Thị trường chứng khoán có 'sợ' tháng Ngâu?

30/07/2022 19:42 GMT+7 | Tin tức 24h

Bước sang tháng 8, cũng trùng vào tháng 7 Âm lịch, theo quan niệm đây còn gọi là tháng Ngâu là thời điểm kém may mắn. Do đó, giới kinh doanh nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng thường có tâm lý kiêng kỵ.

Chứng khoán ngày 15/7: Cổ phiếu thép nổi sóng

Chứng khoán ngày 15/7: Cổ phiếu thép nổi sóng

Lực bán gia tăng trong phiên chiều 15/7 khiến chỉ số dần thu hẹp đà tăng và “rơi” xuống dưới mốc tham chiếu vào những phút cuối phiên giao dịch.

Dù vậy, giới phân tích từ các công ty chứng khoán vẫn cho rằng, tâm lý nhà đầu tư đang được “cởi bỏ” khi các rào cản ngắn hạn từ thị trường thế giới đã qua đi và dòng tiền đang sẵn sàng quay trở lại.

Tháng “Ngâu” có đáng lo?

Quan niệm tháng Ngâu “nghỉ chơi” chứng khoán có lẽ chỉ đúng so với thời điểm trước đây. Thực tế những năm gần đây, hiệu ứng tháng Ngâu đã không còn tác động nhiều tới thị trường chứng khoán. Thậm chí tháng 7 Âm lịch chỉ số chứng khoán còn tăng mạnh.

Thực tế cho thấy, thống kê tháng 7 Âm lịch bình quân trong 12 năm (2010 - 2021), UPCoM-Index tăng 1,62%, tiếp theo là HNX-Index tăng 0,77%, VN-Index tăng 0,35%, kém nhất là VN30-Index với mức tăng 0,25%.

Xét trung bình tháng 7 Âm lịch trong khoảng thời gian 5 năm gần đây, VN-Index tăng 1,93%, VN30-Index tăng 2,16%, UPCoM tăng 2,08%, HNX-Index tăng tới 4,18%.

Như vậy có thể thấy rằng, tháng 7 Âm lịch không đáng sợ với thị trường chứng khoán, ngược lại tháng này, xác suất thị trường tăng điểm cao hơn khiến giới đầu tư kiếm tiền thuận lợi hơn.

Tất nhiên, thị trường chứng khoán muốn đi lên thì cần căn cứ vào diễn biến hiện tại như yếu tố dòng tiền, kinh tế vĩ mô, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp…

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), tâm lý nhà đầu tư đang được “cởi bỏ” khi các rào cản ngắn hạn từ thị trường thế giới đã qua đi, thanh khoản thị trường đã tăng ở 2 phiên cuối tuần cho thấy dòng tiền đã sẵn sàng quay lại thị trường.

“Chỉ số VN-Index có nhiều khả năng sẽ tiệm cận ngưỡng cản kỹ thuật 1.230 điểm trong tuần sau”, MBS nhận định.

Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, diễn biến trong tuần qua (từ 25 - 29/7) của VN-Index đang mang lại những dấu hiệu tích cực cho xu hướng ngắn hạn. Ngưỡng tâm lý 1.200 điểm đã được chinh phục cùng với thanh khoản tăng trong 2 phiên cuối tuần.

“Trong tuần sau, chỉ số có thể sẽ trở lại kiểm định ngưỡng 1.200 điểm, nếu thành công chúng tôi sẽ nâng đánh giá xu hướng trung hạn lên tích cực. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức khả quan”, Mirae Asset (Việt Nam) khuyến nghị.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tuần (từ 25 - 29/7) tăng điểm tích cực, VN-Index vượt ngưỡng 1.200 điểm, cùng đó dòng tiền được “kích hoạt” tăng trở lại trong 2 phiên cuối tuần. Khép lại tháng 7, VN-Index tăng nhẹ 0,73% sau 3 tháng giảm liên tiếp.

Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch (từ 25 - 29/7), VN-Index tăng 11,57 điểm lên 1.206,33 điểm, HNX-Index giảm 0,22 điểm xuống 288,61 điểm.

So với tuần trước đó, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 0,2%, đạt 59.710 tỷ đồng; giá trị giao dịch trên HNX tăng 2,7% lên 7.031 tỷ đồng.

Thị trường giảm điểm ngay trong hai phiên đầu tuần với nền tảng thanh khoản liên tiếp suy giảm, nhưng đã hồi phục trở lại trong hai phiên sau đó trong bối cảnh các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đều tăng điểm tích cực sau quyết định nâng lãi suất thêm 0,75% từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Phiên giao dịch cuối tuần diễn ra chủ yếu trong sắc xanh, nhưng áp lực bán gia tăng về cuối phiên trong ngày cơ cấu danh mục của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nội đã khiến VN-Index giảm nhẹ.

Nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng tăng mạnh nhất trong tuần qua với 2% giá trị vốn hóa, đã giúp thị trường hồi phục tích cực. Có thể kể đến các cổ phiếu như: BID tăng 5,1%, VCB tăng 3%, VPB tăng 2%, CTG tăng 1,1%, TCB tăng 0,9%...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu tài chính với mức tăng 1,6% giá trị vốn hóa, nhờ sự tích cực của các cổ phiếu chứng khoán như SSI tăng 2,2%, HCM tăng 5,9%, VCI tăng 6,6%...; cổ phiếu bảo hiểm như BVH tăng 2,7%, BIC tăng 6,1%, PVI tăng 6,4%, ABI tăng 10,2%...

Cổ phiếu hàng tiêu dùng tăng 1,2%, chủ yếu do mức tăng của các trụ cột là VNM tăng 1,4%, SAB tăng 8,4%...

Ở chiều ngược lại, nhóm dịch vụ tiêu dùng giảm mạnh nhất với 2,1% giá trị vốn hóa. Các trụ cột GAS giảm 0,3%, BWE giảm 0,6%,  REE giảm 7%...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu với mức giảm 1,9%; trong đó, cổ phiếu ngành thép HPG giảm 3,2%, HSG giảm 6,4%, NKG giảm 7,5%...

Khối ngoại mua ròng trên hai sàn với giá trị đạt 1.514,81 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, STB là mã được mua ròng nhiều nhất với 4,8 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là FUESSVFL với 4,2 triệu chứng chỉ quỹ và VNM với 3,3 triệu cổ phiếu.  Ở chiều ngược lại, HPG là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 16,4 triệu cổ phiếu.

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh

Thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh trước các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Chứng khoán Phố Wall tăng khá mạnh trong phiên 29/7, với chỉ số S&P 500 và Dow Jones kết thúc tháng 7 với mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 11/2020.

Theo giới quan sát, các báo cáo thu nhập khả quan từ các công ty công nghệ lớn đã giúp cổ phiếu tăng giá trong khi giới đầu tư không để tâm quá nhiều tới một dấu hiệu khác về lạm phát tăng cao.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones phiên này tăng 1% lên mức 32.845,13 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 cũng tăng 1,4% lên 4.130,29 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 1,9% lên 12.390,69 điểm. Các chỉ số trên đều ghi nhận chuỗi tăng điểm ba phiên liên tiếp.

Với mức tăng mạnh trong phiên cuối tuần 29/7, chỉ số Dow Jones đã tăng 3%, S&P 500 tiến 4,3% và Nasdaq tăng 4,7% trong cả tuần qua. Còn tính chung trong tháng 7, Dow Jones tăng 6,7%, S&P 500 tăng 9,1% và Nasdaq tăng 12,3%.

Theo Dữ liệu thị trường Dow Jones, đây là tháng giao dịch tốt nhất của S&P 500 và Dow kể từ tháng 11/2020, trong khi Nasdaq ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 4/2020.

Mặc dù thị trường chứng khoán ghi nhận kết quả cuối tháng khả quan, ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản UBS Global Wealth Management (Thụy Sỹ) cho biết, các nhà đầu tư nên thận trọng. Theo ông, những khoản lợi rủi ro cho các chỉ số chứng khoán chủ chốt rộng sẽ suy giảm. Cổ phiếu đang được định giá theo kịch bản kinh tế Mỹ sẽ có một cuộc 'hạ cánh mềm', nhưng nguy cơ hoạt động kinh tế sụt giảm sâu hơn sẽ tăng lên.

Trong một lưu ý gửi tới khách hàng, các chiến lược gia của Viện đầu tư Wells Fargo (Mỹ) nhận định rằng, thu nhập của tất cả các loại chứng khoán có thể sẽ đạt đỉnh vào năm 2022 và giảm xuống sau đó, khi nền kinh tế suy yếu, tăng trưởng doanh thu đình trệ và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao.

Các thị trường tương lai hiện dự đoán rằng lãi suất của Mỹ sẽ đạt đỉnh vào tháng 12 năm nay, thay vì tháng 6/2023. Ngoài ra, những nhà đầu tư trên thị trường này cũng kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất gần 50 điểm cơ bản vào năm tới để hỗ trợ thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế bị chậm lại.

Trong một báo cáo ngắn mới nhất, các nhà kinh tế của Ngân hàng Bank of America (Mỹ) viết rằng hoạt động tuyển dụng mạnh mẽ và GDP giảm đồng nghĩa với sự suy yếu không bền vững trong năng suất của nền kinh tế Mỹ.

Họ cũng nhận định thị trường lao động sẽ sớm hạ nhiệt tăng trưởng và Fed có khả năng sẽ phản ứng chậm với một cuộc suy thoái kinh tế.

Do đó, các nhà kinh tế của Bank of America cho rằng, sự lạc quan của thị trường về Fed chuyển hướng ôn hòa đối với chính sách tiền tệ là quá sớm.

Văn Giáp/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link