Sách tiểu sử "Yoko": Yoko Ono đã "cứu vớt" The Beatles?

01/04/2025 07:20 GMT+7 | Giải trí

Trong thời gian dài, Yoko Ono bị coi là là nguyên nhân chính khiến nhóm nhạc vĩ đại The Bealtes tan rã. Tuy nhiên, trong cuối tiểu sử mới xuất bản ngày 25/3 mang tên Yoko của tác giả David Sheff, bà hiện lên là một người phụ nữ hấp dẫn và dễ bị tổn thương.

Và hơn thế, ở một góc nhìn khác, bà được coi là người đã cứu vớt The Beatles.

Người đàn bà của những tưởng tượng

Có phải chính Yoko Ono đã giữ cho The Beatles gắn kết với nhau, trong những năm tháng cuối cùng của họ? Tác giả - nhà báo danh tiếng người Mỹ David Sheff đã đặt ra câu hỏi này này trong Yoko - cuốn sách tiểu sử mới về Yoko Ono.

Sheff chỉ ra rằng, trước khi qua lại với Ono, John Lennon đã rơi vào trầm cảm và sống thiếu mục đích. Từ đó, tác giả đưa ra giả thuyết rằng: Bằng việc đi cùng ông đến các buổi thu âm - "đôi khi là nắm tay theo nghĩa đen" - Ono đã giúp duy trì sự gắn kết của Lennon với The Beatles khi ông đã "đặt 1 chân ngoài cửa".

Sách tiểu sử "Yoko": Yoko Ono đã "cứu vớt" The Beatles? - Ảnh 1.

Yoko Ono và chồng, John Lennon, chụp năm 1970

Thế nên, theo Sheff, nếu không có Ono, có thể đã có 1 phiên bản khác về The Beatles, nơi "sẽ không có Let It Be hay Abbey Road".

Lần đầu thấy Ono, nhiều người hâm mộ The Beatles từng tự hỏi nhân vật bí ẩn mặc đồ đen này thực sự đang làm gì khi ngồi cạnh Lennon trong nhiều tuần liền, nhìn chằm chằm vô hồn khi The Beatles sáng tác một số bản nhạc tuyệt vời nhất lịch sử.

Rất nhiều sự phẫn nộ, kỳ thị phụ nữ và phân biệt chủng tộc đã ném vào sự hiện diện khó hiểu của Ono, như từng được ghi lại trong bộ phim tài liệu Let It Be năm 1970 của Michael Lindsay Hogg và và gần đây hơn là Get Back của Peter Jackson.

Ono từng đưa ra lời giải thích vào năm 1992: "Tôi đơn giản là sống trong thế giới của riêng mình. Thế giới trong mơ. Tôi ngồi đó, chỉ nghĩ về tất cả những gì đang chạy qua trong đầu. Vì vậy, theo một cách nào đó, tôi đã ở đó và tôi cũng không ở đó".

Như trong cuốn tiểu sử mang đầy cảm thông của Sheff, Ono đã ngồi và mơ mộng cả cuộc đời mình, rồi biến những giấc mơ đó thành nghệ thuật táo bạo.

Sách tiểu sử "Yoko": Yoko Ono đã "cứu vớt" The Beatles? - Ảnh 2.

Yoko Ono xuất hiện cùng Ringo Starr tại Grammy 2014

Khi mới 12 tuổi, ở Nhật Bản sau Thế chiến II, trong cảnh khó khăn, bà đã phát triển những kĩ năng tinh thần để sinh tồn. Một trong số đó là tạo ra những bữa tiệc tưởng tượng cho em trai mình, Kei, khi cậu bé khóc vì đói. Bà đã dỗ em rằng: "Ăn quả táo tưởng tượng này đi. Nó sẽ giúp em no". "Nó thật sự đã làm chị ấy no" - Kei nói với Sheff - "Chị ấy rất giỏi tưởng tượng. Nhưng những điều đó không làm tôi no được!".

Lời kêu gọi "tưởng tượng" đã trở thành chủ đề trung tâm trong nghệ thuật của Ono, xuyên suốt Grapefruit - cuốn sách "hướng dẫn" xuất bản năm 1964 của bà. Trong đó, đầy những chỉ dẫn như: "Hãy tưởng tượng những đám mây đang nhỏ giọt, đào một cái hố trong vườn để đặt chúng vào".

Bà đã tặng Lennon 1 bản sao cuốn sách sau lần gặp gỡ ngắn ngủi đầu tiên của họ vào năm 1966, tại triển lãm đầu tay của bà ở London. Lennon giữ nó bên giường trong 2 năm trước khi họ bước vào mối quan hệ lãng mạn (và kết hôn vào năm 1969).

"Tôi đã đọc nó và đôi khi, tôi cảm thấy rất khó chịu với nó" - Lennon nói với tạp chí Rolling Stone vào năm 1971 - "Sau đó, đôi khi, tôi lại được nó khai sáng rất nhiều. Tôi đã trải qua tất cả những thay đổi mà mọi người từng trải qua với tác phẩm của cô ấy".

Yoko Ono xuất hiện trong phim tài liệu "The Beatles: Get Back":

Năm 1971, Ono ngồi cạnh Lennon - lúc này đã là người chồng thứ 3 của bà - bên chiếc đàn dương cầm tại dinh thự của họ ở công viên Tittenhurst, đóng góp những ý tưởng trữ tình trong khi ông sáng tác 1 bản ballad dựa trên tác phẩm của bà.

"Tôi đã không ghi nhận công lao sáng tác cho cô ấy" - Lennon hối hận thừa nhận với Sheff trong một cuộc phỏng vấn ngay trước khi ông qua đời. Tại một buổi lễ vào năm 2017, đúng như Lennon đã thúc giục trong những tháng cuối đời, Hiệp hội Nhà xuất bản Âm nhạc Quốc gia Mỹ đã công nhận Ono là đồng tác giả của bản ballad đó. Đó chính là Imagine.

Lennon gọi cho Pang, nói với người tình trẻ rằng "Yoko đã cho phép tôi về nhà", và bỏ rơi cô ngay tại chỗ.

Đầy tự tôn

Tuy nhiên, Yoko cũng không phải là một thánh nhân. Sheff không ngại viết về sự ích kỷ hay nuông chiều bản thân cùng lối suy nghĩ có vẻ kì quặc của Ono (nhưng lại giúp bà cực kỳ thành công với tài sản hơn 500 triệu USD).

"Tôi đã thấy bà ở thời điểm tồi tệ nhất, với những hoang tưởng, sợ hãi và tuyệt vọng nhất" - Sheff viết - "Nhưng cũng thấy bà ở thời điểm tốt đẹp nhất, khi bà vui sướng, sáng tạo và được truyền cảm hứng, thể hiện loại trí tuệ siêu phàm như John Lennon từng miêu tả".

Sách tiểu sử "Yoko": Yoko Ono đã "cứu vớt" The Beatles? - Ảnh 5.

Yoko Ono trong triển lãm cá nhân năm 1967

Sinh năm 1933, Ono được nuôi dưỡng trong một trong những gia đình làm ngân hàng giàu có nhất Nhật Bản. Nhưng bà lớn lên trong sự thiếu vắng tình yêu thương và sự ủng hộ của cha mẹ với tư cách là 1 phụ nữ độc lập.

Bà đã tận mắt chứng kiến nỗi kinh hoàng của chiến tranh, chứng kiến Tokyo bị ném bom thảm khốc vào ngày 9/3/1945. Sau đó, bà đã chống lại cuộc hôn nhân sắp đặt và trốn đến New York để học nghệ thuật.

Người chồng đầu tiên của bà là nghệ sĩ dương cầm Toshi Ichiyanagi - người sau này trở thành nhà soạn nhạc hàng đầu của Nhật Bản. Bị bố mẹ cắt đứt mọi hỗ trợ tài chính, bà làm thư ký và biên dịch để duy trì sự nghiệp nghệ thuật của mình. Buổi biểu diễn đầu tiên của Ono trước công chúng diễn ra cách đây hơn 60 năm, nhưng chỉ trong vài thập kỷ gần đây, bà mới được công nhận là nghệ sĩ tiên phong theo chủ nghĩa nữ quyền.

Được đào tạo bài bản với tư cách là một nghệ sĩ dương cầm và ca sĩ, tác phẩm của Ono bao gồm các bản nhạc tiên phong. 1 trong số đó bà đã biểu diễn cùng với nghệ sĩ nhạc jazz tài ba Ornette Coleman tại Nhà hát Royal Albert Hall ở London vào năm 1968.

Sách tiểu sử "Yoko": Yoko Ono đã "cứu vớt" The Beatles? - Ảnh 6.

Nhiều người từng đặt câu hỏi về sự xuất hiện của Yoko Ono trong phòng thu cùng The Beatles

Câu chuyện về Ono và Lennon đã được đề cập trong hàng ngàn cuốn sách, bài báo và phim tài liệu, nhưng thật bổ ích khi xem lại những chuyện quen thuộc đó dưới góc nhìn của Ono. Ví dụ, chúng ta biết được bà đã làm gì, trong "cuối tuần mất mát" nổi tiếng, khi cặp đôi chia tay trong 18 tháng, khi Lennon tiệc tùng ở Los Angeles với May Pang - bạn gái mà Ono đã chọn cho ông.

Sheff giải thích rằng Ono đã đuổi Lennon ra khỏi nhà vì ông đã lừa dối, uống rượu nhiều. Bà hy vọng sẽ giữ được tự tôn của mình. Trong thời gian chia tay, bà giao lưu, đọc sách say sưa, làm nghệ thuật và thu âm 1 album. Lennon gọi điện gần như hàng ngày, cầu xin bà quay lại.

Những người bạn, từ Elton John đến Paul McCartney, đã thay mặt Lennon khuyên nhủ bà. Cuối cùng, bà đã đầu hàng, nhưng chỉ khi Lennon thay đổi chuyện rượu chè. Lennon gọi cho Pang, nói với người tình trẻ rằng "Yoko đã cho phép tôi về nhà", và bỏ rơi cô ngay tại chỗ. Những gì diễn ra sau đó thực sự có vẻ là 5 năm hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Lennon và Ono.

Vụ ám sát Lennon vào ngày 8/12/1980 tới nay vẫn là bi kịch lớn với hầu hết những người yêu âm nhạc. Với Ono, tác động của nó lại càng vô cùng to lớn. Nỗi đau buồn và kinh hoàng được kể lại trong Yoko khiến độc giả thật đau đớn khi đọc. Phần còn lại trong cuốn sách là hành trình dài vượt qua chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương trước toàn bộ công chúng của bà.

Sheff đã đưa ra cái nhìn sâu sắc và trực tiếp về mối quan hệ nhẹ nhàng mà Ono có với nhà thiết kế nội thất Sam Havadtoy từ năm 1981 đến khoảng năm 2000, và mối liên kết mà bà đã hình thành với con trai mình, Sean. Tất cả đều giống như sự vang vọng của quá khứ đau thương không bao giờ lắng xuống.

Tình yêu chân thành với thế giới

Ngày nay, nhận thức của công chúng về tính cách và sự nghiệp của Ono đã thay đổi rất nhiều. Gần như không ai còn nghi ngờ gì về bà trong tư cách 1 nghệ sĩ quan trọng. Ngay cả âm nhạc hoang dã nhất mà bà tạo ra, những thứ từng bị coi là không thể nghe được, đã đạt được vị thế được "sùng bái". Bà cũng được công nhận là nguồn cảm hứng cho rất nhiều tên tuổi lớn, từ Patti Smith và Siouxsie Sioux đến Sonic Youth và Lady Gaga.

Ono hiện đã 92 tuổi, sống ẩn dật trong 1 trang trại ở phía Bắc New York, nằm giữa mênh mông đồng ruộng và rừng, thường xuyên được 2 con và các cháu đến thăm. Sheff gặp bà vào năm 1988 và hoàn toàn bị mê hoặc. Bà có tiếng cười đẹp, ngân vang dịu dàng và thích thú trong suốt cuộc trò chuyện.

Như lời tác giả Sheff, Ono không đeo kính râm tối màu thường thấy và nước mắt lấp lánh trong mắt bà khi bà nói về John Lennon. Nhưng ngay cả trong nỗi đau buồn kéo dài của cảnh góa bụa, bà vẫn toát lên tình yêu chân thành dành cho thế giới.

An Bình (theo Telegraph)

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link