Vatican rộn rịp "Mật nghị Hồng y"

02/03/2013 06:44 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/3, Vatican đã gửi lời mời tới các Hồng y được phép bầu cử tới dự Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng mới, sau sự từ chức của Giáo hoàng Benedict XVI. Đây sẽ là mật nghị đầu tiên trong vòng 719 năm để bầu một Giáo hoàng mới khi mà người tiền nhiệm vẫn còn sống.

Vatican thông báo trong ngày 1/3 rằng giấy mời chính thức đã được phát hết tới 115 Hồng y có quyền bỏ phiếu.

Khởi động quá trình bầu Giáo hoàng

Phòng báo chí Vatican nói rằng các Hồng y sẽ tham gia các giáo đoàn ngay khi họ tới Rome và chỉ khi tất cả các Hồng y đã tụ họp, họ mới cùng nhau định ngày tổ chức mật nghị.

Như vậy, tiến trình lựa chọn Giáo hoàng đã tương phản với những lần trước đây, khi mật nghị thường diễn ra trong vòng 15 ngày sau khi Giáo hoàng qua đời. Lần này đã khác bởi Benedict XVI còn sống và bởi ông đã đổi quy định để mật nghị diễn ra sớm hơn.

Benedict XVI ban phước lần cuối cho các giáo dân trên ban công tư dinh Castel Gandolfo

Trước đó trong một cuộc họp báo diễn ra đêm 28/2 ở Rome, Hồng y Francis George của Giáo hội Chicago, cựu Chủ tịch Hội đồng giám mục Mỹ và đã tham gia bầu Giáo hoàng hồi năm 2005, nói rằng các Hồng y sẽ có nhiều ngày tổ chức các hội thảo kín, quy mô nhỏ, trước thời điểm diễn ra mật nghị.

Theo Dịch vụ tin tức Công giáo (CNS), trong các cuộc hội đàm này, các Hồng y sẽ hỏi nhau về một số Hồng y mà họ quan tâm và muốn tìm hiểu.  Các câu hỏi được đặt ra sẽ là: "Ngài biết gì về ứng cử viên này? Ngài có thể cho tôi biết ông ấy sẽ phản ứng ra sao tới vụ từ chức? Ông ấy là người thế nào, tính cách ông ấy ra sao?".

Tờ Il Messaggero của Italia cho biết khoảng 30 Hồng y đã có mặt tại Vatican để chứng kiến màn giã biệt của Benedict trong ngày 28/2 và họ có thể sẽ hội họp ngay từ đầu tuần tới. Nhưng chưa rõ sẽ phải mất bao lâu các Hồng y khác mới tới Vatican đầy đủ.

Một khi mật nghị bắt đầu, đây sẽ là mật nghị đầu tiên trong 719 năm qua diễn ra khi Giáo hoàng tiền nhiệm còn sống. Lần trước là vào năm 1294, khi Giáo hoàng Celestine V tình nguyện từ chức và ông đã chứng kiến sự đăng quang của Giáo hoàng Boniface VII. Năm 1415, Giáo hoàng Gregory XII cũng bị buộc phải thoái vị, nhưng ông qua đời trước khi người kế nhiệm Martin V được bầu.

Mục sở thị về "Mật nghị Hồng y"

Theo quy định hiện nay, có 117 Hồng y được quyền bầu tân Giáo hoàng (chỉ có các Hồng y dưới 80 tuổi mới có quyền này). Nhưng có 2 Hồng y sẽ không sử dụng quyền của mình là Hồng y Julius Darmaatmadja của Indonesia, người đã quá ốm yếu không tiện đi lại và Hồng y Scotland Keith O'Brien, người đang vướng vào cáo buộc có hành vi không đứng đắn với một số linh mục.

Một mật nghị Hồng y thường diễn ra như thế nào? Hồng y Cormac Murphy-O'Connor, cựu Tổng giám mục ở Westminster, đã kể lại những trải nghiệm khi ông tham gia bầu Benedict với hãng tin BBC như sau:

"Khi anh tham gia mật nghị, cảm giác rất lạ. Anh như bị cắt đứt khỏi thế giới, không được mang theo điện thoại và được sự canh gác của vệ binh Thụy Sĩ.

