Sách 'xuống đường' để gần gũi hơn với nhân dân

19/04/2014 07:01 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Lễ công bố Ngày Sách Việt Nam sẽ diễn ra vào tối nay, 19/4, tại quảng trường Lý Thái Tổ, Hà Nội. Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đến dự và phát biểu chỉ đạo. Đây là sự kiện mở đầu chuỗi chương trình Ngày Sách Việt Nam (21/4) lần đầu tiên được tổ chức nhằm cổ vũ, nâng cao văn hóa đọc trong mọi tầng lớp nhân dân.

Ngày Sách Việt Nam năm nay có sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, công ty sách lớn trong cả nước với các sự kiện trung tâm diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Thư viện Quốc gia tại Hà Nội. Nhân dịp này, TT&VH đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH,TT&DL)

* Trong vài năm gần đây để hưởng ứng ngày sách cũng như ngày bản quyền thế giới 23/4 năm nào chúng ta cũng tổ chức rất nhiều chương trình sách cũng như tôn vinh văn hoá đọc, nhưng đây là năm đầu tiên mà chúng ta có quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày đọc sách của Việt Nam. Thưa bà Nguyễn Thị Thanh Mai, quyết định này có ý nghĩa như thế nào đối với bà?

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH,TT&DL)

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH,TT&DL)

- Đây là một quyết định hết sức kịp thời và đúng lúc. Còn nhớ cách đây một tháng trong một hội thảo do Bộ TT&TT tổ chức với sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hoá và các nhà quản lý để chuẩn bị cho lễ công bố Ngày Sách Việt Nam, giáo sư sử học Lê Văn Lan đã phải thốt lên rằng chúng ta hãy cứu lấy văn hoá đọc.

Có thể nó rằng, trong những năm vừa qua, văn hoá đọc của chúng ta đúng là có vấn đề. Trong bối cảnh đó, Bộ VH,TT&DL liên tiếp trong 3 năm từ 2011 cho đến nay là năm thứ 4, đều tổ chức ngày hội sách văn hoá đọc. Bộ VH,TT&DL rất tự hào bởi đã góp phần quan trọng để Thủ tướng ban hành quyết định này, nó hết sức có ý nghĩa không chỉ với những người làm công tác văn hoá mà với tất cả các tầng lớp, những người đang quan tâm tới nền học vấn và văn hoá nước nhà.

* Trong năm nay, Ngày sách Việt Nam sẽ được tổ chức ở rất nhiều địa phương trong cả nước với rất nhiều các hoạt động phong phú, đặc biệt Ban tổ chức đã lựa chọn một không gian mang tính chất cộng đồng tại quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ để tổ chức lễ phát động. Thưa bà, việc này có ý nghĩa như thế nào?

 - Chúng tôi đánh giá rất cao việc Ban tổ chức chọn quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ làm địa điểm để công bố một sự kiện rất gần gũi với người dân. Lúc đầu cũng có một số ý kiến chúng ta nên tổ chức ở chỗ này chỗ kia, bản thân tôi cũng là một người trong BTC và chúng tôi không đồng tình. Và chúng tôi cho rằng Quyết định về Ngày Sách Việt Nam phải được công bố tới toàn thể quần chúng nhân dân.

Như vậy, việc chọn tổ chức công bố tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, không chỉ là chọn một vị trí trung tâm của Thủ đô mà đây còn là nơi sinh hoạt cộng đồng của đông đảo nhân dân. Điều đó nói lên thông điệp rằng, sách nên đến với nhân dân theo nghĩa “xuống đường” để gần gũi hơn với nhân dân. Và nhân dân, khi xuống đường, có thể cầm lấy sách. Nghĩa là sách cần trở nên gần gũi chứ không phải ở trong thư viện hay ở một nơi nào đó mà người ta phải rất khó khăn mới lấy được sách.

* Nhiều người cho rằng, công chúng ngày nay rất lười đọc sách, số bản sách bán ra rất ít. Theo bà, nguyên nhân thực sự là do đâu?

- Qua thực tiễn tôi thấy, nhu cầu đọc sách của người dân Việt Nam chưa trở thành một nét sinh hoạt hàng ngày, chúng ta chưa có thói quen đọc. Ngày nay, văn hoá đọc của chúng ta lại đang đứng trước một áp lực rất lớn vì sự phát triển của văn hóa nghe nhìn.

Cái chính ở đây tôi muốn đặt vấn đề là nhà trường đã có những bộ môn hướng dẫn học sinh đọc chưa, đã có những phương pháp thi cử để khuyến khích học viên phải đọc sách hay chưa? Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến văn hoá đọc bị suy giảm trong thực tế hiện nay.


Ngày hội Văn hóa đọc năm 2013 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội

 Một điều nữa là vấn đề thời gian. Ngay cả đối với học sinh tiểu học, thời gian rảnh rỗi của các em để đọc là quá ít, thậm chí là những ngày Hè, ngày thứ Bẩy, Chủ nhật, các em cũng rất nặng gánh việc học ở trường. Thế thì thời gian đâu đọc sách?

Thứ nữa là nhận thức của các bậc phụ huynh trong gia đình - cái nôi đầu tiên để hướng các em đến việc đọc sách. Tôi có cảm giác nhiều bậc phụ huynh quan tâm đến đời sống vật chất cho con em mình, cho ăn ngon, mặc đẹp hơn là xây dựng cho con em mình văn hoá đọc. Chính những điều đó khiến cho việc đọc chưa trở thành một nhu cầu, một thói quen. Bởi vậy trong việc hình thành một thói quen đọc, trách nhiệm trước hết là từ gia đình, xã hội.

* Ngoài việc các tổ chức, cá nhân đang đưa sách đến người dân thì Nhà nước đã có những hoạt động, sự hỗ trợ thế nào đối với những người dân ở vùng sâu vùng xa đang rất thiếu sách?

- Chúng ta đưa sách về cho bà con, nhưng quan trọng nhất là chúng ta hướng dẫn bà con đọc như thế nào và thấy vai trò của sách. Còn nếu chúng ta chỉ mang sách về để đấy thì sách cũng chỉ là những vật vô tri vô giác thôi.

Để làm được việc đó, không ai đảm nhận tốt hơn là các cán bộ thư viện và hệ thống thư viện công cộng. Tôi nghĩ đó là sứ mệnh của người làm công tác thư viện.

Trong những năm vừa qua, đặc biệt gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ thì hệ thống thư viện của cả nước ở các loại hình thư viện trường học, thư viện đại học, nhất là thư viện công cộng đã có những cố gắng, nỗ lực để đưa sách báo về được với bà con.

Sách cần trở nên gần gũi với nhân dân, chứ không phải ở trong thư viện hay ở một nơi nào đó mà người ta phải rất khó khăn mới lấy được sách.
Bên cạnh những thành tựu mà hệ thống thư viện cộng đồng đạt được thì chúng tôi cũng gặp phải những khó khăn. Thứ nhất vốn sách báo chưa nhiều, mặc dù theo số liệu thì mỗi năm chúng ta có hơn 2.000 đầu sách được xuất bản trong cả nước. Tuy nhiên, chỉ 1 số lượng rất ít, khoảng 1/4 số sách đó là được bổ sung vào thư viện. Thứ 2, còn có nhiều nơi có những điểm trắng về sách, báo. Về điều này, chúng tôi mong muốn có một hoạt động hữu hiệu của ngành thư viện để có thể đưa sách đến được với những vùng trắng sách, trắng thư viện. Đó chính là mô hình thư viện lưu động mà hiện nay ở một số địa phương đã làm rất tốt ví dụ như TP.HCM, Hà Nội, Yên Bái, ... Tuy nhiên phần lớn những xe thư viện lưu động ấy cũng lại do các tổ chức quốc tế tài trợ.

* Xin cảm ơn bà.

Minh Thu - Nguyễn Thuấn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link