Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới rơi vào suy thoái chính là hậu quả của việc cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ngày càng lan rộng, liên tiếp xuất hiện những thông tin xấu về các nền kinh tế lớn trên thế giới. Sau những "người khổng lồ" châu Âu như Đức, Italia, Anh... nay đến lượt "người khổng lồ châu Á" - Nhật Bản rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế.
Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso (trái) và Bộ trưởng Kinh tế Shoichi Nakagawa dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 với nỗi lo nền kinh tế rơi vào suy thoái. |
Nạn nhân mới nhất
Nhật Bản đã trở thành nạn nhân mới nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khi Chính phủ nước này hôm qua thừa nhận nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã chính thức rơi vào tình trạng suy thoái, lần đầu tiên kể từ năm 2001.
Theo số liệu thống kê của Văn phòng Nội các Nhật Bản, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý III/2008 giảm 0,1%, sau khi đã giảm 0,9% trong quý II. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng GDP trong quý III ước tính giảm 0,4%. Quốc vụ khanh phụ trách chính sách kinh tế và tài chính Nhật Bản Kaoru Yosano thừa nhận việc tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm hai quý liên tiếp chứng tỏ nền kinh tế đã ở vào giai đoạn suy thoái.
Nền kinh tế Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, xuất khẩu của Nhật Bản đương nhiên giảm mạnh; do đó, theo ông Kyoheii Morita, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Barclays Capital, việc nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái là điều không thể tránh khỏi. Bị giảm sút lợi nhuận do khủng hoảng tài chính và đồng yên mạnh, các doanh nghiệp Nhật Bản đã cắt giảm đáng kể khoản đầu tư cho trang thiết bị và nhà xưởng - động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, đầu tư của doanh nghiệp trong quý III năm nay giảm 1,7%. Bên cạnh đó, người tiêu dùng trong nước cũng "thắt lưng buộc bụng" trước tình trạng ảm đạm của nền kinh tế và làn sóng cắt giảm việc làm của các doanh nghiệp. Theo nhận định của các chuyên gia, kinh tế Nhật Bản khó có thể nhanh chóng thoát khỏi suy thoái. Ông Yosano thậm chí còn cho rằng tình hình sẽ còn xấu hơn nữa. Ông Morita dự đoán tình trạng suy thoái sẽ kéo dài ít nhất là 4 quý. Theo nhà kinh tế Takehiro Sato của Morgan Stanley, nền kinh tế Nhật Bản năm 2009 sẽ tiếp tục giảm 1,1%, buộc Chính phủ phải hạ lãi suất xuống mức 0%.
Bóng ma suy thoái bao trùm thế giới
Lần thứ hai trong năm nay, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã phải cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2009 và kêu gọi Chính phủ các nước thực hiện thêm các biện pháp thúc đẩy kinh tế để chống lại tình trạng suy thoái hiện nay. Theo dự báo mới nhất, kinh tế của 30 nước thành viên OECD năm 2009 sẽ giảm 0,3% sau khi chỉ tăng 1,4% năm 2008. Giám đốc nghiên cứu chính sách của OECD Jorgen Elmeskov cho rằng, kinh tế các nước thành viên OECD sẽ chỉ bắt đầu phục hồi vào 6 tháng cuối năm 2009.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ, theo đánh giá của Hiệp hội Kinh tế doanh nghiệp quốc gia Mỹ (NABE), đang lún sâu hơn vào tình trạng trì trệ kinh tế và sẽ tiếp tục ở trong tình trạng này một thời gian nữa. Các chuyên gia NABE dự báo kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục giảm 2,6% trong quý IV/2008 và 1,3% trong quý I/2009, Trong cả năm 2008, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chỉ đạt 1,4%, so với 2% của năm ngoái.
Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu và thứ 3 thế giới - cũng đã chính thức rơi vào suy thoái, với tỷ lệ tăng trưởng giảm liên tiếp trong quý II và III/2008. Trong khi đó, theo số liệu của Cơ quan thống kê Italia (ISTAT), tăng trưởng GDP của nước này trong quý III/2008 giảm 0,5% sau khi đã giảm 0,4% trong quý II. Như vậy, nền kinh tế Italia đang rơi một cuộc "suy thoái kỹ thuật" và tăng trưởng trong cả năm 2008 sẽ ở mức âm lần đầu tiên trong 16 năm qua.
Theo Tin Tức