14/04/2013 11:11 GMT+7 | Thể thao
* Trong 6 kỷ lục quốc gia vừa lập, anh hài lòng nhất ở nội dung nào?
- Sáu kỷ lục quốc gia của tôi là ở các nội dung 50m tự do, 100m bơi ngửa, 100m và 200m hỗn hợp, 400m tự do và 4x200m tiếp sức. Tôi hạnh phúc, tự hào nhất với tấm huy chương vàng cự ly 200m hỗn hợp. Đây không phải nội dung chính của tôi, nên thành tích cán đích 2’01”38 bỏ xa thành tích cũ 2’02”50 gần một giây khiến tôi bất ngờ.
* Nhiều người vẫn tiếc nếu không mắc những lấn cấn đáng tiếc trên đất Mỹ, hẳn thành tích của anh sẽ nhảy vọt như đàn em Nguyễn Thị Ánh Viên?
- Tôi xin chúc mừng thành tích hai huy chương vàng, ba huy chương đồng của Ánh Viên ở giải Nam Florida (Mỹ) vừa rồi. Nhưng không phải cứ tập ở Mỹ là tôi sẽ cải thiện thành tích. Sau chuyến tập huấn Mỹ nửa năm, thành tích của tôi đâu thay đổi mấy. Còn thời gian qua chỉ tập luyện trong nước, tôi vẫn phá nhiều kỷ lục ở giải quốc gia ở Huế.
Dù không thể bằng so với cơ sở vật chất, khoa học, y tế… ở Mỹ, nhưng tôi lại thoải mái về tinh thần, có động lực, hưng phấn cần thiết khi tập luyện hay thi đấu ở quê nhà. Hồ hơi hiện tại ở Đà Nẵng không có hệ thống nước nóng bơm vào hồ khi trời lạnh. Điều kiện tập luyện thua xa ở Mỹ, ảnh hưởng không nhỏ nếu muốn cải thiện thành tích. Nhưng dù thời tiết bỗng trở lạnh như mấy ngày qua, em vẫn thoải mái khi bước xuống nước để bơi. Quan trọng tâm lý thoải mái, dù tập luyện trong môi trường khó khăn chút cũng không quá trở ngại.
Hoàng Qúy Phước đứng lên mạnh mẽ sau những lần "vấp ngã"
* Nhắc lại chuyện ở Mỹ một chút, dường như va chạm ở cấp huấn luyện đã ảnh hưởng đến quá trình tập luyện của anh?
- Đấy là chuyện đã gần một năm rồi, tôi cũng không muốn nhắc lại. Nhưng những ngày ở Mỹ với tôi thật khắc khổ, nghiệt ngã chứ chẳng vui vẻ gì. Những ngày đầu còn tập ở trường bơi Bolles gần thì đi xe đạp cũng tới được. Nhưng sau khi có bất đồng, tôi và thầy ra ngoài thuê nhà rồi tự nấu ăn. Phải đi xe buýt mất 30 phút mới đến nơi tập mới, thầy Quảng còn phải tự mình đi chợ mua đồ rồi nấu ăn. Thầy không phải là chuyên gia dinh dưỡng nên đòi hỏi việc này rất khó, nhất là ở nơi xa nhà như thế. Rất nhiều khó khăn khác khiến chuyến đi ấy như thảm họa với tôi, nhưng ít ra tôi đã có bài học để trưởng thành nhiều sau khi trở về. Nhìn lại bao đợt tập huấn, chưa khi nào tôi và thầy phải vất vả, khốn khổ như lần ấy.
* Đó có lẽ là cú sốc lớn nhất trong suốt những năm theo nghiệp bơi của anh?
- Đúng là như thế. Tôi chịu đủ tai tiếng, mệt mỏi trong chuyến tập huấn mang nhiều hy vọng để tiến bộ. Từ cảm giác khấp khởi, tràn trề tin tưởng trước khi sang Mỹ, đến lúc ê chề thất vọng, chán nản khi trở về. Chẳng thấy thành tích tiến bộ chút nào, tôi và thầy vác thêm ấm ức vào người, thành tích cũng giậm chân, kéo theo cơ hội dự Olympic 2012 bị bỏ lỡ. Những cảm giác không vui lần lượt kéo đến khiến tôi mất thăng bằng một thời gian. Nhưng nhìn lại cũng cảm ơn những cú ngã như thế, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều vào thời điểm hiện tại. Tôi hay nói đùa, đường đua xanh cũng phức tạp như đường đời, tôi phải chấp nhận điều đó để sống cho mạnh mẽ.
