Hà Nội 'cấm' nói tục: Chờ đợi cách làm

19/06/2015 07:27 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây, việc Hà Nội tiến hành khảo sát và sẽ tìm biện pháp xử lý mạnh tay với nạn nói tục đang gây tranh cãi trong dư luận. Những người ủng hộ cho rằng đề xuất của UBND TP là cần thiết trước những “thảm họa văn hóa ứng xử” hiện nay. Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, đề xuất của Hà Nội là.... “bất khả thi”.

Trước những tranh cãi trái chiều, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với các chuyên gia, học giả để độc giả hiểu rõ hơn vấn đề.

Lập lại trật tự văn hóa

TS Trịnh Hòa Bình- Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Xã hội học) cho biết: Thời gian gần đây, người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng đang ở trạng thái rất cực đoan. Trước những vấn đề chung cần cộng đồng thảo luận tích cực, phần nhiều cá thể lập tức phủ định khi chưa có đủ dữ liệu thông tin. Và họ cũng không đưa ra bất cứ giải pháp nào để giải quyết vấn đề. Chủ trương của Hà Nội gây tranh cãi hiện nay cũng đang trong tình cảnh tương tự.

Theo TS Trịnh Hòa Bình, vấn nạn chửi tục ở Hà Nội đang trở nên nhức nhối, đáng báo động. Cụ thể, ẩm thực Hà Thành nay có “đặc sản” bất đắc dĩ như “bún mắng, cháo chửi”; học sinh, sinh viên nói một câu, đệm một tiếng chửi thề; ca sĩ, người mẫu thóa mạ người khác bằng những lời lẽ tục tĩu giữa đường;...

Đồng tình với quan điểm của TS Trịnh Hòa Bình, TS ngôn ngữ Phạm Văn Tình nhận định: “Nói tục là một phần hành vi ngôn ngữ của mọi nền văn hóa. Song, các cộng đồng tiến bộ thường không ủng hộ những lời lẽ này. Và chúng ta đang lệch chuẩn văn hóa. Những thứ tục tĩu lẽ ra bị cộng đồng phản ứng trở thành bình thường. Còn những quyết định lập lại trật tự văn hóa lại nhận sự chỉ trích ngay từ khi mới phôi thai hình thành”.  

Các chuyên gia cho rằng, quyết định của Hà Nội phù hợp với đòi hỏi của xã hội hiện đại, nhằm lấy lại vẻ thanh lịch vốn có của người Tràng An.

“Chừng nào trật tự văn hóa còn đảo lộn, lời nói chưa sạch,  đường phố chưa sạch, chừng đó, chúng ta chưa thể mong một xã hội minh bạch, đàng hoàng và tử tế”- ông Trịnh Hòa Bình cho biết.


 Chủ trương mạnh tay với nói tục của Hà Nội cũng là cách để tận diệt “bún mắng, cháo chửi”.   

Không “luật hóa”

Vấn đề mấu chốt gây những tranh luận trong đề xuất của Hà Nội là tính khả thi của chủ trương. Bởi xác định ranh giới tục - thanh trong ngôn ngữ là rất khó. Hơn thế, dư luận cho rằng, nếu “luật hóa” một lĩnh vực định tính và khó có bằng chứng sẽ khiến chủ trương “nằm trên giấy”.

Song, đề xuất của UBND TP Hà Nội không hề đề cập đến chuyện “luật hóa” cấm chửi tục như nhiều người vẫn hiểu. Hà Nội mới chỉ chỉ đạo Sở VH,TT&DL cùng Sở GD&ĐT, các quận huyện thị xã yêu cầu tìm biện pháp xử lý nhằm hạn chế cao nhất những hành vi ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng.

Ông Trịnh Hòa Bình đánh giá: “Tính khả thi ai cũng băn khoăn. Song băn khoăn là để cùng tìm giải pháp chứ không phải “ném đá”, bàn lùi một cách thiếu xây dựng. Theo quan điểm của cá nhân tôi, lòng dân là căn cơ của mọi giải pháp.  Với những lĩnh vực liên quan tới thực hành văn hóa hàng ngày, ta nên tác động bằng giải pháp “mềm” chứ không phải giải pháp “cứng” để chủ trương đi vào lòng dân.

Cụ thể, theo TS Bình, Hà Nội nên tổ chức truyền thông bài bản, hấp dẫn để người dân hiểu rõ vấn đề. “Khi cộng đồng trở lại hệ giá trị cơ bản, thì những cá thể sai khác, đi ngược với giá trị chung ắt sẽ bị cô lập. Từ đó, tự họ sẽ chủ động thay đổi theo cái đúng mà không cần bất cứ hình thức xử phạt nào”- TS Trịnh Hòa Bình nói thêm.

Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link