15/08/2014 07:15 GMT+7 | Bóng đá Anh
(Thethaovanhoa.vn) - Vấn đề tiếng nói của bên thứ ba trong các vụ chuyển nhượng chẳng có gì là mới mẻ nữa. Tuy nhiên, việc Man City phải rất vất vả mới hoàn thành thương vụ Eliaquim Mangala từ Porto có nguyên nhân từ chính vấn đề trên.
Thực tế, hậu vệ người Pháp này không hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của Porto. 57,67% giá trị của trung vệ 23 tuổi này (tức 24,3 triệu bảng) được đưa lên thị trường chứng khoán Bồ Đào Nha.
Tác động bên thứ ba ở Premier League
Ở phần còn lại trong quyền sở hữu Mangala về kinh tế, thì 33,3% thuộc về Doyen Sports và gần 10% thuộc về Robi Plus, một công ty có trụ sở ở London kết nối với một người đại diện tên là Luciano D’Onofrio.
Việc đạt được thỏa thuận giữa nhiều bên sở hữu luôn mất nhiều thời gian hơn so với những đàm phán trực tiếp giữa hai đội bóng với nhau. Đó là điều bình thường ở giải VĐQG Bồ Đào Nha, nhưng lại khá xa lạ với bóng đá Anh.
Ngoài thương vụ Mangala, thì sự xuất hiện của bên thứ ba cũng làm kéo dài thời gian hoàn tất thương vụ Lazar Markovic chuyển từ Benfica sang Liverpool ở đầu mùa hè năm nay. Nhà ĐKVĐ giải VĐQG Bồ Đào Nha chỉ sở hữu một nửa giá trị của tiền đạo người Serbia khi anh chuyển đến từ Partizan Belgrade hồi mùa hè năm ngoái. Phần còn lại, theo tiết lộ của tờ nhật báo Diario de Noticias, thuộc về một nhóm nhà đầu tư có mối quan hệ mật thiết với siêu cò Pini Zahavi. Benfica đã phải trả cho Partizan số tiền lên tới 6 triệu euro (4,7 triệu bảng), trước khi bán cho Liverpool với giá 25 triệu euro (19,8 triệu bảng), đúng bằng số tiền phá vỡ hợp đồng.
Nhắc đến câu chuyện về bên thứ ba, không thể bỏ qua bộ đôi người Argentina Carlos Tevez – Javier Mascherano, khi họ gia nhập West Ham vào tháng 8/2006. Thương vụ này có bàn tay của Kia Joorabchian khi ông lập ra công ty Media Sports Investments (MSI) vào năm 2004 để liên kết với Corinthians, đội bóng sở hữu cặp đôi người Argentina vào thời điểm đó.
Việc Tevez – Mascherano cập bến một đội bóng hạng trung như West Ham có thể là một sự lựa chọn bất thường về chuyên môn, nhưng lại là thương vụ hoàn hảo về mặt kinh tế khi phần lớn số tiền chi ra thuộc về những đội bóng Anh sở hữu họ.
Một thực tế khó tránh
Với việc Premier League đang thu hút những khoản tiền khổng lồ, rất dễ hiểu cho sự quan tâm của các nhà đầu tư thuộc bên thứ ba, dù khả năng duy trì là không cao khi luật lệ đã thay đổi.
Siêu cò Jorge Mendes, người đại diện của Mangala, Jose Mourinho, Radamel Falcao và rất nhiều tài năng khác, cùng với cựu giám đốc điều hành Chelsea Peter Kenyon, hiểu rất rõ điều đó khi thành lập một quỹ đầu tư cầu thủ có tên Quality Sports Investments vào năm 2011. Đây có thể là trạm trung chuyển cho những cầu thủ từ Bồ Đào Nha sang Anh thi đấu, như với các thương vụ Anderson gia nhập Man United hay Ramires khoác áo Chelsea.
Trong kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua, Atletico Madrid chỉ nhận được một nửa số tiền 32 triệu bảng tiền phá vỡ hợp đồng mà Chelsea bỏ ra để chiêu mộ Diego Costa. Những đối tác khác tham gia gồm siêu cò Mendes (người sở hữu 10% giá trị Costa), đội bóng cũ Braga (20% giá trị) và bản thân công ty Quality Sports Investment, với khoản tiền 7,6 triệu euro (6 triệu bảng).
Sở dĩ Bồ Đào Nha là mảnh đất màu mỡ cho đối tác thứ ba là bởi mối quan hệ mật thiết với thị trường chuyển nhượng Nam Mỹ. Nhưng vào thời điểm hiện tại, có không ít đội bóng được hỗ trợ bởi đối tác thứ ba, như Doyen Sports với Atletico Madrid và Sevilla.
Dẫu vậy, Premier League cũng không nên mong chờ mọi thương vụ có thể diễn ra yên ả. Như việc Southampton từ chối mức giá 17 triệu euro (13,5 triệu bảng) dành cho Marcos Rojo từ Sporting Lisbon, khi họ biết đội bóng Bồ Đào Nha chỉ sở hữu 25% số tiền chuyển nhượng thu được.
Từ đó có thể khẳng định thương vụ Mangala chỉ là bề nổi trong tảng băng chìm về thế giới liên quan tới tiếng nói của bên thứ ba trong các thương vụ chuyển nhượng.
Đức Hùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất