Yêu nước

23/05/2014 08:10 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Một tuần dậy sóng khắp nơi bởi sóng lớn từ ngoài biển Đông, bởi cái việc Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào xâm phạm vùng biển Việt Nam.

Vỉa hè cũng thành nơi dậy sóng. Chỉ có điều là những con sóng khác với ngày thường. Không thấy mấy cái chuyện giá sữa, nước máy thủ đô không đủ tiêu chuẩn sạch được các vị khách uống nước nói đi nói lại nữa. Cơm áo gạo tiền bỗng dưng thành chuyện nhỏ, một khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm.

Hôm nay trên vỉa hè, người ta nói về lòng yêu nước. Từ bà bán cá bán rau ngoài chợ, từ bác xe ôm đến cô giúp việc gia đình. Ai cũng có thể bàn luận về chuyện ta chuyện Tàu. “Quốc tế họ không để yên đâu”, đi lướt qua đầu phố thấy bác xe ôm khẳng định chắc như đinh đóng cột với đồng nghiệp đứng bên cạnh. Những người lao động giản đơn yêu nước một cách giản đơn. Họ không xét nét xem ai yêu nước hơn ai, khẩu hiệu của ai vô tư hơn ai, ai yêu nước quốc doanh, ai yêu nước cơ hội, họ không ôm bàn phím làm anh hùng. Họ nói về lòng yêu nước như đương nhiên và nhẹ nhõm. Chẳng hạn, như bà chủ quán: Tôi phải trông hàng không đi, nhưng nếu đoàn biểu tình đi qua quán nước của tôi mà có cần nước uống thì một xu tôi cũng không lấy. Người ta hô khẩu hiệu chống quân bành trướng khô cả cổ, người ta nói hộ cái lòng mình, lấy tiền thì còn ra cái thể thống gì nữa.

 Yêu nước, có nhiều cách. Mà như bà chủ quán nước, để bày tỏ  lúc này, ngoài câu chuyện trên, cũng còn những cách khác không khó lắm. Bà cất đi hết những gì có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hóa ra cũng không ít, nồi cơm điện, điện thoại, quạt máy, lại còn hoa quả mấy hôm nay mang về định bán do trời nóng, cam, dưa, táo lê, bỏ thì thương... nhưng bỏ là bỏ. Cái gì chưa có tạm không dùng. Mấy hôm nay, chợ nào cũng vậy, đồ chơi quần áo rau củ, hoa quả, đồ gia dụng Made in China lâm vào cảnh ế ẩm. Tất nhiên, cũng chẳng bỏ hết được đâu, chỉ cố gắng bớt đi, bớt dần đi, thay dần bằng những đồ gia dụng và nông sản Việt Nam sản xuất trong nước. Ở thành phố còn cương quyết nói không với hàng hóa Trung Quốc được, chứ ở nông thôn thì chẳng dễ. Cứ từng bước một, người mình yêu hàng Việt Nam sản xuất, để kinh tế mình mạnh dần lên, thì nói về lòng yêu nước dễ hơn.

Mà, tôi vừa bảo con cháu tôi đấy, bà chủ quán nói tiếp: đi học phải tập hát Quốc ca cho tử tế. Ai đời bây giờ tôi mới biết Bộ GD&ĐT vừa ban hành một cái chỉ thị hẳn hoi, số 1537/CT - BGDĐT, quy định các tổ chức Đoàn, Đội, Hội sinh viên cũng như các tổ chức đoàn thể khác trong các nhà trường phải cho học sinh, sinh viên tập hát Quốc ca, đảm bảo 100% học sinh, sinh viên hát đúng nhạc và lời Quốc ca. Lâu mình ngồi vỉa hè, có dự cuộc nào chào cờ hát Quốc ca đâu. Nhưng vẫn thuộc từng lời, như hồi bé đi học. Cứ tưởng Quốc ca ai cũng phải thuộc chứ, hóa ra lâu nay lễ chào cờ người ta mở nhạc bật sẵn. Nên chắc thanh niên, thiếu niên không thuộc Quốc ca, giờ phải tập lại. yêu nước mà không thuộc Quốc ca thì còn gì là yêu nước...

Đấy, cái sự yêu nước trên vỉa hè rất dễ chịu và yên lành. Hễ mà bỏ ngay được thì bỏ hàng Trung Quốc đừng dùng và nhắc con cháu tập hát Quốc ca. Chẳng cần lên gân lên cốt lắm, mặc dù mỗi khi đất nước có biến động, thiệt thòi đầu tiên phải gánh chính là họ, những người dân trên vỉa hè.

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link