01/11/2021 19:22 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tại Nam bộ, kịch nói tuy xuất hiện chính thức trên sân khấu sau cải lương đến vài chục năm, nhưng sự manh nha thì đã có rất sớm. Từ năm 1916, khi phong trào “cải lương hát bội” - có thể hiểu là cải cách, đổi mới hát tuồng - xuất hiện, đã có những bàn luận, so sánh với kịch nói, với ca kịch của Pháp.
Thập niên 1910 - 1920, cứ khoảng nửa năm thì có một đoàn kịch nói của Pháp sang diễn; tại các trường phổ thông, học sinh đã bắt đầu tập diễn kịch nói và ca kịch theo mô hình của Pháp vào các dịp lễ.
Cột mốc 1916 - 1917
Theo nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy: “Một trong những người đi đầu là nhà báo Lương Khắc Ninh, khi ông lập gánh “cải lương hát bội”, diễn thường trực tại rạp Cầu Muối, đường Hồ Văn Ngà (nay là đường Lê Thị Hồng Gấm, TP.HCM). Cũng thời điểm ấy, Hội Khuyến học Long Xuyên thành lập nhóm Cải lương kịch xã để diễn thoại kịch, hoặc hý kịch”.
Trần Nhật Vy viết thêm: “Ngày 14/7/1917, nhóm Cải lương kịch xã đưa tuồng Vì nghĩa quên nhà lên sân khấu tại Long Xuyên, diễn bằng 2 thứ tiếng Việt - Pháp, do đốc phủ Lê Quang Liêm và đốc phủ Hồ Văn Trung (tên thật của nhà văn Hồ Biểu Chánh) hợp soạn. Tuồng tạo được tiếng vang nên Cải lương kịch xã được mời lên Sài Gòn diễn tại rạp hát bóng Eden vào 2 ngày 11 và 12/9/1917”.
Có thể thấy thoại kịch (tức kịch nói) đã manh nha tại Nam bộ/ Sài Gòn từ khoảng 1916 - 1917, nhưng đã “nhường bước” cho sự phát triển như vũ bão của cải lương trong suốt mấy thập niên sau đó. Mãi đến các thập niên 1950 - 1960, các ban kịch như Dân Nam, rồi sau đó là Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Đen Trắng, Sống, La Thoại Tân, Túy Hoa, Túy Hồng… xuất hiện, hoạt động chuyên nghiệp, thì kịch nói mới thật sự định hình tại Sài Gòn. Nhưng thời điểm này, các ban kịch chủ yếu diễn để ghi hình phát sóng trên truyền hình và diễn “lót” tại các rạp chiếu phim, ít có tụ điểm, sân khấu thường xuyên cho kịch nói. Khán giả mua vé xem phim thì sẽ được xem kịch nói trước đó là loại hình phổ biến thời bấy giờ.
Kịch nói chỉ thực sự sôi động tại TP.HCM từ đầu thập niên 1980, khi có sự giao lưu vùng miền, cũng như việc dàn dựng các vở kịch của Liên Xô và Đông Âu. Sau đó, chính hiệu ứng từ những vở như: Dư luận quần chúng, Nhân danh công lý, Tôi và chúng ta, Chuyện bây giờ mới kể, Gái giang hồ quốc tế, Cô Ê-lê-na thân yêu, Trong hào quang bóng tối, Diễn kịch một mình, Lôi vũ, Dạ cổ hoài lang, Tiếng chim vườn ngọc lan, Tình 284… đã làm cho kịch nói TP.HCM có được một thập niên 1990 hoàng kim.
Đạo diễn Thanh Hiệp nhận định: “Nếu nhìn lại thành quả đạt được của sân khấu kịch nói trong thời gian qua, tôi tự hào nhận thấy từ một địa danh gần như độc quyền biểu diễn nghệ thuật cải lương trước 1975, Sài Gòn - TP.HCM đã trở thành địa danh kịch nói tạo được nhiều dấu ấn mạnh mẽ. Mà thuyết phục nhất là sự ra đời của mô hình sân khấu xã hội hóa, nơi tư nhân bỏ tiền túi để đầu tư, mang về thành quả cao nhất là các tác phẩm kịch nói được nhiều thế hệ khán giả yêu thích”.
Những thách thức mới
Mặt chưa làm được khiến sàn diễn kịch nói rơi vào bế tắc, đó chính là sân khấu rời xa đời sống đương đại. Nguồn kịch bản khan hiếm dần các đề tài mà đông đảo người dân quan tâm. Những câu chuyện cứ được kể từ hào quang cũ, từ sự an toàn khi ngại đụng chạm, hoặc chạy theo thị hiếu khi xuất hiện kịch ma, kịch quỷ, kịch đồng tính… Chính vì lạm dụng và thiếu kiểm soát trong 2 thập niên đầu của thế kỷ 21, nên nhiều sàn diễn kịch xã hội hóa rơi rụng.
Bên cạnh đó, sân khấu kịch TP.HCM đã thiếu chiến lược đầu tư nền tảng, đó là thiếu sự đào tạo về công tác quản lý, đào tạo các ông bà bầu của sân khấu kịch. Lỗ hổng này dẫn đến việc làm bầu tự phát, hên xui, thua lỗ thì đóng cửa, không đánh giá đúng phân khúc thị trường, công tác nhận diện và quan hệ công chúng, chiến lược đầu tư phong cách theo từng khu vực… Lỗ hổng này cũng dẫn đến sự mai một trong cách hoạt động, khiến sân khấu xã hội hóa một thời bung ra 12 đơn vị, rồi tóp lại còn 5 đơn vị như hiện nay. Các sân khấu Minh Nhí, Quốc Thảo, Trịnh Kim Chi gần như ngưng hoạt động, chỉ nhận đào tạo học viên và làm vở cho học viên biểu diễn.
Cách dàn dựng của nhiều vở tuy vẫn giữ được tinh thần hiện đại và tính dân tộc, nhưng hơi quan cách, thiếu sự đối thoại, phản biện từ khán giả. Nói tóm lại, các vở kịch mới cứ ra đời, đôi khi ồ ạt, nhưng tuổi thọ không cao, vì ngày càng xa rời điều công chúng cần chia sẻ, thấu hiểu.
“Khi giá trị giải trí được xem trọng, bằng mọi cách để thỏa mãn thị hiếu cho một bộ phận người xem, sân khấu kịch đã buông bỏ mặt trận tư tưởng cần thiết làm nên thương hiệu của mình. Trong khi đó, đáng lý ra kịch nói phải dung hòa được giữa giải trí và tính nghệ thuật, nhằm đạt chất lượng thẩm mỹ, tư duy, thì mới mong tìm lại sức sống dài lâu, nhất là sau những đợt giãn cách xã hội như vừa rồi, khiến người xem càng dè dặt khi đến với sân khấu. Nếu không cải tiến và tạo ra được giá trị hợp lý hợp tình, sân khấu kịch sẽ lao đao nhiều hơn ngay sau lễ vinh danh 100 năm này. Bởi, nói theo NSND Trần Minh Ngọc, sân khấu kịch TP.HCM sống được nhờ bán vé, chứ không phải phát vé mời, cho nên, nếu không ý thức việc chuyển đổi tư duy từ kịch bản, đến hình thức dàn dựng, tương tác khán giả, thì kịch nói tại TP.HCM có thể sẽ chết” - Đạo diễn Thanh Hiệp thẳng thắn.
Cho nên, nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam, sân khấu TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung cũng cần thẳng thẳn nhìn lại, rút ra các bài học để đi vào tương lai. Riêng với TP.HCM, các cơ quan có trách nhiệm cũng cần hỗ trợ và ban hành các chính sách mang tính đặc thù để giúp sân khấu kịch xã hội hóa vượt qua giai đoạn khó khăn này.
(Còn tiếp)
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất