23/11/2015 13:43 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị, mới rồi, những điều cơ bản nhất của Hiến pháp Italy đã được đưa vào một truyện thiếu nhi. Cuốn sách được ra mắt trong một buổi lễ rất giản dị ở Thượng viện Italy, với sự có mặt của Chủ tịch Thượng viện, ông Pietro Grasso và gần 100 học sinh lớp 1, 2 của một số trường tiểu học của thủ đô Rome.
Đấy là một cuốn sách đặc biệt, không phải để bán, mà là quà của Quốc hội Italy tặng các trường học trong cả nước. Qua lời kể của Geronimo Stilton, tên của chú chuột nổi tiếng trong serie sách về cuộc sống của loài chuột ở thành phố Topazia, những điều cơ bản của Hiến pháp Italy được thể hiện một cách dễ hiểu, chân thật và sinh động, có khả năng thu hút trẻ em, bởi sách được viết bằng giọng của chúng và có rất nhiều hình minh họa.
Cuốn sách có tựa đề “Hiến pháp Italy cho trẻ em” có hai phần, một với 12 điều cơ bản của Hiến pháp Italy, đồng thời giải nghĩa một cách rất dễ hiểu và gần gũi với trẻ những điều không hề đơn giản như “dân chủ”, phần kia giải thích về Công ước về quyền trẻ em.
Trong buổi ra mắt sách, Chủ tịch Thượng viện Pietro Grasso nhắc đến hai điều cơ bản trong Hiến pháp Italy được thể hiện qua lời kể của Geronimo Stilton. Đó là điều 2 và 3 của Hiến pháp, quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân, và quy định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
“Tất cả các cháu đều sẽ có một vai trò trong xã hội”, ông nói, được trích dẫn trên báo chí Italy, “Các cháu có thể trở thành kỹ sư, nhà du hành, bác sĩ, thợ cơ khí, thẩm phán, công nhân, doanh nhân, cầu thủ, nhà báo, chính trị gia và rất nhiều nghề khác nữa. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, các cháu cũng không được quên những quyền mà các cháu được hưởng, nhưng phải nhớ trách nhiệm mà các cháu phải thực hiện”.
Được tạo ra bởi nhà văn nổi tiếng Elisabetta Dami, Geronimo Stilton không phải là một cái tên bình thường ở Italy. Serie về chú chuột đã trở thành một trong những tác phẩm văn học cho thiếu nhi nổi tiếng nhất của Italy và thế giới hiện tại, được dịch ra 45 thứ tiếng và bán được 115 triệu bản trên toàn cầu.
Quốc hội Italy tin rằng, thông qua chú chuột rất được trẻ em yêu mến ấy, Hiến pháp có thể đến được với trẻ em bằng ngôn ngữ của chúng, và hy vọng qua đó, chúng sẽ dần hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình một cách cơ bản nhất. Không ngạc nhiên khi cuốn sách được báo chí Italy mô tả là thành công, được bọn trẻ đón nhận, được hàng trăm trường học trên cả nước đăng ký nhận. Giờ thì các giáo viên đã có một công cụ tuyệt vời để dạy bọn trẻ về luật pháp, đất nước và xã hội cũng như chính bản thân lũ trẻ.
Đưa các nội dung của pháp luật vào chương trình học như thế nào, sao cho học sinh, nhất là những đứa còn rất ít tuổi, cảm thấy ham mê và chịu khó tìm tòi, để rồi từ đó hiểu thêm về quyền và nghĩa vụ của chúng đối với xã hội, là một điều không hề đơn giản. Nhưng ở đây, người ta đã làm được, và không chỉ lần này. Những điều cơ bản nhưng rất khó truyền đạt ấy được dạy cho bọn trẻ ở trường, bên cạnh những kiến thức khác liên quan đến kỹ năng sống.
Con gái tôi và bạn nó đã nhiều lần nói đến những giờ học về những điều tưởng chừng như khô khan, khó hiểu ấy trong những giờ học rất vui vẻ ở trường chúng. Và như một lẽ tự nhiên, tôi đặt ra câu hỏi, tại sao họ làm được những điều như thế, còn ta thì chưa và những giờ giáo dục công dân ở lớp luôn là một hình thức dạy áp đặt, nặng nề và thụ động.
Vấn đề ở chỗ, có lẽ người lớn luôn cho rằng, bọn trẻ quá bé và không đủ khả năng tri thức theo độ tuổi để lĩnh hội những điều mà họ cho là “to tát” và “hệ trọng”. Và việc truyền cho chúng những kiến thức cơ bản về quyền và nghĩa vụ của chúng trở nên khó khăn hơn bởi tư duy “người lớn”.
Ngay cả những việc rất đơn giản khác cũng trở nên phức tạp, nhất là trong bối cảnh, nỗi sợ của cha mẹ trước một xã hội có quá nhiều vấn đề và một cuộc sống đầy bất trắc khiến họ càng trở nên bao bọc bọn trẻ.
Nỗi sợ đủ thứ của cha mẹ khi con còn nhỏ, như sợ nước, sợ gió, sợ đất bẩn, sợ không khí bên ngoài, cho đến nỗi sợ khi con đã lớn, một nỗi sợ lớn lao hơn nữa, bởi chúng đã được tiếp xúc với xã hội và đã bắt đầu chịu những tác động của thế giới bên ngoài, kết hợp cùng với sự xơ cứng và áp đặt trong cách dạy của nhà trường về những vấn đề không mang tính tri thức, mà về xã hội và các quyền cơ bản của con người, đã khiến những đứa trẻ lớn lên trở thành “gà công nghiệp” và không hiểu được chúng được làm những gì, được pháp luật bảo vệ như thế nào.
Và người ta còn muốn những đứa trẻ tiếp tục làm trẻ con nữa, khi đưa ra dự luật muốn nâng tuổi trẻ em từ 16 lên 18. Bao giờ chúng mới được cho lớn và thoát khỏi nỗi sợ hãi của chúng ta, khi thay vì tạo điều kiện cho chúng lớn, ta chỉ tìm cách bao bọc chúng và nghĩ là chúng còn chưa đủ khả năng để chuẩn bị ra đời.
Lại nghĩ đến việc có lần con gái về nhà kể, bọn trẻ lớp 6 của nó đã được bàn luận về những vấn đề của thế giới, từ chiến tranh ở Syria, những mối đe dọa từ IS, được giao bài tập viết thư cho các chính trị gia trên thế giới để thể hiện mong ước hòa bình, mà lại nghĩ đến lũ trẻ ở mình. Bọn trẻ viết những lá thư cho Giáo hoàng, cho Thủ tướng Italy, cho Tổng thống Mỹ, nói lên những gì chúng nghĩ.
Những lá thư ấy sẽ không được gửi đi cho ai hết. Chúng cũng chẳng cần quan tâm. Chúng cứ viết, bởi giáo viên đã cho chúng thể hiện những gì chúng muốn mà không hạn chế. Bằng một bài tập nhỏ (không chấm điểm), người ta đã cho trẻ quyền thể hiện quan điểm của mình.
Tôi cứ mong một ngày nào đó, được thấy các cháu nhỏ viết về những gì chúng thích trong các bài tập liên quan đến những điều cần cảm nhận mà không theo bất cứ suy nghĩ cố định và áp đặt nào từ giáo viên, mong một lúc nào đó, những quyền và nghĩa vụ cơ bản của một người công dân được dạy cho bọn trẻ từ khi chúng còn bé tí như mấy đứa ở Italy, trong một cuốn truyện thiếu nhi kiểu Geronimo Stilton.
Hẹn gặp lại quý anh chị trong các thư sau.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất