01/01/2016 07:30 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Gợi lại một giai đoạn đầy biến động của Việt Nam và các nước láng giềng, cuốn hồi ký của viên cựu toàn quyền Đông Dương Paul Doumer vừa chính thức được NXB Thế giới và Alpha Books phát hành vào ngày 28/12 dưới cái tên ngắn gọn: Xứ Đông Dương
Rất nhiều độc giả VN biết tới Paul Duomer trong vai trò nhà toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1897 – 1902 mà bỏ qua những thông tin quan trọng khác: nhân vật này còn giữ các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Tài chính Pháp, chủ tịch Hạ viện, chủ tịch Thượng Viện, - và cao nhất là Tổng thống Pháp trong 2 năm ngắn ngủi, kể từ 1931 cho tới khi bị ám sát vào 5/1932.
Dịch giả của Xứ Đông Dương cũng là một cái tên quen thuộc với độc giả VN: nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Và như lời chia sẻ của ông, Xứ Đông Dương không chỉ đơn thuần là cuốn hồi ký của một chính trị gia có số phận gắn bó mật thiết với VN. Xa hơn, đây là một cuốn tư liệu đặc biệt, với những thông tin độc đáo về VN trong giai đoạn chuyển mình từ xã hội phong kiến sang mô hình xã hội hiện đại.
Hàng loạt câu chuyện thú vị về VN trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX được nhắc tới trong Xứ Đông Dương. Đó là quá trình xây dựng những cây cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, cầu Thành Thái (Tràng Tiền) tại sông Hương hay cầu Bình Lợi ở sông Sài Gòn. Đó là sự quyết tâm của Doumer trong việc xây dựng tuyến đường sắt xuyên Việt – tới mức báo chí Pháp mỉa mai ông là người theo chủ nghĩa đường sắt. Đó là việc Hà Nội, dưới thời cai trị của Paul, trở thành thành phố châu Á đầu tiên có điện.Và độc đáo nhất, đó là nhận xét khách quan vào đầu thế kỷ XXcủa vị toàn quyền Đông Dương này về người Việt, rằng đó “chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc xung quanh bởi sự thông minh, cần cù và dũng cảm” .
"Paul Doumer là một tay thực dân chính cống và hành động hoàn toàn vì lợi ích của nước Pháp. Nhưng, là một học giả và một chuyên gia kinh tế có tầm nhìn, ông ta cũng làm được khá nhiều việc cho quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa ở Đông Dương” – dịch giả Nguyễn Xuân Khánh nhận xét. “Nếu biết so sánh đối chiếu,cũng như phê phán có chọn lọc, chúng ta sẽ có thêm nhiều cái nhìn khách quan về sự phát triển của VN trong giai đoạn này”.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất