21/11/2019 19:52 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Trăm năm là khoảng cách từ thời điểm L’Art à Huê ra đời cho đến khi trở thành bản dịch hôm nay với cái tên Nghệ thuật & nghệ nhân vùng kinh thành Huế (dịch giả Lê Đức Quang). Và ở thế kỷ 21, độc giả hôm nay sẽ có nhiều điều để đọc về công trình của một học giả Pháp.
1. Năm 1892, chàng thanh niên gầy gò Leopold Cadiere chỉ mới 23 tuổi khi đặt chân lần đầu tiên đến Việt Nam với nhiệm vụ truyền giáo. Ông sinh năm 1869 tại Aix-en-Provence, miền Nam nước Pháp.
Từ tháng 10/1896 ông trở thành linh mục phụ trách giáo phận Cù Lạc. Chính ở đây Cadiere gặp nhà Đông phương học nổi tiếng Loius Finot (giám đốc đầu tiên của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp). Chính nhờ cuộc gặp này và tình yêu mến Việt Nam, ông bắt đầu nghiên cứu về văn hóa Việt Nam. Từ đó, năm 1919, L’Art à Huê ra đời trên tập san của Hội Đô thành Hiếu Cổ do linh mục Leopold Cadiere chủ trương. Ở ấn bản đầu tiên, sách gồm 167 trang viết và 222 trang phụ bản.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật thời Nguyễn, Ths Nguyễn Hữu Thông, Cadiere “không đến xứ sở này với tư cách của một kẻ khai hóa, một kẻ thực dân mà bằng tấm lòng, trái tim và tình cảm thật sự. Do đó ông tha thiết xin được chết trên quê hương Việt Nam và đã được toại nguyện. Trong lòng người Huế, Cadiere luôn là một công dân danh dự”.
Đọc sách, độc giả có thể thấy được điều ấy: Mục tiêu của Leopold Cadiere và cộng sự Edmond Gras không dừng lại ở việc miêu tả chi tiết nghệ thuật tạo hình vùng kinh thành Huế. Xa hơn, họ chọn nghệ thuật để tìm hiểu về đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam.
Nghệ thuật & nghệ nhân vùng kinh thành Huế gồm hai phần chính. Phần đầu tiên là hai chương tổng quát về nghệ thuật tạo hình và kiến trúc tại kinh thành Huế của hai tác giả. Phần thứ hai là công trình nghiên cứu của Cadiere về họa tiết nghệ thuật tạo hình, với 7 kiểu trang trí họa tiết chính: Hình học; chữ Hán; tĩnh vật; hoa lá, nhành cây và hoa cỏ; muông thú, điêu khắc đơn thuần; phong cảnh. Từ những miêu tả chi tiết này, Cadiere tìm hiểu một cách hệ thống về đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam.
2. Leopold Cadiere cho rằng hai nét chính của nghệ thuật tạo hình Việt Nam là không hướng tới cái lớn lao và ngoảnh mặt với tự nhiên. Đối với điểm thứ nhất, ông viết: “Nghệ thuật tầm vóc lớn không hiện hữu”.
Thực tế, ở Việt Nam, những cung điện nguy nga hay đền đài đồ sộ không hề tồn tại. Chính từ sự thiếu vắng những “cái lớn lao” trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam, Cadiere tìm thấy sự lựa chọn của người nghệ nhân. Ông viết “ngược lại, họ lại rất chăm chút tô điểm cho những ngôi chùa nhỏ nhắn, những ngôi nhà thấp bé và thiếu ánh sáng… Các vách ngăn, cửa ra vào, xà nhà, tủ bàn đều được chạm trổ với những đường cong nét lượn tinh tế, những điểm xuyết lá cành thanh thoát hay chạm lộng thật tỉ mỉ. Nghệ nhân An Nam, với sự chuyên tâm chuyên chú như thế bộc lộ rõ khắp mọi nơi, đã biết khai thác những hiệu ứng mỹ mãn nhất từ những họa tiết”.
Đối với điểm thứ hai, ông cho rằng nghệ thuật tạo hình Việt Nam đã từ chối việc lột tả đúng sự vật trong thế giới tự nhiên. Theo đó, những sự vật tầm thường nhất như một đám mây, một tảng đá, một vật vô tri… đều không được tái hiện đúng như nó đang có, mà thường được nghệ nhân sử dụng phương pháp cách điệu để mô tả.
Từ hai nét chính của nghệ thuật tạo hình, Leopold Cadiere đưa ra lý giải đời sống tinh thần của người Việt Nam. Tại sao người Việt Nam không muốn tự mình đối diện với thiên nhiên bao la, không muốn tái hiện lại phong cảnh những vùng đất mình từng thưởng ngoạn như người châu Âu? Đó là vì mục đích làm nghệ thuật của người Việt Nam là hoài niệm. Và phong cách cổ điển cách điệu là sự lựa chọn tốt nhất.
Ông viết “Núi non, đàng xa kia như hiện ra trong sương mờ, là dạng núi non cổ điển. Nhà cửa là theo nghĩa những “trang viên” cổ điển, mà ngày nay chẳng còn tìm thấy đâu ở xứ An Nam. Những chiếc cầu bắc cong vút qua sông, không hề tồn tại trong thực tế, chỉ có thể thấy đâu đó trong sách vở hay ở các bức tranh thời xưa. Rồi cây cối chim muông, tất cả như đã xuất hiện cách đây nhiều thế kỷ. Thậm chí người xem còn có cảm giác là mặt nước, đất đai cũng mang dấu ấn của thời cổ đại xa xăm”.
3. Có những góc nhìn độc đáo, tuy nhiên một công trình nghiên cứu như vậy không thể không có những hạn chế. Cụ thể, nhận xét tổng quát của Cadiere rằng “về phương diện nghệ thuật, hình như người An Nam chưa từng ấp ủ những hoài bão lớn lao” vẫn mang ấn tượng của một con người thuộc văn hóa khác.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, tính cách này của người Việt Nam chưa hẳn là một điểm yếu, bởi muốn giải thích thì nó cần được đặt trong lịch sử của dân tộc. Suốt nhiều thế kỷ, nhân dân Việt Nam chịu cảnh gian nan vì những cuộc chiến tranh, bạo loạn liên miên nên ước mơ của họ chỉ nhỏ bé là được sống bình an với gia đình và bằng hữu. Chính ước mơ nhỏ bé này đã đi vào những sáng tạo của nghệ nhân.
Hoặc, ở một hạn chế nữa, Cadiere chê nghệ nhân Việt Nam dù tài năng nhưng không tạo ra những sản phẩm mang tính toàn cầu như người Trung Quốc và Nhật Bản. Nhận xét của ông là hợp lý đối với một con người sống trong nền kinh tế thương nghiệp. Nhưng nền kinh tế Việt Nam thời Nguyễn là nền kinh tế nông nghiệp. Một thị trường do đó không thể tồn tại. Món đồ nghệ thuật cũng không thể trở thành hàng hóa. Người dân không thể làm khác, chỉ sản xuất sản phẩm nghệ thuật nhằm biếu tặng hoặc thỏa mãn nhu cầu nội tâm của bản thân.
Dù vậy, bên cạnh hai hạn chế trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông đánh giá đây có thể được coi là một trong những công trình khoa học về nghệ thuật tạo hình vùng kinh thành Huế lớn nhất. Và đọc nó, người ta vẫn có sự trân trọng với Leopold Cadiere - người mà khi tuổi cao sức yếu, thay vì quay về cố hương, đã lựa chọn vùng đất Kim Long, thủ phủ tiền thân của Kinh đô nhà Nguyễn ở đất Phú Xuân để yên nghỉ vào năm 1955.
Bên cạnh bản in thông thường của NXB Hà Nội, 5/6 ấn bản đặc biệt của cuốn sách Nghệ thuật & nghệ nhân vùng kinh thành Huế (do Hải Bằng, nghệ nhân trúc chỉ hàng đầu Việt Nam, gia công) đã được bán đấu giá. Toàn bộ số tiền bán đấu giá 90,5 triệu đồng được chuyển cho Quỹ Văn hóa Huế. |
Đăng Thành
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất