17/10/2017 07:34 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 9 vừa qua, di tích Vũng Đục (thành phố Cẩm Phả) đã chính thức được công nhận là một điểm đến trên bản đồ du lịch Quảng Ninh. Và, dư luận lại nhắc tới một ý tưởng đã được đề xuất từ lâu: tận dụng những mỏ than tại địa phương này để khai thác phục vụ du lịch.
Trong lịch sử phong trào công nhân mỏ Quảng Ninh, Vũng Đục là nơi thực dân Pháp đã xử tử hàng trăm thợ mỏ ưu tú vào giai đoạn 1948 – 1949.Và hiện tại, đền thờ các liệt sĩ Vũng Đục, cũng như đài tưởng niệm tại đây, đã trở thành nơi mà du khách không thể bỏ qua khi ghé thăm Cẩm Phả.
Nhưng, với lịch sử phát triển của ngành công nghiệp than, Quảng Ninh không chỉ có duy nhất một Vũng Đục. Nhắc tới những địa điểm liên quan tới các cột mốc lịch sử của ngành nghề này, người ta phải kể tới núi Yên Lãng (thị xã Đông Triều, điểm khai thác than đầu tiên của nước ta; tới quảng trường 12 – 11, nơi nổ ra cuộc tổng bãi công của hơn 5.000 thợ mỏ tại Cẩm Phả vào năm 1936; hay mỏ than Đèo Nai, nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với công nhân ngành than vào năm 1959.
Như chia sẻ của nhiều chuyên gia du lịch, nếu được kết nối với nhau, các điểm di tích này sẽ tạo nên một tuyến du lịch tham quan đầy ý nghĩa trong việc giới thiệu lịch sử của Quảng Ninh, cũng như giáo dục tinh thần yêu nước với thế hệ trẻ.
Thậm chí, theo phân tích, bên cạnh các di tích lịch sử, quang cảnh của các khai trường khai thác than lộ thiên, những moong than rộng lớn, khung cảnh sản xuất nhộn nhịp trên công trường đến các phân xưởng sản xuất... cũng là những nguồn tài nguyên quý giá nếu được khai thác phục vụ du lịch. Theo đó, tới tham quan các mỏ than, du khách sẽ được giới thiệu và tìm hiểu về lịch sử của ngành khai thác than tại Việt Nam, được tham quan quy trình chế biến than, cũng như được trải nghiệm khi tới bếp ăn và thưởng thức những bữa ăn ca của những người thợ mỏ...
Thực tế, từ hơn 10 năm qua, ngành du lịch Quảng Ninh đã kết hợp vào nhiều doanh nghiệp lữ hành tiến hành tham quan, khảo sát tại một số mỏ than như: Hà Lầm, Hà Tu, Vàng Danh, Cao Sơn, Đèo Nai... để lên kế hoạch tổ chức tour du lịch. Tuy nhiên, theo nhận xét chung, để các mỏ than có thể trở thành những sản phẩm du lịch thật sự, ngành than cũng cần đầu tư hợp lý để đảm bảo các yêu cầu nhất định. Chẳng hạn, đó là việc xây dựng thêm các bảo tàng nhỏ giới thiệu về quá trình lịch sử, quy trình sản xuất, máy móc, thiết bị khai thác của mỏ than qua các thời kỳ... hay xây dựng đường lên xuống, rào chắn an toàn tại các điểm tham quan công trường sản xuất từ trên cao...
Làm được những điều ấy, trong một ngày không xa các mỏ than sẽ sớm xuất hiện trên bản đồ du lịch của tỉnh Quảng Ninh, như một điểm đến hấp dẫn và độc đáo.
P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất