NSND Trần Văn Thủy - một người tử tế

24/05/2010 13:02 GMT+7 | Người Hà Nội


1. NSND Trần Văn Thủy sống trong một ngõ nhỏ yên tĩnh trên đường Hoàng Hoa Thám – Hà Nội, nhưng nơi cư ngụ lại là một ngôi nhà cao ráo và rộng rãi, cây trứng gà trước hiên nhà đã xum xuê tỏa bóng.

Ông nói, ngôi nhà này được xây cất bằng chính tiền làm phim với nước ngoài của mình, sau bao nhiêu lận đận vất vả với phim trường trong nước. Bởi có dạo khó khăn và cô đơn quá, mẹ ông đã khóc: “Con ơi, sao cái nghề của con khổ thế”. Nhưng ông vẫn bền bỉ với con đường của mình. Mỗi khi tiếp khách, ông thường trọng thị thắp hương trước bàn thờ tổ tiên mình, như một thói quen, và cũng có thể như muốn phác một cử chỉ rằng, những điều chúng ta trao đổi với nhau đều là chân thành và tử tế.

Nhìn lại những việc đã làm của đời mình, ông cho rằng có những việc lạ lùng, may mắn cứ như có  thần linh giúp đỡ, phần lớn cũng đến bờ đến bến. Người đời thường nói, ăn ở thế nào đời sẽ trả lại cho mình như thế, nhưng soi chiếu vào những khuất tất trong lịch sử một cách sâu sắc, ông thấy không ít người có tài, có công thì số phận lại hẩm hiu. Ông có “ước mơ không tưởng” là làm sao để hậu thế không đi vào những vết xe đổ của quá khứ, làm thế nào hoá giải tất cả những lầm lẫn của chúng ta trong quá vãng, có như thế mới hoá giải hết những kết uất, để mọi con dân nước Việt được yêu thương đất nước này một cách ngang bằng.

Thời gian Trần Văn Thủy làm việc tại Hãng phim Tài liệu là quãng đời thú vị nhất của ông. Là một người quê gốc Nam Định, ông “đọc” Hà Nội như tất cả những ai gia nhập vào Hà Nội. Chất lịch lãm đã ngấm sâu vào con người này, bởi cung cách nói chuyện nhỏ nhẹ, đôi khi để diễn đạt một điều gì đó từ sâu thẳm bên trong, ông lại đặt tay lên ngực trái của mình. Những gì tinh túy nhất sau một chuỗi dài quan sát, nghiền ngẫm, suy tư, dường như được ông rút ruột trong bộ đôi tác phẩm “Chuyện tử tế” và “Hà Nội trong mắt ai”.

 Chuyện tử tế (1985) kể về thân phận của những người nghèo khổ dưới đáy xã hội. Những người làm phim xông xáo vào đời và gặp lắm cảnh trái ngang: đến quay một lò gạch thì bị chủ lò gạch xua đuổi. Một đứa bé chăn vịt vì mệt, cần ngủ, lỡ để đàn vịt vào phá ruộng hợp tác xã mà phải mang lý lịch xấu. Một giáo viên toán phải đi bán rau. Những cựu chiến binh một thời oanh liệt nay người đạp xích lô, kẻ làm nghề sửa xe đạp. Một bà mẹ cùi hủi bị người đời khinh chê nhưng quyết chí đúc 18 vạn hòn gạch làm gia tài để lại cho đứa con trai. Đan xen giữa những mảnh đời là những suy nghĩ, nhận thức về sự tử tế... Những năm thời bao cấp, hai bộ phim này đã làm nên một điều chưa từng có: chiếu rạp từ Nam ra Bắc trong một thời gian dài, người nối người chen nhau đi xem. Và kết quả thật không ngờ, “Chuyện tử tế” đã đưa tên tuổi đạo diễn Trần Văn Thủy vượt đại dương đến các nước xa xôi trên thế giới. Còn Trần Văn Thủy cũng đi vào lịch sử với tư cách cá nhân: trở thành một trong những nhà làm điện ảnh uy tín hàng đầu của Việt Nam. Ông kể với chúng tôi rằng, đó là những tấm “giấy thông hành” để ông gặp gỡ mọi người, không chỉ trong nước mà là Việt Kiều ở khắp nơi trên thế giới.

Ông nói: “Tôi thường tâm sự với các đồng nghiệp trẻ rằng tiêu chí của phim tài liệu không chỉ là đúng và đủ. Đúng và đủ là tiêu chí của nghị quyết, của các công trình nghiên cứu khoa học. Hấp dẫn là tiêu chí đầu tiên của tôi. Phim tài liệu muốn hấp dẫn, phải đánh động vào thần kinh của xã hội đương đại, khiến người xem tự soi lại mình, rằng ta đang sống như thế nào, ta phải làm gì để có thể sống tốt hơn, lương thiện hơn, tử tế hơn. Con người vẫn khao khát về lẽ sống, về lẽ phải, chuyện trị nước, yên dân, chuyện hoà hợp hoà giải, chuyện tôn trọng sự khác biệt… Toàn là chuyện “nóng” cả, đâu phải tìm kiếm xa xôi gì tận bên Mỹ, bên Tàu? Làm phim tài liệu không phải để nói bằng được những điều mình nghĩ, mà phải nói được những bức xúc của số đông, đụng chạm đến điều gì sâu thẳm của nỗi đau thân phận con người, khiến người ta suy nghĩ. Đó là một giải mã, một chìa khoá mở ra lối đi cho riêng tôi.”

2. Năm 1992, khi làm phim Có một làng quê với đài truyền hình NHK, mô tả đời sống tinh thần thanh bạch, ấm cúng, đầy tình làng nghĩa xóm của một làng quê nghèo Việt Nam sống bằng nghề đào đất nặn thành chum vại, tiểu sành, ông cứ thắc mắc tại sao người Nhật lại bỏ tiền cho mình thực hiện bộ phim nói về “cái tôi”, về một làng nghèo như thế, lại còn cho tôi thuê cả trực thăng để quay. Khi cùng xem phim ở Tokyo, những người Nhật Bản đã nói rằng: “Đây là chuyện cổ tích đời nay!” Lúc ấy ông mới hiểu, người Nhật Bản đã từng nghèo như thế, đã từng tốt với nhau như thế và họ biết hơn ai hết sự giàu lên có khi làm quan hệ con người xấu đi, họ muốn cho con cháu họ thấu hiểu điều đó. Đó là điều mà Việt Nam của chúng ta hình như chưa giác ngộ được.

Ông nói: “Chúng ta đang mải chạy theo sự tăng trưởng về kinh tế, sao nhãng quan tâm đến tình người, đến đạo đức, đến sự tử tế. Trong thẳm sâu của mình, khi đặt niềm vui, nỗi buồn vào cái chung, thấy đau đớn lắm. Vào đầu thế kỷ, cụ Phan Châu Trinh đã chủ trương nâng cao dân trí. Điều đó bây giờ vẫn còn rất thời sự. Dân trí hiểu theo nghĩa của riêng tôi là sự hiểu biết rộng lớn, trong đó có sự hiếu hoà, tin cậy, để con người cảm thấy biết sống và đáng sống, chứ không phải ngổn ngang, bê bối như bây giờ. Nguyên nhân sâu xa của sự bê bối là sự xuống cấp về nhân cách. Suy cho cùng thì vấn đề của xã hội Việt Nam bây giờ chính là vấn đề nhân cách. Từ tham nhũng, mua quan chạy chức, đến chuyện nói một đằng, nghĩ một nẻo… Tôi nghĩ loài người từ khi sinh ra đã được dạy rằng hãy nói điều mình nghĩ. Nhưng có lẽ chưa bao giờ nói dối trở thành bình thường như bây giờ. Chống sự suy thoái của đời sống chính là chống sự xói mòn của nhân tính”.

Trần Văn Thủy là người may mắn được đi nhiều, với tâm thế của một người “nhà quê ra tỉnh”, ông thích quan sát đời sống dân chúng, gần gũi chuyện trò, tìm hiểu những va đập của đời sống bà con hải ngoại ở Pháp, Đức, Anh, Italia, Bỉ, Australia, Nhật, Mỹ… khám phá những xung đột ý thức hệ trong thế kỷ qua, để có thể khôi phục lại một mảng tinh thần hầu như đã vỡ nát vì chiến tranh và những năm tháng khó khăn nối tiếp, giúp cho con người từ nhiều phía hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau hơn. Những điều đó ông trút vào tác phẩm, mà mỗi thước phim người xem như đang rì rầm trò chuyện cùng người đạo diễn. Mở đầu phim Chuyện tử tế  năm 1985, ông đã viết: “Tử tế vốn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia, bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người, người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm…”. Tết vừa rồi, ông được một người bạn già cho mấy chữ trong bức thư hoạ: “Con người hoà thuận với nhau thì mãi mãi là mùa xuân”. Những người cuối đời nhìn nhau không thể nào còn nhầm lẫn được.

3. Ngoài đời, Trần Văn Thủy là một người xem trọng những việc tử tế. Ông là ân nhân của nhiều học sinh nghèo, những em bé tật nguyền, và đã chắt chiu từng đồng tiền kiếm được để xây bảy cây cầu nhỏ và xây trường học cho những nơi khốn khó.

Gần hai mươi năm qua, ông đã góp phần xây được tám cây cầu to, rộng, đẹp, bền chắc, xây trường tiểu học, trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, khu văn hoá, gần một trăm giếng bơm nước sạch, nhiều ngàn mét vuông bêtông đường làng, trợ cấp cho người nghèo và các cháu bị hậu quả chất độc da cam, xây dựng lăng mộ tổ, lập ấp, và nhiều việc khác nữa. Ông không nghĩ đó là việc từ thiện, vì hai chữ từ thiện khiến ông có cảm giác đó là sự ban ơn. Ông coi việc mình làm chỉ là chỉ là tiến hành những điều hiếu nghĩa. Bền bỉ đánh thức sự tử tế xung quanh, và ông đã trở thành một người tử tế từ bao giờ cũng không rõ nữa.

Kim Yến- Đan Anh


BOX: Nhận xét về ông, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: “Có thể nói không ngần ngại rằng anh là người làm phim tài liệu chính luận giỏi nhất nước ta. Trần Văn Thuỷ có một cái gì hơi giống Trịnh Công Sơn, bởi sự hoà quyện tuyệt vời giữa hình ảnh và lời bình, nâng giá trị của tư liệu lên rất nhiều. Một nhà văn chính luận sâu sắc trong vai trò một đạo diễn, luôn trực diện với những vấn đề nóng hổi của nhân sinh”.


BOX: Một số giải thưởng đã đạt được

Những người dân quê tôi, phim đầu tay, quay ở chiến trường khu Năm, đoạt giải Bồ câu bạc tại LHP Quốc tế Leipzig (1970). Phản bội, giải vàng LHP Việt Nam 1980, giải Đạo diễn xuất sắc. Hà Nội trong mắt ai, giải vàng LHP Việt Nam 1988, giải Biên kịch xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất. Chuyện tử tế (1985), giải Bồ câu bạc LHP quốc tế Leipzig, được báo chí nước ngoài gọi là “Quả bom đến từ Việt Nam”, được hơn 10 đài truyền hình lớn trên thế giới mua bản quyền và được chiếu rộng rãi ở châu Âu, Nhật Bản, Úc và Mỹ… Chuyện từ góc công viên, Giải vàng LHP hội Điện ảnh năm 1996. Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai (1999), giải vàng LHP châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 43, danh hiệu Chứng nhân của thế giới (Witnessing The World) của hội thảo Điện ảnh quốc tế tại New York 2003, Mỹ.

Ông được trao tặng danh hiệu “Chứng nhân của thế giới” tại hội thảo “The Robert Flaherty” dành cho 200 nhà làm phim tài liệu độc lập, tại New York (Mỹ) năm 2003.

Chú thích ảnh: Tại đỉnh đèo Hải Vân tháng 3.1988 – trên đường vào dự LHP VN-VIII ở Đà Nẵng (Từ trái qua phải: Thanh An, Phan Sơn, Trần văn Thuỷ, Phạm Cường)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link