"Nhập khẩu" sách giáo khoa: "Tham khảo thì được, bắt chước thì không"

20/09/2012 13:19 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Theo Chiến lược giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 được Chính phủ phê duyệt, việc đổi mới chương trình cũng như sách giáo khoa (SGK) được đặt ra bắt đầu từ 2015. Nằm trong sự chuẩn bị cho việc này, vừa qua, NXB Giáo dục đã cho dịch và giới thiệu một số bộ SGK của nước ngoài, như bộ SGK Toán bậc tiểu học và THCS của Pháp và một bộ SGK ngữ văn bậc THPT của Mỹ.

Có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có thể nhập khẩu các bộ SGK các môn khoa học tự nhiên của thế giới, và chỉ nên tự làm các bộ SGK các môn xã hội nhân văn… TT&VH đã ghi lại một số ý kiến của các chuyên gia giáo dục về vấn đề này!



Hình ảnh sinh động trong bộ SGK Toán bậc tiểu học của Pháp. Ảnh: Hạ Huyền

* "Không phải nhập khẩu tất cả"

PGS. TS Đỗ Ngọc Thống, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, với xu thế hiện đại, ngành giáo dục đang hướng tới đa phương tiện, tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau. Và với tốc độ phát triển đến chóng mặt của khoa học kỹ thuật, chương trình SGK lạc hậu cũng rất nhanh.

“Trước đây một bộ SGK của ta có tuổi thọ từ 10-15 năm nhưng giờ chỉ còn khoảng 7-10 năm, thậm chí có những nước chỉ 2-3 năm người ta đã phải thay SGK rồi. Ở Việt Nam, năm 2000 chúng ta thí điểm đổi mới SGK, 2001 bắt đầu áp dụng đại trà. Vậy đến 2015 mới bắt đầu làm chương trình mới thì đã là 13 năm. Trong khi đó, để làm ra được một bộ SGK mới thì không thể ngày một, ngày hai mà làm ra ngay được mà phải kéo dài 5-7 năm là ít. Từ đó có thể suy ra là rất dễ dẫn đến lạc hậu. Vì vậy, Bộ đưa ra chương trình thay đổi SGK là cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, tôi chỉ băn khoăn một điều là thay đổi như thế nào cho tốt hơn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam hơn và cập nhật với xu thế quốc tế hơn thì đó chính là bài toán khó” – ông Thống nói.

Về việc nên hay không nên nhập khẩu SGK các môn học tự nhiên, tự biên soạn SGK các môn xã hội, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết nhiều nước đã làm việc này. Tuy nhiên không phải là nhập khẩu tất cả. Bởi lẽ, theo ông, giáo dục không phải là công cụ máy móc, sản xuất ra hàng loạt sản phẩm, mà giáo dục là vấn đề con người. PGS Đỗ Ngọc Thống khẳng định: “Dù khoa học tự nhiên hay khoa học giáo dục thì vấn đề người thầy mới thật sự là quan trọng, bối cảnh Việt Nam như thế nào, đối tượng học của nước ta ra sao chứ không phải anh nhập dây chuyền sản xuất về để hòng sản xuất ra hàng loạt sản phẩm theo ý muốn chủ quan của mình”.

Vì vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể nhập khẩu các bộ SGK của nước ngoài về nhưng không phải để áp dụng đại trà một cách máy móc mà chỉ như một nguồn tham khảo, đa dạng hóa các nguồn thông tin. Còn việc dạy chính thức vẫn cần một bộ SGK mang bản sắc của Việt Nam dù đó là khoa học tự nhiên" – PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh.

Dân chủ hóa việc học tập cho học sinh



Về việc giáo dục có nên nghĩ đến việc biên soạn SGK điện tử và áp dụng đại trà, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết: "Bang California (Mỹ) họ tuyên bố SGK in giấy đã chuẩn bị hết thời. Còn Hàn Quốc thì tuyên bố đến năm 2015 tất cả các trường học ở quốc gia này sẽ sử dụng SGK điện tử, song song với SGK in giấy. Việt Nam không thể tách khỏi xu thế thế giới được. Nghĩa là sẽ tiến tới, ngành giáo dục sẽ biên soạn SGK điện tử, tiến tới đa phương tiện trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, tôi cũng khẳng định sách giấy sẽ không bị bỏ rơi mà vẫn sẽ là nguồn tham khảo bổ ích cho tất cả mọi người!”.