Trong những ngày đó, anh sẽ họp kín với các Hồng y khác để chọn ứng cử viên tiềm năng, bàn về các thách thức mà Công giáo đang đối mặt và ai là người phù hợp nhất để xử lý thách thức. Theo cách đó, tôi đã đi tới kết luận về việc mình sẽ bỏ phiếu cho ai.

Các Hồng y tiến vào Nhà nguyện Sistine để bỏ phiếu bầu Giáo hoàng

Khoảnh khắc quan trọng nhất là khi các Hồng y tiến vào Nhà nguyện Sistine. Khung cảnh khá ấn tượng khi tất cả các Hồng y đều bận đồ đỏ. Có người sẽ hô lên "Extra omnes" (Tất cả ra ngoài) và chỉ còn các Hồng y có quyền bầu cử ở lại, trước khi cánh cửa ra vào được đóng kín.

Tôi nhớ rằng mình đã nhìn quanh 114 Hồng y khác và nghĩ thầm: "Một trong số chúng ta sẽ bước ra ngoài kia với chiếc áo thụng trắng trên người". Tiếp đó, 3 Hồng y được lựa chọn vào ban kiểm phiếu và từng người một, chúng tôi điền vào lá phiếu rồi đặt vào trong một chiếc hũ vàng. Và trong khoảnh khắc trang nghiêm đó, nằm ngay trên đầu mình lại là bức tranh Sự phán xét cuối cùng của Michelangelo. Tôi thấy hết sức xúc động và luôn nhớ mãi về thời điểm đó.

Ban kiểm phiếu sau đó sẽ đọc to tất cả các lá phiếu. Khi số phiếu đồng thuận đã đạt được đa số, tức khoảng 77 hay 78 phiếu, mọi người giống như thốt lên kinh ngạc và rồi tiếng vỗ tay vang lên. Hồng y Ratzinger (tên cũ của Giáo hoàng Benedict) cúi đầu xuống như đang đọc lời cầu nguyện. Hồng y cao tuổi nhất tiến tới chỗ ông và hỏi: "Ngài có chấp nhận không?".

Tất cả chúng tôi đều chờ đợi một cách hồi hộp. Ông ấy trông khá trang nghiêm, tỉnh táo và điềm tĩnh. Và rồi khi ông nói "Vâng, tôi xin thuận theo ý Chúa", ông đã trở thành Giáo hoàng".

Chưa thể dự đoán về người kế nhiệm

Trong lúc này, người ta cũng bắt đầu đồn đoán về việc ai sẽ có tiềm năng trở thành Giáo hoàng tương lai. Hiện các nhà cái đang đặt cược lớn vào Hồng y Turkson tới từ Ghana. Một số tấm poster vận động tranh cử cho ông đã xuất hiện tại Rome trong ngày 1/3 và chưa rõ ai đã phát tán chúng. Nhưng theo giới phân tích, hiện chưa có một gương mặt nào thực sự nổi bật và tiến trình lựa chọn người kế nhiệm Benedict XVI chắc chắn sẽ kéo dài, phức tạp hơn rất nhiều so với mật nghị bầu ông hồi năm 2005.

Ngày đầu tiên của Giáo hoàng về hưu

Benedict XVI, người giờ đã trở thành Giáo hoàng về hưu, khiến thế giới chấn động khi tuyên bố hôm 11/2 rằng ông sẽ từ chức. 1/3 là ngày đầu tiên của ông trong tư cách một cựu Giáo hoàng. Ông đang tĩnh dưỡng ở Castel Gandolfo, phía Nam của Rome và sẽ ở tạm tại nơi này trong vài tháng khi người ta chuẩn bị một nơi ở cho ông trong Vatican.

Đức ông Georg Gaenswein, thư ký của Benedict, cho biết rằng trong những giờ đầu tiên ở Castel Gandolfo, Giáo hoàng đã ăn tối, đi bộ trong khu vườn của tư dinh, xem TV đưa tin về sự ra đi của ông. Gaenswein cũng cho biết Benedict đã bắt đầu chơi đàn piano trở lại và đây là một trong những đam mê thời trẻ của ông.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link