15/01/2014 06:51 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - Quả cầu vàng công nhận 12 Years a Slave là thành tựu điện ảnh quan trọng, nhưng lại cho American Hustle nhiều vinh quang hơn ở các giải phụ. Đây có thể là tín hiệu về việc 12 Years a Slave sẽ không vơ vét tượng vàng ở giải Oscar như dự báo.
Thông thường một bộ phim được công nhận là hay nhất, nhưng lại không được tôn vinh về mặt diễn xuất hay chỉ đạo, sẽ gây ra tranh cãi. Tối 12/1, hiện tượng trên đã xảy ra ở lễ trao giải Quả cầu vàng.
12 Years a Slave giành giải quan trọng nhất là Phim chính kịch xuất sắc, nhưng trắng tay ở tất cả các hạng mục khác được đề cử, gồm nhiều hạng mục quan trọng: Đạo diễn, Nam diễn viên chính, Nam và Nữ diễn viên phụ xuất sắc trong phim chính kịch.
Xuất sắc tổng thể làm lu mờ chi tiết
Theo Telegraph, 12 Years a Slave là một phim xuất sắc về tổng thể, nhưng chính vì thế những điểm xuất sắc về chi tiết lại khó bật lên. Đó là điều nghe trái khoáy nhưng lại là sự thật.
Ngược lại, những phim kém hơn về tổng thể nhưng được đầu tư để làm bật một vai diễn chủ đạo, lại dễ giành giải về diễn xuất. Điều này xảy ra khá thường xuyên trong điện ảnh. Minh chứng cụ thể là American Hustle (tạm dịch: Kẻ bịp bợm Mỹ), vốn ít tỏ ra “đe dọa” hơn, lại giành được các giải thưởng “phụ” nặng ký. Bộ phim của đạo diễn David O Russell thắng giải Phim hài/ca nhạc hay nhất và 2 giải diễn xuất Nữ diễn viên chính, phụ xuất sắc trong phim hài/ca nhạc, lần lượt cho Amy Adams và Jennifer Lawrence.
Mặc dù vậy, 12 Years a Slave của đạo diễn Steve McQueen vẫn là mốc son của điện ảnh 2013. Các thành viên bỏ phiếu của Hiệp hội Báo chí quốc tế Hollywood (nơi tổ chức trao giải Quả cầu vàng) muốn truyền tải thông điệp đó, khi trao giải thưởng lớn nhất và duy nhất dành cho phim này.
Theo Telegraph, các nhà báo và nhà phê bình điện ảnh khắp thế giới, hầu hết đều “chết mê chết mệt” 12 Years a Slave, vẫn giữ vững niềm tin rằng nó sẽ giành giải Phim hay nhất ở cả lễ trao giải do Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh quốc (BAFTA - Anh) tổ chức, lẫn giải Oscar (Mỹ). Nhưng việc bộ phim có vơ vét giải thưởng hay không thì cần phải xem lại sau sự kiện Quả cầu vàng.
Nghiêm túc hóa giải Quả cầu vàng
Các nhà quan sát nói rằng lâu nay giải Quả cầu vàng cũng không có nhiều giá trị dự báo đối cho giải Oscar danh giá hơn. Giải này từng trao vinh quang cho phim Atonement vào năm No Country for Old Men thắng Oscar, và chọn Avatar để rồi giải Oscar năm đó được trao cho The Hurt Locker. Gu của 2 giải thưởng đi theo hai hướng quá xa nhau.
Khi viết về Quả cầu vàng năm nay, Telegraph đánh giá giải không có tác dụng “lựa chọn chính xác người chiến thắng” mà đóng vai trò “khuấy động mọi thứ”, bắt đầu mùa trao giải thưởng của làng điện ảnh. Hôm 12/1, giải đã làm đúng vai trò của mình, khiến công chúng điện ảnh háo hức, nhóm lên ngọn lửa phấn khích.
Mặc dù vậy, tín hiệu vui cho Quả cầu vàng là trong những năm gần đây, giải ngày càng cải thiện được gu bầu chọn vốn nghèo nàn, “hàng chợ”, giảm bớt sự vô nghĩa gây cười.
Chuyên gia quán quân và á quân Trong số các nhà báo điện ảnh uy tín nhất nước Mỹ, 24 người xếp 12 Years a Slave thứ nhất trong bảng xếp hạng phim hay nhất năm 2013 của họ. các nhà báo này tới từ nhiều tờ báo và hãng thông tấn danh tiếng như New York Times, Washington Post, BBC, AP... cũng có khoảng 20 người xếp bộ phim ở vị trí thứ hai. Điều đó chứng tỏ trong mắt giới phê bình, 12 Years a Slave chắc chắn là phim hay nhất nhì năm 2013. Một bộ phim được đánh giá cao như vậy, nếu không “càn quét” Oscar hoặc chí ít là giành giải Phim hay nhất, thì sẽ rất đáng tiếc. |
My Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất