15/08/2012 13:40 GMT+7 | Đức
Thay máu
Đội tuyển Argentina đã thay máu thực sự, chỉ giữ lại các nhân tố thực sự quan trọng, như thủ môn Sergio Romero, tiền vệ Javier Mascherano và tiền đạo Lionel Messi. Giờ thì họ trẻ trung hơn và được xây dựng dựa trên sự phù hợp với hệ thống họ chơi, chứ không phải dựa trên tên tuổi. Vì thế, Carlos Tevez đã bị loại, và bắt chính cho Argentina hiện tại là một thủ môn của Sampdoria (Romero), cặp trung vệ là sự kết hợp của Sporting Lisbon (Garay) và Napoli (Fernandez), trấn giữ trung tâm là một tiền vệ của Valencia (Fernando Gago) và tiền vệ cánh phải Jose Sosa của họ chỉ đá cho Melalist Kharkiv (Ukraina).
Đức (áo sẫm) đã đánh bại Argentina ở lần đối đầu gần nhất giữa hai đội tại tứ kết World Cup 2010
Hai năm trước thì ngược lại, Argentina của Maradona chọn cả những cầu thủ không có phong độ thật sự tốt (như cặp trung vệ Demichelis – Burdisso), hoặc cá tính đến độ phá hỏng đoàn kết đội ngũ (Tevez), và bất chấp sự cân bằng của đội bóng (họ đã sử dụng đến 4 tiền đạo trong thất bại 0-4 trước Đức cách đây hai năm).
Đội tuyển Đức thì “thay máu” ở riêng trận giao hữu này, thiếu cả đội trưởng Lahm và đội phó Schweinsteiger, cũng như chân sút số một Gomez vì các lý do khác nhau (xem khung lực lượng). Tất nhiên là trên thực tế, họ hoàn thiện và cũng trẻ trung hơn, có nhiều cầu thủ đã tiến bộ lên đẳng cấp thế giới chỉ trong hai năm, như Neuer và Oezil chẳng hạn. Nhưng trong trận đấu cụ thể này, họ thua kém Argentina đã nhận thức được sự hợp lý trong bố trí con người. Quan trọng hơn, hai cầu thủ hay nhất của Argentina là Messi và Aguero đều xuất trận.
Lối chơi: Argentina lột xác, Đức giảm hiệu suất
Hai năm trước, Argentina gần như chơi với 4 tiền đạo là Di Maria, Messi, Carlos Tevez và Gonzalo Higuain. Diego Maradona không những bố trí một đội hình không cân bằng, mà lối chơi của Argentina dưới bàn tay ông cũng rất thô sơ và lạc hậu, quá chú trọng rê dắt cá nhân. Ngược lại, Đức chơi rất khoa học dựa trên khả năng tổ chức xuất sắc, vận hành hệ thống 4-2-3-1 cân bằng và có thể xoay sang 4-3-3 hoặc 4-5-1 tùy theo tình hình một cách uyển chuyển.
Dưới bàn tay HLV Sabella, Argentina đang vận hành một hệ thống rất “châu Âu” (nhưng là châu Âu kiểu cổ điển) là 4-4-2, có ưu điểm là tạo ra sự cân bằng tuyệt đối. Nhưng Argentina có trong tay những báu vật mà các đội châu Âu không có để tạo ra đột biến: Bộ đôi tiền đạo của họ là Messi – Aguero. Ông Sabella xây dựng một cái nền vững chắc cho cả hai phát huy tối đa sức tấn công của họ, và Argentina lột xác.
Đức đã tiến bộ rất nhanh với lối chơi khoa học trong vòng hai năm qua, nhưng đôi khi hệ thống của họ vẫn bộc lộ sự mong manh và điều này đã xảy ra thường xuyên hơn trong vòng hai năm qua. Các cầu thủ Argentina vốn chơi rất “quái” và được tổ chức tốt hơn dưới thời Sabella có thể là khắc tinh của người Đức, nhất là một đội tuyển Đức mất 5 trụ cột như ở trận giao hữu này, sẽ giảm hiệu suất lối chơi của họ đi rất nhiều.
Giải quyết vấn đề sau hai năm
Vấn đề của Đức sau hai năm mới được phát hiện: Một đội bóng tấn công trẻ trung và sáng tạo, bắt mắt hơn hẳn so với truyền thống của nền bóng đá này, nhưng mong manh và khó đạt đỉnh cao hơn. Ngược lại, Argentina đang giải quyết tốt một bài toán mà họ từng loay hoay trong nhiều năm: Lionel Messi. Hai trận giao hữu gần đây, thắng Brazil 4-3 vào tháng Sáu và thắng Thụy Sĩ 3-1 vào tháng Hai, anh đều lập hat-trick.
Phong độ tuyệt diệu ấy chưa được kiểm chứng ở một giải đấu chính thức, nhưng nếu anh lại tỏa sáng và ghi bàn giúp Argentina vượt qua Đức, thì việc giải quyết vấn đề này lại đạt được một thành tựu mới, vì bước qua một nỗi ám ảnh lớn của thất bại 0-4 cách đây hai năm không hề là chuyện đơn giản, dù đây chỉ là một trận giao hữu.
Nhưng chỉ thế là đủ để Argentina yên tâm hơn cho chặng đường phía trước. Còn Đức vẫn đang phải đặt ra những nghi vấn về sự đánh đổi giữa một cuộc cách mạng tấn công và sự suy thoái về mặt bản lĩnh, cũng như văn hóa chiến thắng.
Bài học còn hơn chiến thắng
Ông Sabella có lẽ sẽ càng yên tâm hơn với những lựa chọn nhân sự khiêm tốn, nhưng phù hợp của mình, nếu Argentina lại chiến thắng. Nhưng ông cần thêm các phương án thay thế nếu Messi và Aguero không tỏa sáng, vì dẫu sao thì quá phụ thuộc vào cảm hứng của hai cầu thủ cũng là không tốt, và 4-4-2 thực sự là một sơ đồ cân bằng, nhưng lại xơ cứng.
Đức sẽ cần thử lửa thêm cho đội hình B của họ, để trui rèn hơn về mặt bản lĩnh, trước một đội tuyển hàng đầu thế giới và ngôi sao hay nhất của họ, Messi. Nhất là khi Argentina đang có phong độ tốt và chơi với thái độ rất nghiêm túc ngay cả ở các trận giao hữu, nhờ sự cẩn trọng và tỉ mỉ của ông Sabella. Một số vị trí sau khi được cọ xát có thế chiếm luôn suất đá chính, như trung vệ Matt Hummels và tiền đạo Andre Schuerrle.
Chính vì thế, chiến thắng là tốt, nhưng bài học rút ra còn tốt hơn, với một trận giao hữu. Argentina nghiêm túc hơn, chín chắn hơn sau hai năm và hoàn toàn có thể chiến thắng, nhưng người Đức lại có cơ hội để rút ra nhiều bài học sau trận đấu này.
Lực lượng Đức thiếu Mario Gomez (phẫu thuật mắt cá), Bastian Schweinsteiger (tập hồi phục), Philipp Lahm (về “hộ đê” chờ con trai thứ hai), Per Mertesacker và Lukas Podolski (ở lại Arsenal để chuẩn bị cho mùa giải mới). Manuel Neuer rút khỏi danh sách tập trung vào giờ chót Argentina đầy đủ lực lượng Đội hình dự kiến Đức: Zieler - Boateng, Hummels, Badstuber, Schmelzer - Khedira, Kroos - Mueller, Oezil, Schuerrle - Klose. Argentina: Romero - Zabaleta, Fernandez, Garay, Rojo - Sosa, Mascherano, Gago, Di Maria - Messi, Aguero. 25 Trừ Miroslav Klose, không cầu thủ nào trong danh sách triệu tập lần này của đội tuyển Đức quá 25 tuổi. 2 Hai đội đã gặp nhau ở tứ kết hai kỳ World Cup gần đây, và người Đức đã toàn thắng. Jens Lehnmann là người hùng của đội Đức ở World Cup 2006, với sự xuất sắc trong loạt penalty. Năm 2010, Bastian là người chơi hay nhất trong trận Đức đè bẹp Argentina 4-0. 3 Lionel Messi đã ghi hai hat-trick ở hai trận giao hữu gần đây của Argentina, trước Brazil vào tháng Sáu và Thụy Sĩ vào tháng Hai. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất