18.000 “quan tham” đào tẩu cùng 120 tỉ USD

27/06/2011 12:17 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Tờ Economic Observer vừa có bài bình luận chỉ ra những khiếm khuyết, lẽ ra đã có thể ngăn chặn được trong hoạt động chống tham nhũng của Trung Quốc, sau khi ngân hàng trung ương nước này ra báo cáo cho thấy hàng ngàn quan chức chính phủ mang theo cả trăm tỉ USD của đất nước đã tẩu thoát ra nước ngoài trót lọt. TT&VH xin được giới thiệu bài viết thú vị này.

Tuần trước, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã gây chú ý khi xuất bản một báo cáo với tựa đề “Làm thế nào các quan chức tham nhũng chuyển tài sản ra nước ngoài và một nghiên cứu giám sát hiện tượng này”.

Các con số không ai mong muốn

Bản báo cáo dựa trên số liệu trích từ một nghiên cứu của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. Theo đó, kể từ những năm 1990, con số các quan chức, các nhân viên cao cấp trong các cơ quan bỏ trốn ra nước ngoài đã lên tới con số gần 18.000 người. Cùng theo chân họ là khoản tiền trị giá 800 tỉ NDT (hơn 120 tỉ USD).

Economic Observer nói rằng nếu không bị tóm ở trong nước, cơ hội
bắt giữ các tham quan khi họ ra nước ngoài sẽ là con số 0

Đích đến ưa thích của họ là các nước phát triển như Mỹ, Canada hoặc khu vực Đông Nam Á và khoảng 18 nước, khu vực khác nhau trên thế giới. Trong khi tiền được chuyển ra ngoài chủ yếu qua Hong Kong và Macau, chúng còn chảy qua các kênh bất hợp pháp ở Thâm Quyến và Chu Hải. Các phương thức chuyển tiền được tham quan Trung Quốc ưa thích gồm: mang lậu tiền ra nước ngoài, tiền gửi qua các dịch vụ chuyển tiền, làm giả thông tin về tài khoản, đầu tư ra nước ngoài, mua sắm bằng tín dụng, thông qua các trung tâm tài chính nước ngoài, chuyển tiền qua tài khoản của người thân.

Ngân hàng Trung Quốc nhấn mạnh tới thực tế rằng tới nay vẫn không ai có thể nói chính xác bao nhiêu tiền đã bị lấy đi và con số 120 tỉ USD kể trên chỉ là ước đoán. Tuy nhiên nó cũng đủ lớn tương đương với tổng ngân sách dành cho hoạt động giáo dục từ năm 1978 tới năm 1998 ở Trung Quốc.

Mỗi một quan chức ước tính đã bòn rút của nhà nước khoản tiền 50 triệu NDT (hơn 7 triệu USD). Do đây là ước tính nên con số thực có thể còn lớn hơn như vậy nhiều.

Đơn cử như một số nguồn tin báo chí gần đây đã cho biết việc vợ của Phó Kỹ sư trưởng Bộ Đường sắt Trung Quốc Zhang Shuguang, người mới bị bắt vì tội tham nhũng, đã sở hữu 3 tòa nhà sang trọng ở Los Angeles, và có tài khoản tiết kiệm ngân hàng gửi ở Mỹ và Thụy Sĩ lên tới 2,8 triệu USD. Trường hợp này cho thấy một góc rất nhỏ của bức tranh toàn cảnh.

Con số lớn các quan chức tham nhũng chạy trốn khỏi Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy Chính phủ hết sức nghiêm túc trong việc chống lại những đối tượng “sâu mọt” này. Nhưng nếu tham nhũng, tình trạng lợi dụng chức vụ quyền hạn và lạm quyền để trục lợi cá nhân, xảy ra rồi các quan chức xấu trên vẫn tẩu thoát thành công, nó đã cho thấy những kẻ hở lớn ở hoạt động chống tham nhũng.


Ông Huang Hongshen, Chủ tịch Công ty Hong Kong Skyworth Digital Holdings
đã chuyển hơn 5 triệu USD cho các họ hàng và bị bắt trước khi kịp tẩu thoát.

7 nỗi hổ thẹn trong chống tham nhũng

Thậm chí có thể nói đây là những nỗi hổ thẹn trong chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc. Từ hoạt động tham nhũng ban đầu, cho tới việc chuyển một lượng lớn tiền ra nước ngoài phải mất rất nhiều thời gian. Nhưng trong cả quãng thời gian dài vậy mà tham quan không hề bị bắt chính là nỗi hổ thẹn đầu tiên.

Tiếp đó, khi một quan chức tham nhũng chuẩn bị tẩu thoát, ông ta thường gửi vợ con ra sống ở nước ngoài trước và ở lại Trung Quốc một mình. Những nhân vật này thường bị báo chí gọi là “quan chức khỏa thân”. Nhưng việc hành động họ lộ liễu giống như người ta khỏa thân vậy mà cũng không ai phát hiện là nỗi hổ thẹn thứ 2.

Tại một đất nước, nơi nguồn tài chính chảy ra ngoài bị kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt, vì sao các quan chức trên lại có thể chuyển số tiền lên tới con số triệu USD ra nước ngoài một cách dễ dàng tới vậy? Đây là nỗi hổ thẹn thứ 3.

Nỗi hổ thẹn thứ 4 là họ đã thay đổi nhân dạng hết sức tài tình, khiến việc tìm bắt vô cùng khó khăn. Economic Observer chỉ ra rằng các tham quan này thường sở hữu rất nhiều hộ chiếu và danh tính khác nhau. Ví dụ như cựu tỉnh trưởng Vân Nam Li Jiating đã từng có 5 hộ chiếu khác nhau, tất cả đều là “hàng thật”.

Việc họ trốn thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật một cách dễ dàng là nỗi hổ thẹn thứ 5. Nguyên nhân do việc dẫn độ các quan chức tham nhũng không hề dễ dàng. Luật pháp Trung Quốc rất khác với luật pháp những nước như Mỹ và Canada, điểm đến ưa thích của các tham quan. Nếu như các tham quan này bị kết án tử hình vắng mặt, hai nước trên sẽ không trục xuất họ về vì lý do nhân quyền. Ngoài ra Trung Quốc chưa ký các hiệp ước dẫn độ với những nước này, vì thế một khi tham quan tẩu thoát thành công, khả năng bắt giữ họ và đưa ra tòa xét xử sẽ là con số 0 tròn trĩnh.

Ngay cả khi các quan chức trên bị bắt, tiền bị họ trộm mất cũng sẽ không thể phục hồi. Đó là nỗi hổ thẹn thứ 6. Công ước LHQ chống lại tham nhũng đã đặt ra các nguyên tắc cơ bản trong việc trả lại các tài sản bị chiếm hữu bất hợp pháp, nhưng việc triển khai nó trong đời sống vô cùng khó khăn. Trung Quốc không chỉ phải chứng minh tài sản bị đánh cắp là của mình, mà còn phải chia sẻ một phần tiền thu hồi được với tất cả các nước đã giúp họ lấy lại số tiền. Và sau khi hoạt động “chia chác” đã xong, số tiền trở lại Trung Quốc cũng chẳng còn được bao.

Cuối cùng là nỗi hổ thẹn thứ 7: các tham quan đã tẩu thoát thành công sẽ trở thành “tấm gương lớn” cho những “con sâu” khác ở trong nước học theo. Economic Observer đánh giá dựa vào những điều đã tổng kết, điều quan trọng nhất trong hoạt động chống tham nhũng hiện nay là ngăn chặn nó ngay từ gốc, thay vì đợi cho chuyện đã xảy ra mới đuổi theo các tham quan một cách vô ích.

Gia Bảo (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link