11/10/2012 08:18 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Thời điểm thu tiền tải nhạc trên Internet đã cận kề, nhiều người hy vọng trật tự về vấn đề bản quyền nhạc số sẽ được lập lại và khỏa lấp được những thiệt hại về kinh tế. Nhưng nhạc sĩ Huy Tuấn cho biết, anh không tin tưởng vào việc này, nó sẽ chẳng cải thiện điều gì đáng kể khi mà nghe nhạc thì hoàn toàn miễn phí, chỉ thu tiền khi tải nhạc…
Ngày 15/8/2012 Hiệp hội Ghi âm VN và Công ty MV Corp có cuộc họp báo tại TP.HCM, nội dung chính là ký hợp đồng với một số trang web chia sẻ nhạc trực tuyến để đồng loạt chính thức thu tiền tải nhạc (1.000đ/ lần/ ca khúc) từ ngày 1/11/2012.
Trước sự kiện 2 thương hiệu lớn Coca-Cola và Samsung rút hợp đồng quảng cáo khỏi trang Zing và nhạc sĩ Quốc Trung, Huy Tuấn chia sẻ trên Facebook thông điệp “Nghe có ý thức”, vấn đề bản quyền nhạc số lại nóng lên.
TT&VH có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Huy Tuấn.
Thay đổi ý thức tiêu dùng
* Anh có thể chia sẻ thêm về “Nghe có ý thức” mà mấy hôm nay báo chí đề cập?
- Đây chỉ là cách đặt vấn đề, là sự lên tiếng chính thức của những ca sĩ, nhạc sĩ đang nỗ lực phấn đấu trong nghệ thuật để góp phần xây dựng một thị trường âm nhạc phát triển. Là thông điệp gửi đến người nghe nhạc và cả những người quản lý. Tuy sự bức xúc này đã có từ lâu, nhưng chưa có tiếng nói chính thức một cách thiết thực, cụ thể từ phía những người bị thiệt hại.
* Anh hy vọng gì về việc “Nghe có ý thức” mà anh và Quốc Trung đang vận động?
- Thật ra, tôi và anh Quốc Trung chỉ là người đại diện, đằng sau chúng tôi là một nhóm bạn bè gồm những nhạc sĩ - nhà sản xuất âm nhạc tâm huyết như: Anh Quân, Đức Trí, Võ Thiện Thanh, Hồ Hoài Anh, Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Hải Phong… và tôi tin rằng có nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc khác cũng đồng tình với việc làm này.
Chúng tôi cũng không hy vọng là việc làm này tạo được những thay đổi nhanh chóng đối với một thói quen đã có hằng chục năm nay, bởi việc thay đổi một thói quen nó cần nhiều thời gian. Nhưng làm việc gì cũng có một bước khởi đầu, chúng ta không thể chần chờ hơn được nữa, đã quá muộn màng và điều này nếu để kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường âm nhạc. Chúng tôi muốn khởi đầu tiến trình thay đổi ý thức tiêu dùng của những người nghe nhạc - sử dụng sản phẩm trí tuệ cũng phải trả tiền như bao sản phẩm khác trong xã hội.
* Nếu một trang web nào đó chịu trả tác quyền, nhưng cho người dùng tải miễn phí, anh nghĩ gì về điều này?
- Tôi nghĩ điều đó không bao giờ xảy ra, vì không ai bỏ tiền ra để cho người khác dùng cả. Nhưng nếu chỉ mua tác quyền khai thác với mức vài trăm ngàn mà cho tải hàng triệu lượt miễn phí thì cũng không công bằng và có lẽ không đúng với tinh thần của Luật Sở hữu trí tuệ.
Trên thế giới không ai làm thế cả
* Với tình hình xã hội Việt Nam như hiện nay, theo anh việc lập lại trật tự bản quyền nhạc số gặp những khó khăn gì?
- Theo tôi, cái khó khăn là thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Có nhiều người chia sẻ với tôi rằng: người ta cho dùng miễn phí thì mình dùng miễn phí chứ đâu có lỗi gì. Nhưng họ không biết rằng, người có nguồn để cho dùng miễn phí là người (đơn vị) không trả tiền tác quyền cho sản phẩm ghi âm mà họ đang sử dụng.
Việc trả tiền khi nghe nhạc, tải nhạc sẽ làm cho người nghe có chọn lọc và những sản phẩm kém chất lượng sẽ bị đào thải. Đó cũng là điều công bằng trong nghệ thuật và là việc góp phần hạn chế những “thảm họa” mà báo chí từng đề cập.
* Ngày 1/11 tới đây một số trang web lớn sẽ đồng loạt thu phí tải nhạc, còn nghe nhạc thì vẫn miễn phí, nhưng chắc chắn còn một số trang web chưa đi vào nề nếp, có vẻ như “Nghe có ý thức” chưa sát với tình hình thực tiễn lắm, tại sao các anh không dùng một slogan khác?
- Ý tưởng của chúng tôi không những cho ngày hôm nay mà cho cả tương lai, chúng tôi mong muốn trong tương lai khi nghe một bản nhạc trên online, cũng giống như mua một đĩa nhạc trong cửa hàng băng đĩa, để nghe thì phải bỏ tiền ra mua với một giá cả hợp lý tùy hình thức mà mình sử dụng.
* Anh có tin tưởng vào việc từ 1/11/2012 việc thu tiền tải nhạc trên các website sẽ có những khả quan?
- Tôi không tin tưởng lắm, bởi nếu nghe nhạc được miễn phí, còn tải nhạc mới trả phí thì lúc nào muốn nghe, bạn cứ lên web mà nghe, cần gì phải tải về cho nhọc công. Một số trang web như iTune chẳng hạn, họ chỉ cho nghe một phần bài nhạc (khoảng 30 giây), sau đó nếu muốn thì tải về để nghe (và dĩ nhiên là phải trả tiền).
Hiện nay có vài trang web đã liên hệ với tôi để ký hợp đồng đưa một số ca khúc của tôi kinh doanh trên lĩnh vực nhạc số, với tinh thần là nghe thì miễn phí, còn tải nhạc mới trả tiền, nhưng tôi không đồng ý với phương thức kinh doanh đó. Đây là việc làm ngây ngô, trên thế giới chẳng ai làm như thế cả.
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Bình Minh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất