06/05/2020 07:16 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Có thể nói, cuốn Soạn giả Viễn Châu - Tác giả và tác phẩm vọng cổ (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2020) của tiến sĩ Huỳnh Công Tín đã tái hiện được chân dung của một tượng đài của nghệ thuật cải lương. Với trên 70 vở cải lương, hơn 2.000 bài vọng cổ, rồi tân cổ (vài tài liệu ghi gần 4.000 bài), Viễn Châu không chỉ là “vua vọng cổ”, là cha đẻ của tân cổ giao duyên, mà còn hơn thế nữa.
Sinh thời, soạn giả Viễn Châu (1924-2016) từng cho biết bí-kíp sáng tác của ông như sau: “Điểm tựa của tôi trong sáng tác chính là đọc và chắt lọc những nét đẹp từ tiểu thuyết văn học. Tôi là con mọt sách từ năm 14 tuổi. Tôi thích cách viết của nhiều nhà văn… Điều thú vị nhất là các sư phụ tả về vẻ đẹp người phụ nữ thì hết ý, đọc đã thấy khoái nên tôi khi sáng tác bài ca cổ hoặc xây dựng hình ảnh người phụ nữ trong tác phẩm của mình, tôi thường dùng chất liệu văn học đã thẩm thấu từ những tác phẩm văn chương mình yêu thích”.
Hình ảnh mới và ngôn ngữ đắt
Nhà nghiên cứu Huỳnh Công Tín đã có rất nhiều năm nghiên cứu về vọng cổ, tân cổ nên cuốn Soạn giả Viễn Châu - Tác giả và tác phẩm vọng cổ là một tái hiện chân thực về ông "vua vọng cổ" này. Nhưng anh khá khiêm nhường: “NSND Viễn Châu là tác giả, soạn giả lớn trong lĩnh vực sân khấu cải lương. Do vậy, quyển sách chuyên khảo của tôi về tác giả và tác phẩm Viễn Châu có thể còn những hạn chế do khả năng tiếp cận của người viết có hạn. Mong bạn đọc lượng thứ và giúp ý kiến đóng góp cho những sai sót”.
Cũng giống như sơ tổ của nghệ thuật cải lương là Cao Văn Lầu (1892-1976), ngoài am hiểm văn chương, điển tích, Viễn Châu còn nắm rõ tình tự về lề luật của nhạc học truyền thống, đồng thời học hỏi kỹ thuật tân nhạc của Tây phương. Điều này nói thì dễ, nhưng thực tế ít người làm được hoặc chịu làm, vì dân cổ nhạc nói chung thường “ngại” học hỏi tân nhạc.
Những đồng nghiệp gần gũi với Viễn Châu cho biết, ngoài thủ đắc các ngón đàn độc chiêu của nhiều nhạc cụ truyền thống, ông luôn có ý thức chắt lọc, học hỏi những điều mới mẻ. Điều này cũng góp phần lý giải vì sao nghệ thuật cải lương thường dễ tích hợp các nhạc cụ Tây phương, rồi cải biên cả “phần cứng” và cách chơi.
Nghệ thuật thì “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, nói nôm na sáng tác ít mà hay còn hơn nhiều mà dở. Nhưng với Viễn Châu là một ngoại lệ. Đóng góp đầu tiên của ông là về mặt số lượng bài vọng cổ, giả dụ chỉ 2.000 bài thôi đã là một cột mốc khó vượt qua với nhiều nhạc sĩ khác. Gần như không có một nghệ sĩ cải lương tài danh nào mà chưa từng hát vài bài đến vài chục bài do ông biên soạn.
Ông còn là “vua đo ni đóng giày”, ví dụ NSND Út Trà Ôn với bài Tình anh bán chiếu, NSND Lệ Thủy với bài Bạch Thu Hà, danh ca Minh Cảnh với bài Tu là cội phúc, danh hài Tấn Tài với Hạng Võ biệt Ngu Cơ... Danh sách này còn dài thăm thẳm, lên đến vài trăm người. Riêng danh hài Văn Hường đã hát hàng trăm bài, góp phần quan trọng khai sinh ra dòng vọng cổ hài từ đầu thập niên 1960 tại Sài Gòn.
Đa số đều công nhận khó khăn khi phải chọn ra 50 bài hoặc 100 bài vọng cổ tiêu biểu của Viễn Châu, vì ông có vài trăm bài ngang tài ngang sức. Đặc điểm chung của ông là hình ảnh mới, ngôn ngữ đắt, cuộc đời dù ngang trái, khổ đau nhưng đều hướng đến sự lạc quan.
“Am hiểu của ông về những vấn đề lịch sử, xã hội, việc nắm bắt tâm lý hài hước trong người dân Nam bộ để thể hiện thành tác phẩm, được đánh giá cao ở sự thu hút công chúng. Nó không chỉ có giá trị học hỏi cho người đương thời, mà còn cho nhiều thế hệ người Việt sau này” - Huỳnh Công Tín nhận định.
Chịu búa rìu vì “phá cổ nhạc”
Không chỉ là "vua vọng cổ", mà Viễn Châu còn là một trong vài cha đẻ của tân cổ giao duyên. Sinh thời, trong một cuộc trò chuyện với đạo diễn Thanh Hiệp, Viễn Châu nói: “Tôi thích nhìn đời bằng đôi mắt lạc quan. Hồi đó bị một số báo đánh tan nát nhưng tôi vẫn cười. Anh Út Trà Ôn nói vui: Anh lì đòn quá, đánh hoài mà hổng chết. Tôi cứ vững vàng tiến bước với những gì mình cho là thể nghiệm. Bởi, nhờ có thất bại mới có thành công. Lúc viết thể loại vọng cổ hài, tôi nghĩ, con người sinh ra đã biết khóc khi buồn, biết cười khi vui. Cải lương lâu nay đã lấy nước mắt nhân gian, thì tại sao mình không để người ta nghe bài vọng cổ rồi cười”.
Thập niên 1960 nổi lên hình thức kết hợp cổ nhạc với tân nhạc, gọi là tân cổ giao duyên, mà người dày công sáng tạo, vun đắp nhiều nhất là Viễn Châu. Lúc bấy giờ nhiều báo đài viết bài phê phán hình thức “xôi đậu” này, chửi đích danh Viễn Châu là phá, là giết cổ nhạc. Ông chỉ đăng đàn trả lời một lần, với quan điểm rằng khi tân cổ giao duyên ra đời thì cổ nhạc vẫn còn đó, tân nhạc vẫn còn đây, đâu ai giết ai. Nhờ sự bền chí đó mà tân cổ giao duyên đã tồn tại, phát triển đến ngày nay.
Nhận định về thế hệ sáng tác và ca vọng cổ sau này, Viễn Châu từng nói: “Hầu hết các cuộc thi vọng cổ tôi đều theo dõi, cảm thấy vô cùng vui mừng khi bộ môn cải lương vẫn còn nhiều người trẻ nối tiếp kế tục, sẵn sàng dấn thân đeo đuổi. Nhưng thú thật, có nhiều nghệ sĩ trẻ hát vọng cổ điệu đà, làm dáng quá đáng, không đúng với cái chất của vọng cổ lắm. Theo ý kiến riêng của tôi, thể hiện bài hát vọng cổ cần phải thật giản dị, nhẹ nhàng giống như những lời mẹ ru, ngọt ngào và êm ái đưa con trẻ vào giấc ngủ say”.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất