Tân Nhàn: Chỉ nên ngắm chứ không nên nghe Jenifer Phạm hát

01/12/2011 14:00 GMT+7 | Văn hoá

Tập sống chậm để thanh thản, bớt sân si theo giáo lý nhà Phật, Tân Nhàn đang cố gắng hướng mình đến một cuộc sống bình dị nhất. Tuy nhiên với âm nhạc nữ ca sĩ này vẫn chứa đầy tham vọng. Theo Tân Nhàn, sự dễ dãi của người làm nhạc và người thưởng thức đang đẩy âm nhạc đến bờ vực suy vong. Tân Nhàn nói thẳng, những giọng ca như Jenifer Phạm thì chỉ nên nhìn, không nên nghe.



Chết hụt nên nhận ra giá trị cuộc sống

* Chị có thể cho biết vì sao đang yên, đang lành lại phải quy y, ăn chay và hát nhạc Phật?

- Ở tuổi của tôi (Tân Nhàn sinh năm 1982 - PV), cái tuổi không còn quá trẻ để có thể nhìn cuộc đời bằng một sự bồng bột và nông nổi nữa. Đã trải qua quá nhiều những được mất, thiệt hơn, khó dễ nên nhìn nhận về cuộc đời cũng khác đi rất nhiều. Bây giờ, khi đã có trong tay những thành quả nhất định, nhìn về được mất, hơn thua mà mình đã trải qua trong đời mới ngộ ra rằng: mỗi được mất đều có lý do riêng của nó và mỗi người sống đều có đức tin của mình.

* Quy y cửa Phật được 2 năm, không ít lần ăn chay cả tháng trời, thậm chí bỏ thói quen chạy sô vào ngày mùng 1, chị cảm thấy thế nào?

- Tôi tìm được sự thanh thản, bớt sân si hơn, đó là điều mà chỉ khi đến với Phật rồi tôi mới có được. Nhất là sau khi bị tai nạn suýt chết thì tôi nhận ra cuộc đời còn có những giá trị lớn hơn nhiều. Bây giờ, tiền bạc, xe đẹp, nhà sang không còn là mục đích cuối cùng mà cả hai vợ chồng tôi tìm mọi cách để hướng tới, có được sự tiết chế đó là nhờ ngộ giáo pháp.

Bây giờ, ngay cả những khi khó khăn nhất, tôi chỉ cất lên một vài câu hát: "Chắp tay lạy người, cho xin nụ cười. Chắp tay lạy Trời cho đám mưa rơi. Chắp tay lạy Ðất, cho mầm cây tươi. Chắp tay lạy Nước, cho mát cõi đời. Chắp tay lạy rồi, lạy mãi không thôi..." trong bài "Chắp tay hoa" của nhạc sỹ Phạm Duy là tôi lại thấy cuộc sống của mình không vô nghĩa chút nào và mình phải sống tiếp cuộc đời này. Sống cuộc đời mà như Phật đã dạy "sống ở thác về" nghĩa là mình đã sống thì phải có trách nhiệm với kiếp được làm người, sống một cách nhẹ nhàng và thanh thản. Tôi muốn thông qua đĩa nhạc Phật để nói với mọi người rằng, đạo Phật là một đức tin và mọi người nên tin để có một cuộc sống thiền hơn, tĩnh lặng hơn, sống chậm và bớt sân si hơn.

* Đó là lý do khiến chị kết hợp nhạc Phật với nhạc dân gian trong album mới "Lạy Phật con về"?

- Thực ra, trước nay mọi người cứ hay nghĩ nhạc Phật là nhạc về tôn giáo, khô cứng và giáo điều nhưng không phải như vậy. Tôi muốn mọi người hãy nhìn nhận nhạc Phật như một tác phẩm âm nhạc đích thực vì trong nhạc đạo cũng có những cá nhân xuất sắc, họ viết nên một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh trên nền tảng chuẩn kiến thức âm nhạc và một đức tin, một hướng đạo, hướng thiện. Nhiều tác phẩm âm nhạc tôn giáo thậm chí còn hay hơn những tác phẩm âm nhạc bình thường vì nó được kết tinh nên bởi tinh thần thiện tâm. Chính vì vậy tôi muốn khán giả có cách nhìn và cách thưởng thức âm nhạc mới hơn về những tác phẩm âm nhạc tôn giáo. Tôi quyết định ra đĩa nhạc Phật "Lạy Phật con về" với đức tin về Phật nhưng cũng hy vọng, khi mọi người nghe đĩa nhạc này sẽ tìm được những thanh thản như tôi để sống cuộc sống không vô nghĩa.
 
 
 

Từng muốn đập đầu vào tường

* Điều gì khiến chị cùng một lúc ra DVD "Giọt thời gian" và CD "Lạy Phật con về" trong khi bản thân thừa nhận để thu lại được vốn của một sản phẩm âm nhạc cần một thời gian rất dài. Chị có hậu phương vững chắc ở phía sau?

- Hậu phương chỉ là một phần và quan trọng hơn là niềm đam mê nghệ thuật. Mỗi người có một mục đích sống và mục đích làm nghề. Đích của tôi khi theo đuổi dòng nhạc dân gian là mong muốn đưa dòng nhạc dân gian đến gần với đối tượng trẻ hơn. Bởi hiện nay, rất nhiều khán giả trẻ rời xa dòng nhạc dân gian, dòng nhạc cách mạng rất nhiều. Tôi nghĩ mình là ca sĩ, lại là giáo viên giảng dạy âm nhạc nên phải có trách nhiệm định hướng gu thẩm mỹ cho các đối tượng khán giả để họ được đến gần với âm nhạc đúng chất. Gần đây tôi hay nghe người ta nói là tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng... mà không thấy ai nói đến việc tái cơ cấu nền âm nhạc Việt Nam trong thời điểm hiện tại cả. Trong khi âm nhạc Việt Nam trong thời điểm hiện tại lại đang trong tình trạng rất hỗn loạn.

Bây giờ người mẫu, MC, diễn viên, hotboy, hotgirl... ai cũng có thể cầm mic lên sân khấu hát và ai cũng có thể làm được ca sĩ trong khi hát thì chẳng thể nào lọt được vào tai. Chỉ mới hôm qua đây thôi tôi còn thấy có bài báo khen giọng hát của cô Jenifer Phạm là hay mà tôi thì thấy cô ấy hát chẳng được chút nào. Cô ấy rất đẹp nhưng sắc đẹp và giọng hát là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Chúng ta cần phải có một sự nhìn nhận nghiêm túc về âm nhạc cũng như đặt các giá trị đúng chỗ của nó thì mới mong làm cho nền âm nhạc phát triển được. Khán giả là người thưởng thức nhưng cũng cần phải biết thanh lọc, cái gì chỉ nên để nhìn ngắm ở mắt, cái gì nên nghe để lọt vào tai... Thực sự, nhìn vào thị trường âm nhạc hiện nay tôi hết sức lo lắng. Nhìn vào những thứ âm nhạc người ta đang làm mà chỉ muốn đập đầu vào tường, đập đầu vào lan can. Tôi không thể hiểu nổi những thứ các ca sĩ trẻ bây giờ đang làm có phải là âm nhạc hay không nữa.

* Tại sao ông xã Tuấn Anh của chị rất ít khi ra album trong khi chị lại ra liên tục. Liệu hai người có sự thỏa thuận ngầm nào với nhau không?

- Như tôi và ông xã từng nói trước đây, đó là sự phân công lao động trong gia đình (cười). Anh Tuấn Anh muốn dành mình nhiều hơn cho giảng dạy và nghiên cứu. Còn tôi, giảng dạy và nghiên cứu không được bằng anh bởi phải mất quá nhiều thời gian cho các sô diễn. Thời điểm hiện tại nằm trong kế hoạch 10 năm quảng bá dòng nhạc dân gian của tôi. 10 năm sau tôi sẽ đầu tư nhiều hơn cho công tác nghiên cứu và giảng dạy, đấy là mục đích sống và con đường nghệ thuật mà tôi hướng tới trong tương lai.

* Đó cũng là động lực khiến chị học lên Tiến sỹ?

- Thực ra, đó không phải là một điều gì ghê gớm cả. Bản thân tôi không phải là người học giỏi nhưng lại luôn muốn cố gắng và vươn lên, nhất là mình lại đang ở cương vị của một giảng viên đại học. Trong tương lai, cũng giống như các nước trên thế giới, giảng viên đại học phải là người đạt chuẩn tiến sỹ và tôi muốn phát triển sự nghiệp giáo dục của mình thì phải đạt được chuẩn chung trong tương lai ấy. Tôi không nghĩ cao siêu gì hết, không phải nghĩ mình là ca sĩ nên học thêm cái bằng tiến sỹ cho oai mà chỉ đơn giản là đáp ứng một đòi hỏi hết sức thực tế của lĩnh vực mình đang theo đuổi. Mình đi dạy người khác thì phải có kiến thức hơn người khác chứ không thể kém hoặc bằng hơn được.

* Sau này người ta không gọi chị là ca sĩ nữa, mà gọi là Tiến sỹ Tân Nhàn thì sao nhỉ?

- Nếu được như vậy thì tôi quả là rất vui. Cũng có người hỏi tôi là thích được trở thành Nhà giáo Nhân dân hay thích trở thành Nghệ sĩ Nhân dân, tôi có nói rằng, trở thành nghệ sĩ của muôn dân là điều rất đáng quý và ai cũng muốn. Nhưng tôi thích trở thành Nhà giáo Nhân dân hơn vì việc đào tạo ra tài năng âm nhạc cho đất nước là mục đích cuối cùng tôi muốn hướng tới.
 
 

 
Thấy có lỗi nhất với con trai

* Học lên Tiến sỹ, giảng dạy, chạy sô, làm album... chị chăm lo cho gia đình thế nào?

- Đó đúng là điều mà mỗi lần nhắc đến là tôi lại thấy rất áy náy và day dứt. Cũng may gia đình nhà tôi lúc nào cũng đông người, có bà ngoại và các chú, dì, cháu của tôi lên học đại học trên này lại ở chung với gia đình nên thay nhau giúp hai vợ chồng trông nom nhà cửa, chăm sóc con. Bây giờ, ngoài thời gian cho công việc, tôi cũng cố gắng tranh thủ ở nhà để chăm lo cho con trai. Mọi người gặp bảo chán quá, sống cứ như một bà già, suốt ngày ngồi tụng kinh niệm Phật (ý nói hát nhạc Phật), chẳng shoping, chẳng cà phê cà pháo gì với bạn bè... Nhưng tôi nghĩ, cuộc đời này không ai cho hay lấy đi của ai cái gì cả, phải tự mình nỗ lực phấn đấu để làm nên tất cả thôi.

Tuy nhiên, điều khiến tôi thấy có lỗi nhất vẫn là con trai. Trong khi mẹ thì quá mải miết với những ý tưởng lớn của cuộc đời thì con lại không được sự vỗ về, chăm sóc thường xuyên của mẹ. Bé sinh ra cân nặng không được nhiều và bị bệnh về đường tiêu hóa nên dù có năm nào cả hai vợ chồng cũng vác con đi bệnh viện nhưng bệnh tình của con vẫn không cải thiện được. Còn về độ chăm lo cho con thì cũng hơn hẳn những bé khác rất nhiều.

* Chị nói quy y để bớt sân si nhưng trong mình lại chứa nhiều tham vọng, liệu có mâu thuẫn không?

- Thế nên tôi mới nói với thầy (nhà sư) tôi rằng "thầy ơi, con còn sân si nhiều quá!". Thầy tôi mới bảo với tôi rằng "Nếu con cạo đầu, xuống tóc, vào chùa... thì mới mong hết sân si, chứ con còn sống với cuộc đời thì con vẫn phải đời".  Cho nên, tôi hát nhạc Phật là để hướng con người đến sự giác ngộ và giúp họ tìm được một sự thanh thản giữa cuộc đời, không mong cầu gì to tát cả. Tuy nhiên, con người sinh ra ai cũng có một kiếp nạn từ trước và mình sống giữa cuộc đời này là để trả nợ nghiệp duyên tiền kiếp.

* Và đó là lý do chị quyết định dành toàn bộ tiền bán được từ album nhạc Phật giáo để giúp đỡ cho những người đang gặp khó khăn?

- Nói ra có thể không ai tin nhưng khi tôi xem nhiều bài báo nói về cảnh đời trên mạng tôi không dám xem, chỉ dám lướt qua vì nó quá đau lòng. Nhưng bây giờ đùng một cái mà bỏ ra hàng trăm triệu để đi giúp người này đến người khác thì quả là vượt quá khả năng của mình. Tôi nghĩ, cuộc đời này có rất nhiều người cần được giúp đỡ và nếu thực sự mình có tấm lòng thì chắc chắn tấm lòng của mình sẽ đến được với những người cần sự giúp đỡ ấy. Hơn thế nữa, mình đầu tư cho một sản phẩm âm nhạc để lấy nguồn thu lâu dài và có thể giúp được cho nhiều người hơn, đó là hướng đi khả quan nhất.

* Cảnh ngộ nào khiến chị thấy ám ảnh nhất trong thời gian gần đây?

- Cách đây mấy hôm, khi đọc trên một trang báo mạng về hoàn cảnh sống của một gia đình có hai anh em, người em mới lên 7 tuổi nhưng đã phải chạy thận quanh năm, dù cả nhà đã phải cặm cụi làm lụng đủ nghề nhưng nhà vẫn rất nghèo. Và sau nhiều năm chạy thận thì gia đình đã kiệt quệ, đành phải để em chết mòn trong bệnh tật. Đọc bài báo này tôi đã không thể cầm được nước mắt. Cũng chính vì thế mà các hoạt động từ thiện của tôi thường hướng nhiều đến đối tượng trẻ em.

 * Sau 2 album trên, chị có định sẽ ra album nào khác trong thời gian tới?

- Trước mắt trong năm sau sẽ ra một đĩa nhạc mang tính thể nghiệm mới, nó sẽ gần hơn với âm nhạc thế giới nhưng khán giản Việt Nam cũng có thể tiếp nhận dễ dàng đó là World music. Thể loại nhạc này đã từng được nghệ sĩ Quốc Trung thể nghiệm trong chương trình "Đường xa vạn dặm". Tôi sẽ kết hợp với nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, hát lại các bài hát xẩm, ca trù, chèo... trên nền nhạc Jazz để gần hơn với âm nhạc thế giới mà vẫn giữ được bản sắc của âm nhạc dân tộc Việt Nam.


* Vậy dự định về chuyện sinh thêm em bé thì sao?

- Cuộc sống của tôi luôn có nhiều dự định, 5 năm rồi 10 năm. Việc con cái hai vợ chồng dự định khoảng 4 năm nữa mới sinh thêm em bé tiếp theo. Đấy là dự định thôi (cười) còn nếu có sự thay đổi nào đó thì chưa thể nói trước vì con cái là của trời cho mà. Thời gian tới chắc tôi sẽ nghỉ không chạy sô nhiều nữa trong vòng 6 tháng để lấy lại sức lực và tiềm lực kinh tế mới có thể "tái" đầu tư cho sự nghiệp của mình được.

* Cảm ơn Tân Nhàn, chúc chị thành công và sớm “đắc đạo”

Theo Gia đình và Xã hội

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link