* Anh tự đánh giá bản thân mình ra sao ở mặt tích cực và chưa tích cực?
- Đầu năm 2013, phía thành phố Đà Nẵng mời chuyên gia gia người Úc Noel Bertwistle, sang hỗ trợ thầy Nguyễn Tấn Quảng. Cả hai yêu cầu tôi tỉ mỉ, nghiêm túc trong những động tác cơ bản nhất. Như các động tác xoay vòng, đạp bể lẫn cả xuất phát đều phải hoàn hảo, không động tác thừa. Dù khả năng phản xạ trong nước, độ nhạy lúc xuất phát của tôi hàng đầu trong nước, nhưng vẫn chỉ ở mức trung bình khá tầm châu lục. Cho nên việc rèn luyện kỹ năng này vô cùng quan trọng để vượt qua thành tích đang có.
Chưa kể việc tăng cường sức bền, khả năng chịu đựng phù hợp nội dung thi dài vẫn là hạn chế của tôi. Thầy Quảng nói với tôi rằng một vận động viên xuất sắc là toàn năng trong các nội dung thi, chứ không chỉ có một, hai nội dung sở trường, dễ bị đối phương bắt bài. Tôi cũng đang tập luyện, nỗ lực để đạt kết quả cao nội dung 200m, 400m chứ không riêng nội dung 50m và 100m như ở SEA Games 2011.
* Anh có ước giá như mình được đầu tư tập huấn nước ngoài từ sớm, triệt để hơn hẳn tiệm cận trình độ châu lục, thế giới?
- Hiện tại tôi nằm trong số vận động viên tốp đầu Đông Nam Á, còn khoảng cách tầm châu lục còn khá xa. Đúng là tôi mơ ước được tập huấn sớm hơn, nhiều hơn hẳn sẽ có được thành tích cao hơn. Nhưng tôi không huyễn hoặc tài năng của mình. Nhìn thẳng sự thật, để tiệm cận những vận động viên hàng đầu châu Á là không dễ cho tôi hay những vận động viên Đông Nam Á khác. Như Schooling (Joseph Schooling, đại diện của bơi lội Singapore ở Olympic 2012) đang sinh sống ở Mỹ, được tập huấn nước ngoài sớm, song để vào tốp 5, tốp 10 châu Á vào lúc này cũng rất khó.
* Tổng cục Thể dục thể thao đã có kế hoạch ra sao để anh “làm nóng” trước SEA Games 2013 tại Myanmar?
- Tháng 6 này, tôi sẽ tham dự khoảng năm nội dung tại giải bơi Asian Indoor Games tổ chức tại Hàn Quốc. Đây sẽ là giải đấu đánh giá tốt nhất của tôi so với những đối thủ trong khu vực, nhất là Singapore, Indonesia. Tháng 9, tôi sẽ tranh tài ở giải bơi vô địch quốc gia bể 50m tại Hà Nội, trước khi dự SEA Games 2013. Mật độ ba tháng/giải để chuẩn bị cho SEA Games 27 là hợp lý, hy vọng giúp tôi có điểm rơi phong độ, tâm lý tốt nhất khi thi đấu.
* Nếu có cơ hội được làm lại, anh có chọn hướng rẽ khác không gắn với đường bơi?
- Ngoài chuyện bơi lội, tôi chơi bóng rổ, bóng đá cũng rất khá. Biết đâu theo hai nghề ấy, tôi cũng có thể thành danh. Nói đùa thế thôi, tôi mơ bơi lội, mê sông nước từ tấm bé, đến độ ăn vào máu. Thể thao có lúc thành công rồi thất bại nhưng không bao giờ đánh mất đam mê. Dù có được làm lại, tôi vẫn chọn bơi lội mà thôi.
* Xin cảm ơn Hoàng Quý Phước!
Thể thao có lúc thành công rồi thất bại nhưng không bao giờ đánh mất đam mê. Dù có được làm lại, tôi vẫn chọn bơi lội- Hoàng Quý Phước |
Mộc Miên(thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất