Oscar lần thứ 83: “Cuộc chiến” Anh - Mỹ trước giờ G

28/02/2011 08:25 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Khi bạn cầm trên tay tờ báo này thì những người có mặt tại nhà hát Kodak ở Los Angeles (Mỹ) và hàng triệu khán giả màn ảnh nhỏ vẫn đang “nín thở” chờ kết quả các giải thưởng chính tại lễ trao giải Oscar lần thứ 83 (diễn ra vào sáng nay, 28/2 theo giờ Việt Nam). Cuộc đua giành giải Oscar Phim hay nhất được xem như một “cuộc chiến” giữa Anh và Mỹ với đại diện là các phim The King’s Speech The Social Network.

>> Chuyên đề: Oscar lần thứ 83

Cả 2 phim đều được đề cử ở các hạng mục Kịch bản, Đạo diễn (David Fincher và Tom Hooper) và Diễn xuất (cho các diễn viên chính là Jesse Eisenberg và Colin Firth). Tác phẩm nào đoạt giải Phim hay nhất thì có nghĩa là lễ trao giải này đã đem chiến thắng về cho đất nước mà tác phẩm đó đại diện. The King’s Speech (Bài diễn thuyết của nhà Vua) thì nhìn lại lịch sử. Còn phim The Social Network (Mạng xã hội) là câu chuyện tinh hoa của Mỹ kể về sự hình thành của mạng xã hội Facebook với dàn diễn viên là các gương mặt trẻ.

Jesse Eisenberg trong phim The Social Network
Theo giới phân tích, bạn không thể tìm được tác phẩm điện ảnh nào mang những đặc trưng của nước Anh “đậm” hơn The King’s Speech - phim kể về Vua George VI, cha của Nữ hoàng Elizabeth II (và bà đã có những lời ca ngợi dành cho phim). Hơn nữa, trong phim còn có sự tham gia của dàn diễn viên “đặc” Anh, ngoại trừ diễn viên Australia Geoffrey Rush - người được đề cử giải Oscar Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Theo nhìn nhận của Matthew Belloni, biên tập viên của tờ The Hollywood Reporter, thì The King’s Speech chiếm ưu thế hơn trong số người xem đã đứng tuổi. Do vậy, phim sẽ dành được nhiều phiếu bình chọn của các thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ hơn khi tuổi trung bình của họ là 57.

The Social Network đã trở thành một ứng cử nặng ký cho cuộc đua Oscar sau khi phim thắng đậm tại lễ trao giải Quả cầu Vàng và đoạt giải của các Hiệp hội Phê bình hàng đầu hồi cuối năm ngoái. Nhưng The King’s Speech cũng không kém khi đã “rinh” các giải thưởng hàng đầu của các Hiệp hội Các nhà sản xuất, các Đạo diễn và Diễn viên Điện ảnh Mỹ.

“The King’s Speech là phim mà Viện Hàn lâm yêu thích”, Peter Travers - nhà phê bình điện ảnh của tạp chí Rolling Stone - nhận định và giống như hầu hết các nhà phê bình khác, ông đoán Colin Firth sẽ đoạt giải Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Colin Firth trong phim The King’s Speech
Bà Patricia Chui - Tổng biên tập của Moviefone.com - cũng đồng tình: “Colin Firth có nhiều khả năng đoạt giải. Jesse Eisenberg trẻ và tài năng, cậu ấy còn có thời gian”.

Theo Travers, rất có thể The King’s Speech còn đem về giải Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Helena Bonham Carter - người thủ vai Hoàng hậu trong phim, và giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Geoffrey Rush. Mặc dù Travers cũng đặt cược các giải này cho Melissa Leo và Christian Bale trong phim The Fighter.

Trong khi đó, Travers và bà Chui tin rằng đạo diễn David Fincher sẽ thắng Tom Hooper (phim The King’s Speech) để đoạt giải Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất. Theo bà Chui thì “Fincher đã đối diện với thách thức lớn hơn khi đưa kịch bản phim của Aaron Sorkin vào đời thực. Còn sức mạnh của phim The King’s Speech là diễn xuất. Đây là sưu tập tuyệt hảo của các màn diễn xuất”.

Theo các nhà phê bình này, thì kịch bản của Sorkin đoạt giải Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất và tác giả kịch bản của phim The King’s Speech đoạt giải Kịch bản độc đáo nhất. Phim Social Network còn có nhiều cơ hội đoạt giải Nhạc nền hay nhất, với tác giả là Trent Reznor - cựu thành viên trụ cột của nhóm Nine Inch Nails.

Trên đây là một số phân tích “thế mạnh” của 2 ứng cử viên sáng giá nhất cho giải Oscar Phim hay nhất năm 2011. Kết quả giải Oscar, TT&VH sẽ cập nhật trên số báo sau.

Tượng Oscar “tăng giá”

Nhiều khả năng lễ trao giải Oscar năm nay sẽ tiêu tốn hơn 130 triệu. Các hãng phim có thể chi từ 2 đến 20 triệu USD cho các chiến dịch cho giải này, trong đó có việc quảng cáo và các bữa tiệc.

ABC ước tính sẽ thu được hơn 80 triệu USD từ việc bán quảng cáo trên mạng lưới của mình và như vậy sẽ tăng 14% so với năm ngoái (70 triệu USD). Trong khi công ty mẹ của nó là Walt Disney Co. phải chi cho Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ 65-70 triệu USD để mua các quyền phát sóng lễ trao giải trên truyền hình ở thị trường nội địa và quốc tế.

Còn Viện Hàn lâm phải chi khoảng 30 triệu USD để sản xuất chương trình lễ trao giải kéo dài hơn 3 tiếng này. Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm còn phải tiêu tiền vào một số thứ khác như hoa, đồ ăn và tượng Vàng Oscar. Mỗi bức tượng trị giá khoảng 830 USD - cao gấp đôi so với cách đây 5 năm do giá vàng và đồng tăng cao. Buổi lễ trao giải này còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 7.000 người, trong đó 3.000 người phục vụ hậu trường.

“Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế trầm trọng cách đây 2 năm, người ta muốn sống bình lặng. Tuy nhiên giờ đây nhiều người đã sẵn sàng chi ít tiền cho giải trí”, Richard LoGuercio, ông chủ của Town & Country Event Rentals of Van Nuys - công ty chuyên tổ chức tiệc - cho biết.

Còn Chuck Pick, chủ của Chuck’s Parking - nơi có công ty Sherman Oaks cung cấp dịch vụ bãi đỗ xe cho 21 bữa tiệc Oscar - cho biết chỉ riêng trong tuần qua, công ty của ông thu đã về được 50.000 USD.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link