17/01/2012 13:35 GMT+7 | V-League
(TT&VH) - Cuối cùng thì 3 vòng đấu đầu tiên của Super League 012 cũng đã kết thúc để các đội bóng nghỉ đón Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Đây là mùa bóng đầu tiên sau hơn 10 năm bóng đá VN khoác áo chuyên nghiệp mà quyền tổ chức giải được trao lại cho các đội bóng dự giải thay vì VFF như trước đây.
Sự xuất hiện của một cái mới bao giờ cũng tạo nên những luồng dư luận khác nhau, đặc biệt là VPF lại ra đời trong bối cảnh VFF đã để xảy ra nhiều chuyện khiến người hâm mộ không hài lòng, nên lẽ đương nhiên là VPF nhận được sự ủng hộ vô cùng tích cực của số đông. Điều này cũng được thể hiện rất rõ qua phần bình luận của các độc giả trên TT&VH Online, khi những ý kiến chỉ trích VPF, hoặc đơn giản chỉ là không đứng về phía về VPF, đều không nhận được sự tán thành của các độc giả khác, và trong một số trường hợp còn xảy ra tranh cãi khá gay gắt.
Vậy vấn đề đặt ra ở đây là có phải hễ cứ nhận được sự ủng hộ của số đông thì nghiễm nhiên đấy sẽ là chân lý? Nói thế không sai, bởi chỉ một quyết định hay việc làm mang lại lợi ích cho cộng đồng thì mới nhận được sự tán đồng của nhiều người, còn trong trường hợp nó chỉ làm lợi cho thiểu số thì chuyện bị dư luận phản đối hay “ném đá” là điều dễ hiểu.
Thế nhưng, đúng sai trong cuộc sống nói chung và bóng đá nói riêng đâu dễ để phân biệt đến thế. Chẳng nói đâu xa, ông Đoàn Nguyên Đức (HA.GL) hay ông Lê Tiến Anh (K.KH) đều là những nhân vật chủ chốt có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự ra đời của VPF, và VPF được khai sinh rõ ràng là để xây dựng một sân chơi bình đẳng và tốt đẹp hơn cho bóng đá VN, nhưng rồi cuối tuần vừa qua, cả HA.GL lẫn K.KH đều phải nếm trải thất bại cay đắng mà một phần nguyên nhân từ cách điều hành trận đấu chưa thực sự công tâm của các trọng tài. Đội bóng của các ông bầu có tiếng và cũng có uy mà còn bị đối xử như vậy thì các CLB khác “thấp cổ bé họng” hơn, hoặc ở sân chơi thấp hơn như giải hạng Nhất thì sẽ như thế nào?
Tất nhiên, không ai đòi hỏi VPF phải thay đổi hoàn toàn diện mạo bóng đá VN chỉ sau một vài tháng, bởi đấy là điều không tưởng, và cần phải nhớ rằng bộ máy điều hành bóng đá VN ở mùa bóng năm nay tuy rất mới mẻ, nhưng yếu tố con người của bộ máy ấy lại không được mới mẻ như thế. Vậy nên việc sân cỏ VN liên tiếp nổi sóng hết từ Cúp QG, Super League rồi tới tận cả giải hạng Nhất là điều không làm ai cảm thấy ngạc nhiên.
Thế nhưng, nếu VPF thực sự tập trung toàn bộ trí lực của mình để giải quyết những vấn đề cấp bách, tối quan trọng như kiện toàn bộ máy nhân sự, xử lý triệt để và mau chóng các vấn đề phát sinh (bạo lực, trọng tài…), thay vì hao tổn quá nhiều thời gian và công sức, mà không chỉ của riêng VPF, cho cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình thì có thể diện mạo của Super League 2012 sẽ sáng sủa và khả quan hơn trước rất nhiều chứ không bị nghi ngờ kiểu “bình mới rượu cũ” như hiện nay.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngày xưa Khổng Tử đã nói: “Tịnh khẩu, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Hiểu một cách nôm na thì trong cuộc sống, trước khi nghĩ tới những điều to tát thì nên bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, mà trước hết là hãy học cách kiểm soát chính bản thân mình rồi sau đó hãy nghĩ tới chuyện làm chủ người khác. Không biết lời dạy của cổ nhân có giúp những người đang điều hành nền bóng đá VN nhận thấy rằng liệu thực sự họ đã và đang nỗ lực làm tất cả vì bóng đá nước nhà như họ từng nhiều lần tuyên bố hay không?!
Hoàng Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất