy Scotland cũng đòi độc lập với Vương quốc Anh, khi mà 62% dân số Scotland ủng hộ chuyện ở lại cùng EU.

Tôi yêu tuyển Pháp, và tôi muốn Pháp đi tới tận cùng chiến thắng của giải đấu này. Nhưng tôi còn muốn hơn điều đó. Tôi muốn được nhìn thấy những màu áo hữu nghị đúng nghĩa, như hồi EURO 2012.

Tôi luôn sưu tầm áo đấu của tuyển Pháp ở mỗi mùa giải của họ, bộ sưu tầm mà tôi cảm thấy hãnh diện. Nhưng năm nay, tôi đã không thể gật đầu mua tấm áo của họ, chỉ vì thiết kế của nó xấu tệ so với mọi năm.

Và bây giờ, nỗi thất vọng còn lớn hơn, khi áo của Les Bleus hay của bất kỳ một ĐTQG nào, dù có được thiết kế đẹp hơn đi nữa, cũng thiếu vắng chỉ dấu của tình bằng hữu.

3. Sân bóng sẽ chỉ còn là sân chiến đấu nếu mất đi tình bằng hữu ấy. Cho dù, mới đây thôi, Granit Xhaka đã lại gần ôm chặt lấy Giroud, như sự bắt đầu của một tình bằng hữu mới.

Hôm ấy, trên áo họ có hai lá quốc kỳ thì hay biết mấy.

Còn hôm nay, tôi vẫn đi tìm những màu cờ trên các tấm áo. Dù biết, mình sẽ còn thất vọng đến tận hết mùa…

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link