Chống ngập ở TP.HCM: Nguy cơ lũ lụt như ở Bangkok

05/04/2012 10:55 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH) - “Hãy tôn trọng không gian dành cho nước và tìm cách để giảm thiểu thiệt hại thay vì chỉ hạ thấp nguy cơ. Đó là hai nguyên tắc quan trọng khi chúng tôi đi thực tế và rút ra bài học kinh nghiệm từ trận lũ lụt lịch sử xảy ra tại Bangkok, Thái Lan vào năm 2011” - ông Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước, ĐH Quốc Gia TP.HCM cho biết tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Chương trình giảm ngập nước trên địa bàn TP.HCM 2011 - 2015 vào ngày 4/4.

Thực tế tại TP.HCM, các dự án thủy lợi, giao thông, dân cư và công nghiệp trong thời gian qua đã chiếm quá nhiều không gian của nước. Hậu quả là từ giữa thập niên 90, mực nước sông Sài Gòn bắt đầu tăng với tốc độ bình quân 1,5cm/năm. Vừa qua, cơn bão số 1 tiến vào TP.HCM cho thấy khí hậu đang có sự thay đổi bất thường.

Bài học cảnh báo cho TP.HCM

Tại hội nghị, Trung tâm Điều hành chống ngập nước (TTĐHCN) đã báo cáo kết quả nghiên cứu những bài học kinh nghiệm rút ra từ lũ lụt tại Bangkok, Thái Lan và xây dựng đề án giải quyết ngập lụt cho TP.HCM. Trận lụt lịch sử  xảy ra vào cuối năm 2011 ở Thái Lan với 815 người chết, 13 triệu người bị ảnh hưởng, thiệt hại kinh tế ước chừng 45 tỉ USD. Trận lụt cũng cho thấy sự cần thiết phải thay đổi chiến lược ứng phó thiên tai.

Theo kết quả nghiên cứu của TTĐHCN, nếu cứ lấn chiếm không gian nước và hạ thấp nguy cơ ngập bằng các giải pháp công trình thì trước sau, TP.HCM cũng sẽ phải trả giá. Ông Hồ Long Phi cho biết: “Các quy hoạch khuyến khích phát triển xuống các vùng đất thấp và sau đó bảo vệ những khu vực này bằng hệ thống đê bao chứa đựng rất nhiều rủi ro. Chỉ cần một biến cố vượt quá khả năng thiết kế của đê bao hoặc những trục trặc, hư hỏng phát sinh trong quá trình vận hành cũng đủ gây ra những thiệt hại không thể lường trước”.

Ông Nguyễn Ngọc Công, Phó giám đốc TTĐHCN cảnh báo:“Điều nguy hiểm nhất hiện nay không phải là thủy triều hay nước biển dâng, mà chính là các trận mưa bão đặc biệt lớn xảy ra trên lưu vực Sài Gòn - Đồng Nai vào cuối mùa mưa, trùng với mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Vài chục năm nữa, khi mà các khu dân cư và công nghiệp mới phát triển sẽ lấp đầy khu vực trũng thấp quanh TP.HCM theo quy hoạch tại Quyết định số 24/QĐ- TTg ngày 6/1/2010 thì khả năng xảy ra một trận lụt với thiệt hại tương tự như Bangkok 2001 tại TP.HCM chỉ còn là vấn đề thời gian”.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hoàn toàn không phát triển ở vùng đất thấp hoặc không được xây dựng những hệ thống bảo vệ chống ngập. Vấn đề là luôn phải tìm cách “đền bù” lại những tác động do con người gây ra trên cơ sở “tôn trọng không gian dành cho nước”.

Không bảo vệ không gian nước, cảnh ngập lụt sẽ còn diễn ra

Cần bảo vệ những diện tích dành cho mặt nước

Mục đích của việc thực hiện quy chế là đơn giản chỉ là những tiêu chuẩn để bảo vệ và hoàn trả không gian dành cho nước. Đó là một việc làm cần thiết để giải quyết những gì mà chúng ta đã và đang làm, đơn cử như việc: san lấp, lấn chiếm kênh rạch và các khu vực trũng có thể chứa nước.

Ông Nguyễn Ngọc Công cho biết: “Quy hoạch chi tiết về không gian điều tiết nước cho TP.HCM do TTĐHCN chuẩn bị thực hiện sẽ cung cấp những căn cứ xác đáng cho việc ban hành các cơ chế chính sách, quy chế phần không gian dành cho nước”. Được biết, trong Hội thảo giữa kỳ của TT ĐHCN và nhóm tư vấn Hà Lan vào đầu tháng 2/2012 vừa qua đã có sự đồng thuận khá cao về phương án bảo vệ hành lang thoát lũ dự phòng cho sông Sài Gòn.

Mặt khác, việc nâng cao năng lực dự báo mưa lũ cho TP.HCM phải tiến tới thực hiện theo chế độ “thời gian thực”. Nếu được vậy, dự báo sớm các trận lụt từ 6 giờ đến 48 giờ sẽ giúp cho TP chủ động hơn trong công tác điều phối các hoạt động ứng phó. “Cụ thể là hệ thống radar khí tượng lắp đặt tại Cần Giờ phải bổ sung thêm khả năng giải đoán bằng những phần mềm tốt nhất hiện nay. Cùng với một mạng lưới quan trắc bổ sung trên lưu vực có khả năng truyền tín hiệu từ xa một cách tức thời để việc tính toán dự báo chính xác hơn” - ông Hồ Long Phi nói.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Phước Thảo, GĐ TTĐHCN cho biết: “Năm 2011 đã xóa được 39 điểm ngập và mục tiêu của năm 2012 sẽ xóa 10/31 điểm ngập còn lại. Bên cạnh đó, theo dõi quản lý, kiểm soát 39 điểm ngập do mưa đã được xóa nhằm hạn chế tối đa tình trạng tái ngập và không để phát sinh điểm ngập mới kéo dài”.

Theo ông Nguyễn Phước Thảo, việc khống chế tình trạng tái ngập còn là mặt yếu. Nguyên nhân chủ yếu chính là công tác xác định mép bờ cao, xác định hành lang bảo vệ sông, kênh rạch chưa thực hiện. Do đó thiếu cơ sở để chấn chỉnh việc xử lý các trường hợp lấn chiếm, san lấp kênh rạch trái phép làm giảm năng lực tiêu thoát nước.

Thiếu đồng bộ trong việc xây dựng hệ thống thoát nước tại các khu dân cư mới, các trục giao thông. Việc hạn chế “bê tông hóa” để tăng thảm cỏ, tăng năng lực thấm hút mưa tự nhiên, hạn chế hệ số chảy tràn khi mưa  chưa được quan tâm đầy đủ. Thời gian tới UBND TP sẽ xem xét để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đánh giá lại quy định trong công tác quy hoạch phải ưu tiên tích hợp không gian tối thiểu dành cho nước. Đồng thời rà soát các quy hoạch hiện hành để điều chỉnh theo hướng giảm thiểu thiệt hại trong tương lai.

Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link