21/06/2015 14:25 GMT+7 | Chelsea
(Thethaovanhoa.vn) – Cây viết nổi tiếng về bóng đá Tây Ban Nha, Sid Lowe, đã đưa ra một góc nhìn rất thú vị về khả năng hai cựu tiền đạo của Atletico Madrid tái hợp tại Chelsea khi Jose Mourinho đang muốn đưa Radamel Falcao tới Stamford Bridge...
Bóng lăn ở gần giữa sân trước khi tới chân Radamel Falcao. Anh chống lại sự truy cản của Raul Albiol, vê bóng vòng qua hậu vệ người Tây Ban Nha. Anh lách qua Sami Khedira, lần thứ hai né Albiol và thực hiện một đường chuyền hoàn hảo vào vị trí đã định trước. Ở thời điểm đó, Diego Costa đang băng xuống, vượt mặt Fabio Coentrao, đỡ bóng một nhịp trước khi tung cú nã đạn hơn 24 mét chìm vào góc xa.
Atletico Madrid khi ấy đã giành Cúp Nhà Vua ngay tại Santiago Bernabeu. Một trong những đêm ấn tượng nhất lịch sử CLB đã được ghi nhận. Đó là lần đầu tiên họ đánh bại Real Madrid suốt kể từ 1999. 14 năm và 25 trận derby, và cuối cùng họ làm được trong một trận Chung kết, lại diễn ra ngay tại “nhà” của đối thủ. Trên khán đài, người ta nói rằng đó là trận đấu tuyệt nhất của Atletico. Dưới sân, Falcao và Costa cùng giương cao chiếc cúp.
Đó là hai năm trước. Tới nay, Diego Costa đã ra sân cho Tây Ban Nha trong World Cup Brazil 2014, sau khi đã khoác áo Brazil. Anh cũng có mặt trong một trận Chung kết Champions League, dù chỉ là ít phút. Anh có thêm hai danh hiệu ở hai quốc gia khác nhau, trong đó cả hai lần anh là chân sút tốt nhất giải. La Liga và Premier League in đậm dấu chân Costa.
Còn Falcao thì sao? Tốt nhất nếu có gặp, bạn đừng hỏi anh ta câu này.
Rời Atletico, Falcao đã có những năm rất khó khăn
Bởi đó là những năm khó khăn của Falcao, người ám ảnh về những bàn thắng đến nỗi, nếu đưa cho anh ta một tờ giấy và một cái bút, anh ta sẽ ghi lại hết từng bàn. Vì anh ta nhớ hết. Nhưng hai năm qua thì số lượng để nhớ thật là ít. Trước đó ư: 72 bàn trong 87 trận cho Porto, 70 bàn trong 91 trận cho Ateltico; qua đó giành 2 chức vô địch Europa League liên tiếp, ghi bàn trong cả 2 trận Chung kết. Còn hai năm qua? 15 bàn tại các giải VĐQG tổng cộng. Anh không đá quá nhiều trận, nhưng 17 ở Monaco và 29 ở Manchester United có lẽ đòi hỏi nhiều bàn thắng hơn.
Một chấn thương đầu gối có thể hủy hoại mọi “số 9” hay nhất thế giới, dù đó có là người mà Diego Simeone – đồng đội cũ tại Argentina và HLV tại Tây Ban Nha – luôn coi như một mũi công đáng sợ. Có một khoảnh khắc đơn giản, chân thật mà nói lên hết những gì Simeone nghĩ về Falcao. Khi mọi người đang ăn mừng chức vô địch Europa League, Simeone lấy điện thoại ra gọi cho các con. Một đoạn đối thoại được ghi lại trên camera truyền hình: Simeone hỏi con trai rằng “Con thấy Falcao chưa? Quá tuyệt!”.
Bất chấp quyết định gia nhập Monaco của anh ta tệ hại đến đâu (dù đó có là quyết định của anh hay không) thì chấn thương đầu gối cũng thật tàn ác với một cầu thủ như Falcao. Anh không phải mẫu cầu thủ hoàn toàn dựa vào bản năng, cảm giác tự nhiên hay tài năng thiên bẩm, mà là bởi sự quyết tâm cực lớn và nỗ lực trong từng động tác. Khi bỏ lỡ World Cup mùa hè trước, anh thừa nhận: “Trái tim tôi bị hủy diệt rồi”. Cái đầu gối cũng thế: lần thứ ba anh lên bàn mổ. “Nếu cậu ta có mặt thì chắc Colombia sẽ ăn mừng chức vô địch thế giới đầu tiên” – Diego Maradona nhận xét.
Có lẽ là một sự cáo buộc quá đà, nhưng Monaco có lý do để chỉ trích Louis van Gaal là người “như thể quỷ dữ”. Van Gaal vui mừng khi mang về chân sút Colombia, nhưng sau đó lại lớn tiếng yêu cầu anh ta phải tự khẳng định bản thân để được trao cơ hội. Dĩ nhiên ông ta có một phần đúng, bởi khi được trao cơ hội, Falcao chưa từng thể hiện được rằng anh xứng đáng với chúng.
Có lẽ anh sẽ lại có cơ hội tại Stamford Bridge. Một thương vụ tới Chelsea nghe cứ như thể một điệp vụ giải cứu, nhưng có những HLV không bao giờ màng tới chuyện “từ thiện” chuyên môn. Jose Mourinho chắc chắn đã nhìn thấy những giá trị của Falcao.
Luôn có một niềm tin không điều kiện cho những cầu thủ khát khao hồi sinh bản thân. Đi kèm với đó là một sự đánh cược. Nhưng Mourinho (người có chung đại diện với Falcao) sẽ phải nắm rõ về thể trạng và tính cách của cầu thủ ông muốn sở hữu. Ông sẽ phải hiểu rằng Falcao là cầu thủ có sự thông minh và cảm quan vị trí nhạy bén, chứ không phải mẫu “trâu đất”. Biệt danh của anh ta là “El Tigre” – “Hổ”: một loài săn mồi đôi khi tạo cảm giác lừ đừ nhưng đáng sợ và chết chóc khi lao tới mục tiêu. Falcao là thế, đúng lúc, đúng chỗ và làm đúng những gì cần làm.
Nếu nói chuyện với Falcao, bạn sẽ lắng nghe được về việc khi nào thì khoảng trống mở ra, điều gì sẽ diễn ra sau đường chuyền đang được thực hiện và cả đường chuyền sau đó. Bạn sẽ thấy được một cái nhìn thoáng qua nhưng thú vị về cách Falcao tư duy. Lối chơi của anh ta là thành quả của sự suy tính và hoàn thiện từng bước. Cú dứt điểm của anh ta được toan tính và định sẵn để hiệu quả tối đa. Có những tiền đạo không bao giờ nghĩ tới cơ hội thứ hai, mà chỉ muốn tận dụng cơ hội duy nhất.
Câu hỏi đặt ra là liệu Falcao có hòa nhập được với môi trường mới không. Điều này đã được đem ra bàn luận khi anh tới Manchester United. Kết quả đã rõ. Giờ thì anh sẽ gặp lại một người đồng đội cũ, nhưng đó không còn là ngày diễn ra Chung kết Copa del Rey năm nào, không còn là Falcao và Costa năm nào nữa.
Dĩ nhiên rồi. Falcao đã già đi, cơ thể anh đã tàn tạ hơn. Những nỗi lo về thể trạng luôn hiển hiện. “Cậu ta khỏe mà” – HLV trưởng của Colombia, ông Jose Pekerman sẽ nói. Nhưng trong tâm lý, mọi thứ cũng rất khó khăn với anh. Falcao và Costa cũng đã thay đổi cả về vai trò, về tầm vóc. Họ có thể sẽ không bao giờ chơi bóng như xưa nữa, nếu cùng có mặt bên nhau.
Trong mùa giải cuối cùng cho Atletico, Costa ghi 27 bàn, trong vai trò “số 9” mà chính Falcao để lại. Diego Simeone thậm chí đã nhìn ra khả năng của Diego Costa trước khi chính Costa nhận ra. Ông là người đã thuyết phục rằng anh có thể trở thành một cây săn bàn hàng đầu, trở thành người thay thế Falcao. Thế là Costa – người đã chuyển từ chạy cánh sang hộ công – trở thành trung phong của đội.
Costa đã "tiến hóa" kể từ ngày chia tay Falcao
Nói tóm lại, Costa là một người khác với Falcao. Thậm chí là ngược lại. Costa không luồn lách, mà lao thẳng vào các hậu vệ, luôn nỗ lực dứt điểm dù có thể nỗ lực đó không đi đến đâu. Đó là một cầu thủ trực diện hơn, người tạo ra khí thế, người muốn có mọi quả bóng.
Trong khi Falcao ghi 28 và 24 bàn khi gắn bó với sân Vicente Calderon, Costa chỉ có 10 bàn ở mùa đầu tiên chơi cùng đàn anh Colombia. Anh không có những con số ấn tượng làm nền như Falcao – thành tích trong các mùa trước đó của Costa lần lượt là 10, 6, 8, 9 và 5 bàn.
Có thể Mourinho muốn Falcao trở thành phương án dự phòng cho Costa, một người sẽ ghi bàn khi được trao cơ hội. Mượn anh về, ông không quá lo về gánh nặng tài chính và Falcao thì dĩ nhiên không thiếu quyết tâm. Mối quan hệ với người đồng đội cũ thì vẫn còn nóng hổi.
Mourinho có thể sẽ muốn họ cùng ra sân trong một vài thời điểm. Còn không thì sao, Costa hay Falcao? Việc họ không tỏa sáng cùng nhau ở Atletico là tương đối rõ ràng – khó có thể kỳ vọng cả hai cùng ghi trên 20 bàn/mùa.
Nhưng khi họ cùng tỏa sáng thì đó là một thời điểm mang tính quyết định, hẳn rồi. Falcao là chân sút tốt nhất mùa 2012-13 của Atletico, nhưng Costa mới là người tung cú dứt điểm quyết định để mang về trận derby chiến thắng lịch sử. Liệu họ có thể chơi bên nhau như 2013?
28 & 10 Trong màu 2012-13, Falcao ghi 28 bàn cho Atletico Madrid trong khi Costa chỉ ghi 10 bàn. 47 Khi được làm “nhân vật chính” tại Atletico và Chelsea, Costa đã ghi tổng cộng 47 bàn trong hai mùa gần nhất. 4 Falcao đã ra sân 29 lần cho Man United mùa trước, chỉ ghi được 4 bàn. |
Vu Chân
Biên dịch
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất