Nguyệt thực dài 100 phút rạng sáng 16-6

15/06/2011 21:48 GMT+7 | Thế giới

Việt Nam có thể xem nguyệt thực dài nhất kể từ năm 2000, kéo dài khoảng 100 phút từ 0g ngày 16-6 (tối nay). Mặt trăng sẽ đi vào vùng tối bị khuất bởi Trái đất và dần chuyển sang màu đỏ sẫm.




Ảnh: India News

Theo Andrew Jacob, chuyên gia quan sát ngân hà Úc, “nguyệt thực toàn phần sẽ có màu đỏ máu hoặc đỏ đồng, tùy thuộc vào lượng bụi và mây trong bầu khí quyển trong Trái đất”.

Đường thẳng tuyệt đối giữa Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng xuất hiện ở mọi quốc gia nhìn thấy hiện tượng này, chiếm hơn một nửa số quốc gia trên toàn cầu, từ Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Á và Úc.

Khi bầu trời tối hơn, các ngôi sao sẽ sáng hơn với Mặt trăng màu đỏ, do ánh sáng từ Mặt trời phải xuyên qua bụi và ô nhiễm trong bầu khí quyển của Trái đất đến Mặt trăng. Khói từ núi lửa đang hoạt động ở Chile có thể sẽ làm cho màu sắc của Mặt trăng sậm hơn vào thời điểm nguyệt thực. Dự báo đây có thể là nguyệt thực mà Mặt trăng sậm màu nhất từ trước đến nay do đường thẳng bất thường của Mặt trời, Mặt trăng và Trái đất.

Nguyệt thực xảy ra khi Mặt trăng nằm thẳng hàng giữa Trái đất và Mặt trời và bị che khuất bởi bóng của Trái đất. Khác với nhật thực, nguyệt thực kéo dài lâu hơn do bóng của Trái đất khá lớn so với Mặt trăng. Khi Mặt trăng đi vào vùng bóng tối của Trái đất ta có nguyệt thực một phần. Khi Mặt trăng đi qua và nằm hoàn toàn trong vùng bóng tối ta có nguyệt thực toàn phần, đây là trường hợp sẽ xảy ra vào rạng sáng mai.

Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ NASA, hiện tượng nguyệt thực toàn phần tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 10-12-2011, kéo dài trong 52 phút. Châu Á và Úc sẽ thuận lợi nhất trong quan sát hiện tượng này. Việt Nam cũng sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để quan sát nguyệt thực vào tháng 12-2011.

Quan sát nguyệt thực tại Việt Nam

Kỹ sư  Đặng Tuấn Duy – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM- cho biết theo tính toán tại Việt Nam, nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu từ lúc 0g22 phút khi trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái đất, nhưng sẽ rất khó nhận biết vì lúc này mặt trăng chỉ tối hơn bình thường một chút.

Đến 1g 22 phút, Mặt trăng sẽ bắt đầu vào vùng bóng tối của Trái đất, bắt đầu giai đoạn nguyệt thực một phần, màu sắc của vùng bóng trái đất in trên mặt trăng sẽ chuyển dần từ đen xám sang ửng đỏ khi vùng bóng này lớn dần. Lúc này có thể quan sát rõ nguyệt thực bằng mắt thường.

Nguyệt thực toàn phần sẽ bắt đầu vào lúc 2g 22 phút. Vào thời điểm này, toàn bộ mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ và vào lúc 3g 12 phút nguyệt thực toàn phần đạt cực đại. Đây là lúc mặt trăng nhuốm màu đỏ đồng rõ đẹp nhất. Nguyệt thực toàn phần sẽ kéo dài đến 4g 2 phút. Sau đó trăng sẽ dần ra khỏi vùng tối, màu sắc dần trở về bình thường cho đến khi trăng ra khỏi vùng bóng tối hoàn toàn vào lúc 5g2 phút. Nguyệt thực sẽ hoàn toàn kết thúc vào lúc 6g sáng.

Theo ông Duy, khoảng thời gian mặt trăng đi vào và ra vùng nửa tối kéo dài khoảng 2 giờ. Nếu chỉ muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp thật sự của nguyệt thực, người xem có thể bỏ qua giai đoạn này vì khi đó trăng chỉ mờ đi đôi chút và rất khó nhận ra bằng mắt thường.

Người xem có thể tập trung quan sát từ lúc trăng vào vùng bóng tối của trái đất đến khi nó ra khỏi đó hoàn toàn, tức là sau 1g sáng ngày 16-6 và có thể quan sát bằng mắt thường mà không cần thiết bị bảo vệ mắt nào.

Để quan sát nguyệt thực thú vị hơn mọi người có thể sử dụng ống nhòm và kính thiên văn nhỏ, nên chọn các vị trí tránh xa nhà cao tầng, chọn các khu vực tối, trống phía Tây Nam để nhìn rõ được bề mặt màu đỏ và các trạng thái chuyển màu của mặt trăng.

Nguyệt thực rạng sáng ngày 16-6 sẽ là nguyệt thực toàn phần dài thứ 5 của thế kỷ trên toàn thế giới.

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link