Radamel Falcao: Một mãnh hổ không thích gầm

13/09/2014 14:04 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Khi còn là một đứa trẻ, cậu bé Radamel Falcao thường xem cha mình chơi bóng chuyên nghiệp. Và cậu ngày càng bực tức hơn khi chứng kiến ông bố chơi bóng cho nhiều đội mà đội sau thường tồi hơn đội trước. “Tôi vẫn hay xem cha tôi đá hậu vệ, và điều ấy khiến tôi thất vọng”, Falcao nói. “Tôi muốn được thấy bố ghi bàn”.

Cha đá hậu vệ, con là siêu tiền đạo

Ông Radamel Garcia từng ghi được một bàn thắng rất nổi tiếng, bàn thắng vào lưới của Millonarios, một trong ba đội thuộc “Big 3” của giải vô địch Colombia, ở Bogota. Tuy nhiên ông Radamel Garcia chủ yếu được biết đến bởi hai điều: Sự quyết liệt, và lòng tin tôn giáo. Câu đùa của thời đó: “Mỗi pha phạm lỗi là một lần cầu nguyện”.

Ông Radamel Garcia là một hậu vệ, nhưng đặt tên đệm Falcao cho con trai vì lòng mến mộ tiền vệ Paulo Falcao nổi tiếng của Brazil. Rốt cuộc, con trai của ông chơi bóng chẳng giống ông và cũng chẳng giống Falcao. Radamel Falcao Garcia Zarate là một tiền đạo, và là một tiền đạo rất giỏi.


Radamel Garcia là một hậu vệ, nhưng đặt tên đệm Falcao cho con trai vì lòng mến mộ tiền vệ Paulo Falcao nổi tiếng của Brazil

Tài năng của Falcao phát triển dữ dội. Cậu mới chỉ 13 tuổi 199 ngày khi ra mắt Lanceros Boyaca ở giải hạng Hai Colombia, tháng 8 năm 1999. Ở tuổi 14, Falcao đã chơi 7 trận cho đội bóng, một thành tích đáng nể cho một cậu nhóc tuổi teen thi đấu trong môi trường chuyên nghiệp. Nhưng cũng ngay từ đó, Falcao biết mình sẽ thành danh không phải tại quê nhà. Cậu cũng sẽ trải qua một cuộc sống du mục giống như bố cậu, và Falcao đã sẵn sàng.

Năm 2002, một bức tượng được dựng ở thành phố Santa Marta, quê hương của Falcao. Một bức tượng cao vừa 22 bước chân, làm bằng đồng và mẫu tượng có một bộ tóc xù màu vàng cực kỳ nổi bật. Đó là Carlos Valderrama, người đã chơi hơn 200 trận ở Colombia trước khi sang thi đấu cho Montpellier ở Pháp.

Thế hệ trẻ của Colombia thời đó muốn được trở thành Valderrama, giống như hàng triệu thiếu niên Brazil muốn làm Pele mới. Nhưng thời thế đã thay đổi, các cầu thủ trong nước nhanh chóng rời khỏi quê hương để kiếm ăn ở nước ngoài vì Colombia suy thoái kinh tế và bóng đá cũng đi xuống. Bà Constanza khuyên con trai mình nên ở lại trong nước, nhưng Falcao lắc đầu và ở tuổi 15, gia nhập River Plate của Argentina để nhận số tiền lót tay 500.000 USD.

Có thể nói, tuổi thơ và sự khởi đầu với bóng đá của Falcao đã làm nên con người anh như ngày nay. Một cầu thủ bóng đá du mục, Falcao tự nhận mình như vậy. Ở tuổi 28, anh đã chu du tới Argentina, tới Bồ Đào Nha, tới Tây Ban Nha, tới Monaco, và bây giờ là tại nước Anh xa lạ. Ngoại trừ tại River Plate, nơi anh làm nên tên tuổi lúc khởi nghiệp, Falcao đã không chơi quá 100 trận cho bất kỳ đội bóng nào từng dừng chân.

Một sát thủ im lặng

Là một tiền đạo ngay từ tấm bé, Falcao đã khiến những đồng đội đầu tiên của mình phải tâm phục khi ghi bàn trong một trận đấu chuyên nghiệp. Một đồng đội thậm chí còn đặt cho Falcao biệt danh “El Tigre”, con hổ, vì sự dữ dội trong khi chơi bóng.

Thế nhưng con người của Falcao lại hết sức trầm lặng, và sự trầm lặng ấy cũng thể hiện cả trên sân. Falcao là một mãnh hổ không thích gầm, không nói không cười, ngay cả trước những câu chửi của đối phương. Những cầu thủ Nam Mỹ luôn dùng những từ ngữ bẩn nhất để khiến đối thủ mất thăng bằng tâm lý, và chỉ những kẻ trơ như tượng gỗ trước những tiểu xảo ấy mới có thể thành công. Một mãnh hổ không thích gầm nhưng những cái tát thì cực kỳ dữ dội.

Con người của Falcao hết sức trầm lặng

Là con trai của một người theo đạo, Falcao rất sùng đạo và đi nhà thờ thường xuyên. Khi anh chấn thương trong một lần lên tuyển U-17, ông Radamel Garcia đã đưa anh cuốn Kinh thánh. “Tôi tin vào Đức Jesus và lối sống của Người”, Falcao nói. Tại nhà thờ, anh đã gặp cô Lorelei Taron, một nữ danh ca người Argentina. Họ kết hôn năm 2007 và có một con gái.

Phiên bản của Van Basten

Cuộc sống của Falcao sạch bóng scandal tới mức một phóng viên người Argentina, Juan Pablo Varsky, đã nói rằng nếu cánh săn tin muốn kiếm ăn dựa vào Falcao thì “cả đám sẽ chết đói hết”. Vì thế mà chuyện Falcao nhập nhèm tuổi tác khiến nhiều người bất ngờ, nhưng anh chỉ nhún vai phủ nhận rồi lại tiếp tục cuộc sống của mình.

Có lẽ điều đó giải thích vì sao Falcao có một phong độ rất ổn định. Cứ mùa nào chơi hơn 20 trận cho CLB, Falcao luôn kết thúc với không dưới 16 bàn. Anh ghi bàn bằng mọi hình thức, cả hai chân và bằng đầu, cả bóng sống lẫn cố định, cả dắt bóng đột phá lẫn bắt volley một chạm. Daniel Pasarella, người hùng đầu tiên của Argentina ở World Cup, đã coi Falcao là một phiên bản của Marco Van Basten.

Thứ duy nhất có thể ngăn cản Falcao là chiếc đầu gối, khi anh bị chấn thương ở Monaco. Van Basten đã phải giải nghệ năm 29 tuổi vì một cái đầu gối như vậy…

Nhập nhằng tuổi tác và nơi sinh

Câu chuyện về tuổi tác và nơi sinh của Radamel Falcao đã được soi khá nhiều kể từ năm 2013, khi anh chuyển sang chơi bóng cho Monaco. Tờ đăng ký dân sự cũ của Falcao có ghi anh sinh năm 1984 thay vì 1986, tức Falcao năm nay đã 30 tuổi nếu thông tin đó chính xác. Theo tờ báo Noticias Uno của Colombia, một trong những trường tiểu học Falcao đi học đã khẳng định anh sinh ngày 10/2/1984, và bài viết còn khẳng định Falcao sinh ra tại thủ đô Bogota chứ không phải Santa Marta. Gia đình Falcao đã cho đó là sự sai lệch từ bài báo lẫn trong quá trình làm thủ tục hành chính, còn Falcao đã gửi đi một bản copy giấy khai sinh chứng minh mình sinh năm 1986.

Điều này liệu có quan trọng? Có, bởi Manchester United sẽ chỉ lấy được 2-3 năm đỉnh cao của Falcao (nếu anh chơi bóng với phong độ ấy) thay vì 4-5 năm như họ kỳ vọng. Dù vậy điều này vẫn chỉ là thứ yếu so với một mối lo khác của Quỷ đỏ, đó là cái đầu gối của tiền đạo người Colombia.


Nguyễn Đỉnh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link