Quần vợt Pháp có gì ở Roland Garros?

02/06/2023 15:18 GMT+7 | Thể thao

Khi Roland Garros đang bước vào giai đoạn sôi động nhất, tất cả mới giật mình nhận ra các tay vợt Pháp chẳng hề để lại dấu ấn đáng nhớ nào ở giải đấu trên sân nhà. Chuyện gì đang xảy ra với quần vợt Pháp?

Câu hỏi đặt ra nhiều nhất trong những ngày tranh tài đầu tiên của Roland Garros không nhắm vào màn trình diễn của các tay vợt hàng đầu, mà lại là: "Các tay vợt nam hàng đầu nước Pháp đang ở đâu?".

Làn sóng tài năng quần vợt Pháp thưa dần

Đó chẳng còn là câu hỏi mới mẻ nữa, khi các tay vợt hàng đầu xứ lục lăng dần dần gác vợt. Thế hệ tay vợt vàng New Musketeers đang đi dần đến chặng cuối sự nghiệp. Julien Benneteau, Jo-Wilfred Tsonga và Gilles Simon đều đã và đang trải qua lần góp mặt cuối cùng ở Roland Garros năm nay trong lúc điều ấy sớm muộn cũng đến với tay vợt đã 37 tuổi như Richard Gasquet.

Điều ngạc nhiên nằm ở chỗ quần vợt Pháp, nơi sở hữu một trong những giải Grand Slam hay nhất trong năm với lượng khán giả theo dõi lớn cùng nhân lực có kiến thức huấn luyện bài bản lại không ra tìm nổi thế hệ kế cận các tay vợt nêu trên. Tay vợt người Pháp xếp hạng cao nhất trên bảng xếp hạng ATP là Ugo Humbert, hạng 40 thế giới. Xếp sau là Adrian Mannarino, còn tay vợt đứng thứ ba chính là Gasquet. Trong lúc Italy và Canada chứng kiến nhiều tay vợt vươn lên nhóm đầu, tình trạng của quần vợt Pháp lại có dấu hiệu đi xuống đáng lo ngại.

Tại sao quần vợt Pháp lại có tình trạng khô hạn tài năng? Câu chuyện bắt đầu từ năm 2006, khi Louis Borfiga, người đứng phía sau việc tạo ra thế hệ vàng Musketeers, quyết định rời bỏ Liên đoàn quần vợt Pháp (FFT) sau 21 năm gắn bó để chuyển sang Canada làm công tác đào tạo trẻ. Borfiga rời đi, thành công cũng rời khỏi quần vợt Pháp. Cách đây hai năm, Borfiga trở lại Pháp với vai trò cố vấn. Đến năm ngoái, Ivan Ljubicic, cựu tay vợt Top 10 thế giới và từng là HLV của các tay vợt hàng đầu như Roger Federer hay Milos Raonic, gia nhập FFT. Đang có một sự thúc đẩy mạnh mẽ không chỉ ở quần vợt mà còn trong nhiều môn thể thao khác tại Pháp hướng đến một kỳ Olympic thành công trên sân nhà vào mùa Hè sang năm.

Quần vợt Pháp có gì ở Roland Garros? - Ảnh 1.

Quần vợt Pháp không thể mãi trông chờ vào những ông già 36 tuổi như Monfils để phát triển

 Xây dựng lại một thế hệ tay vợt mới

Trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Carole Bouchard, cả Borfiga lẫn Ljubicic đều nhấn mạnh nhu cầu xây dựng văn hóa chiến thắng ngay từ các tay vợt trẻ tuổi. Chuỗi thành công của quần vợt Pháp đã bị ngắt mạch suốt cả thập kỷ qua và số lượng những tay vợt có thể trở thành hình tượng cho các tay vợt trẻ Pháp học tập ngày càng giảm đi trông thấy. Borfiga đi thẳng vào vấn đề: "Điều rõ ràng là quần vợt Pháp cần phải tin tưởng vào chính mình. Chúng ta cần phải chấm dứt những phát biểu tiêu cực về sự yếu kém của quần vợt Pháp. Nói cách khác, những ngôn từ ấy cần phải bị loại bỏ. Ljubicic chia sẻ quan điểm của Borfiga khi nói rằng quần vợt Pháp cần một tinh thần dám dấn thân như những gì Italy và Canada đang làm trước khi nghĩ đến chuyện tìm lại thành công.

Làn gió mới của quần vợt Pháp đã bắt đầu hé lộ đâu đó trong những giải đấu gần đây. Luca Van Assche, nam tay vợt 19 tuổi đã giành được séc thắng đầu tiên trong trận đấu gặp Djokovic ở giải Srpska Open. Sau đó là danh hiệu đầu tiên trong sự nghiệp của tay vợt 18 tuổi Arthur Fils ở Lyon. Cả hai tay vợt tuổi teen này đều góp mặt ở kỳ Roland Garros năm nay. Van Assche đánh bại Marco Cecchinato ở vòng một nhưng hành trình của anh đã kết thúc sau trận thua tay vợt người Tây Ban Nha Alejandro Fokina ở vòng hai. Kém hơn một chút, Fils bị chính Fokina đánh bại ở vòng một, nhưng đã kịp giành chiến thắng ở một séc đấu.

Có điều, những bước tiến của Fils hay Van Assche là không đủ để khán giả Pháp bớt hào hứng khi chứng kiến tay vợt 36 tuổi Monfils, thành viên cuối cùng của thế hệ New Musketeers, ra sân. Dù không thắng nổi một trận nào thuộc hệ thống ATP mùa này, Monfils vẫn khiến tất cả ngả mũ kính phục cách anh lội ngược dòng sau khi để thua 0-4 ở séc 5 quyết định để đánh bại Sebastian Baez, qua đó giành chiến thắng ở vòng một trước khi buộc phải rút lui đầy đáng tiếc trước trận gặp Holger Rune ở vòng hai.

Sự nghiệp quần vợt của Monfils là quãng thời gian có thăng, có trầm. Anh có năng lực để cạnh tranh chức vô địch ở các giải đấu lớn, nhưng lại thiếu tinh thần chiến đấu đến cùng để trở thành kẻ thách thức cho nhóm Big Three. Trong mắt tay vợt người Pháp, quần vợt giống như trò chơi kết nối quan hệ hơn là một cuộc chiến sinh tử. Hôm thứ Ba vừa qua, Monfils nhắc tất cả những lý do họ yêu và ghét anh suốt 18 năm qua: "Không khí tối nay thật tuyệt vời. Tôi biết có một vài người bạn lần đầu tiên đến xem Roland Garros và hy vọng họ đã có trải nghiệm thú vị". Ít nhất, quần vợt Pháp cần những làn gió mới để cho thấy một tay vợt xứ lục lăng có thể làm được những gì tại các giải đấu lớn. Quần vợt sẽ trở nên nhàm chán nếu thiếu những tay vợt hàng đầu đến từ nơi sở hữu giải Roland Garros.

Đức Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link