Không để mất di tích văn hóa - lịch sử Ba Son

01/12/2012 14:03 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, Bảo tàng Tôn Đức Thắng TP.HCM đã tổ chức buổi họp mặt, trao đổi với chủ đề Di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Di sản văn hóa để chuẩn bị cho các hoạt động chào mừng kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng vào năm 2013. Nhiều vấn đề đã được đặt ra trong dịp này, trong đó, nổi cộm là việc bảo tồn Khu di tích Xí nghiệp liên hiệp Ba Son.

Đến dự cuộc họp mặt có các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học, những người có nhiều năm gắn bó với hoạt động của Bảo tàng Tôn Đức Thắng.



Quang cảnh buổi họp mặt tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng.

Được biết, trong thời gian qua có thông tin về Dự án Quy hoạch xây dựng khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son ở bờ Tây sông Sài Gòn. Theo đó, một điểm di tích gắn liền với Chủ tịch Tôn Đức Thắng có nguy cơ bị xóa sổ.

Đại tá Ngô Long Minh, nguyên Tổng Giám đốc Xí nghiệp liên hiệp Ba Son cho rằng, cần phải giữ nguyên trạng Xí nghiệp liên hiệp Ba Son bởi đây là một nhà máy có lịch sử lâu đời, là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam và là nơi Bác Tôn từng làm việc. Không bảo tồn được di tích này sẽ là một mất mát vô cùng to lớn.

Đầu tháng 11 vừa qua, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã có công văn gửi Sở VH,TT& DL TP.HCM về việc bảo tồn di tích khu vực Ba Son nhằm đề nghị khẩn trương xây dựng bộ hồ sơ trình Bộ VH,TT&DL xếp hạng Ụ tàu lớn và các công trình có liên quan là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Đồng thời nghiên cứu, báo cáo UBND TP.HCM đề nghị Bộ chấp thuận cho xây dựng hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với cụm di tích Xưởng cơ khí Ba Son, Ụ tàu lớn và các di tích liên quan trong khu vực này.



Ụ tàu tại xí nghiệp liên hiệp Ba Son (Nguồn: Internet).

Bên cạnh đó, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đồng tình với chủ trương của UBND TP.HCM và Bộ Quốc Phòng về việc xây dựng Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son theo phương châm gắn bảo tồn với di tích lịch sử - văn hóa với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Và, đứng về nguyên tắc phải giữ nguyên trạng, phục hồi toàn bộ yếu tố cấu thành di tích như vốn có của di tích Xưởng cơ khí Ba Son và Ụ tàu lớn.  

“Hiện nay có một số ý tưởng, dự án xây dựng khu thương mại phức hợp Ba Son - Sài Gòn và cũng có ý tưởng phá bỏ Ụ tàu lớn, thay vào đó là sẽ làm mô hình đem trưng bày trong xưởng cơ khí. Làm như thế là vi phạm Luật Di sản văn hóa” - Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở VH,TT& DL TP.HCM nói.

Bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng khẳng định: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ, bổ sung, cung cấp thêm tài liệu để phục vụ cho hồ sơ xếp hạng Ụ tàu và Xưởng cơ khí. Chúng tôi mong muốn góp sức mình vào để giữ gìn di tích, nơi đã in dấu ấn cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn”.

Nhiều hoạt động chào mừng 125 năm ngày sinh Bác Tôn

Năm 2013 sẽ là năm kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác Tôn đồng thời kỷ niệm 25 năm thành lập Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của Bảo tàng là sẽ rà soát lại toàn bộ hệ thống trưng bày cố định. Trong đó, phần trưng bày về cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng sẽ được ưu tiên chỉnh lý và khánh thành vào đúng dịp sinh nhật của Bác Tôn.

Trong dịp này, Bảo tàng cũng sẽ khánh thành phòng trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp Bác Tôn Đức Thắng tại di tích nhà tù Côn Đảo - nơi Bác Tôn bị địch giam cầm 15 năm (1930 - 1945). Tổ chức Trại sáng tác Về nguồn dành cho các em thiếu nhi, trại sáng tác sẽ diễn ra trên chính quê hương của Bác Tôn (cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang).

Bên cạnh đó, Bảo tàng còn tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo khoa học và đang gấp rút sưu tầm bổ sung tài liệu hiện vật về Bác Tôn từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2.

Anh Đức - Yến Hoa

Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link