Theo GS.TS Nguyễn Như Ý, Giám đốc Công ty Sách dịch và Từ điển, NXB Giáo dục Việt Nam, việc áp dụng nhiều bộ SGK là dân chủ hóa việc học tập trong thời đại mới. Học sinh càng có nhiều khả năng lựa chọn thì học sinh càng có khả năng tích lũy tri thức qua những gì các em đã học được.

Nói một cách khác, có nhiều bộ SGK là tạo ra sự cạnh tranh tương đối lành mạnh giữa những người làm SGK với nhau chứ không như trước đến nay, chúng ta chỉ có một bộ SGK. Bộ sách đó hay học sinh cũng phải học, dở học sinh cũng phải học. Nếu có nhiều bộ SGK, các em có thể tự chọn bộ sách phù hợp với khả năng của mình để học.

Về việc này, PGS Đỗ Ngọc Thống nêu kinh nghiệm: “Ở nước ngoài, ngành giáo dục để cho học sinh tự do lựa chọn SGK bởi ngành giáo dục không tổ chức thi theo SGK mà theo chương trình chuẩn của Bộ hoặc của ban đặt ra. Còn ở ta, vì thi theo SGK nên việc quản lý rất phức tạp. Bằng chứng là chỉ cần ra đề thi nằm ngoài SGK là học sinh… “chết”, dư luận xã hội phản ứng ngay lập tức”.

Về việc nhập khẩu SGK các môn học tự nhiên, theo GS Nguyễn Như Ý, nếu như các SGK tự nhiên ở các quốc gia đã ổn định và đạt đến chất lượng tốt thì các quốc gia khác có thể tham khảo. “Khi viết SGK các môn tự nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể dựa vào trực tiếp các bộ sách khoa học tự nhiên của nước ngoài để đưa vào SGK tự nhiên của ta những phương pháp, yếu tố sư phạm. Đặc biệt là cách trình bày các cấu trúc sách và các bài tập, đơn vị tin tức, từ đó biến thành những bộ SGK mang bản sắc Việt Nam chứ không phải nhập khẩu “nguyên đai, nguyên kiện” như hàng hóa thông thường được” – GS Nguyễn Như Ý nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Chí Thành, Trường Đại học Giáo dục, Đại học QGHN cho rằng, khi chúng ta có được một chương trình tiên tiến, trong đó tích hợp được những kết quả nghiên cứu giáo dục rồi thì cần phải có bộ sách đi theo chương trình ấy. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để có được những bộ SGK đáp ứng được sự đổi mới, cải cách giáo dục đó.

Còn việc nhập khẩu SGK các môn khoa học tự nhiên, TS Nguyễn Chí Thành cho rằng: “Nhập khẩu là khó, vì mỗi quốc gia trên thế giới đều có một triết lý giáo dục riêng và nó còn tích hợp với cả SGK các môn xã hội nữa. Vì vậy, chúng ta không thể coppy nguyên xi SGK của nước mà cần phải có chủ trương rõ ràng về việc tích hợp bao nhiêu phần trăm, tích hợp như thế nào để mạch kiến thức được thống nhất và phù hợp với học sinh Việt Nam. Đó mới là điểu quan trọng”.

          

“Với các môn khoa học tự nhiên, không phải lúc nào nhập khẩu về cũng đã là hay. Theo tôi, không nên bê nguyên SGK nước ngoài vào áp dụng đại trà cho các em học sinh Việt Nam. Cách tốt nhất là chỉ nên tham khảo, thấy chỗ người ta hay thì mình học, chỗ nào không phù hợp thì ta phải chủ động thay đổi. Vì vậy, không thể nhập khẩu SGK các môn tự nhiên được!”GS Văn Như Cương.

Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link