Thời 'sính ngoại' trong đào tạo trẻ

22/01/2015 16:10 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Xu hướng “Tây hóa” trong đào tạo bóng đá trẻ đã xuất hiện sau thành công bước đầu của Học viện HAGL Arsenal JMG. Chủ đề của Cà phê thể thao tuần này với nhà báo Hồng Ngọc.

Cà phê thể thao: Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng tiết lộ rằng Manchester City đang muốn hợp tác với VFF trong việc đào tạo trẻ, còn Cần Thơ thì đang tiếp xúc với Feyenoord để mở học viện tương tự HAGL Arsenal JMG. Liệu đây có phải là thói "sính ngoại" của bóng đá Việt Nam hay không, anh Hồng Ngọc?

Hồng Ngọc: Chúng ta đang sống trong nền văn minh toàn cầu, mà những giá trị văn hóa và sáng tạo chúng ta đang thụ hưởng đến từ bên ngoài nhiều hơn là từ trong nước. Dễ hiểu: Chúng ta chỉ là một quốc gia trong hàng trăm quốc gia trên địa cầu, nên sức sáng tạo của chúng ta xét theo xác suất chỉ là một phần trăm.

Tình hình thực tế còn tồi tệ hơn, vì chúng ta là một quốc gia kém phát triển, kém sáng tạo. Vì kém nên chúng ta phải học, quá trình này sẽ đẩy nhanh tốc độ chúng ta phát triển hơn là nỗ lực sáng tạo độc lập hoàn toàn, vì có thể nỗ lực sáng tạo của chúng ta chỉ để phát hiện ra cái mà thiên hạ đã biết từ hàng trăm năm trước.



Lứa cầu thủ Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường được tuyển chọn và đào tạo từ sự kết hợp giữa CLB HA.GL và Arsenal. Ảnh: Tuân Phạm

Tức là anh đang ủng hộ trào lưu hướng ngoại trong đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam. Nhưng trước khi có trào lưu này, vẫn có những trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ nổi trội thuần Việt ở trong nước, như Thể Công hay SLNA. Sao không có địa phương nào nhận “chuyển giao công nghệ” từ họ mà cứ phải “chuyển giao công nghệ” từ nước ngoài, khi mà việc “chuyển giao công nghệ” từ trong nước chắc chắn sẽ phù hợp với điều kiện của các địa phương khác hơn là từ một nước phát triển, đó là chưa kể lợi thế cùng ngôn ngữ giúp thuận lợi trong giao tiếp hơn?

Một câu hỏi hay! Nhưng nếu tìm hiểu sâu sắc hơn, chúng ta sẽ không ngạc nhiên với điều đó. Thứ nhất, phải nói rằng dù là những trung tâm đào tạo hàng đầu thì Thể Công trước đây hay SLNA không có cái gọi là “công nghệ đào tạo”. Công nghệ cần được hiểu như một quy trình vận hành hoàn chỉnh, có cơ sở lý thuyết, có phương pháp khoa học, có các bộ phận thực hiện được chuẩn hóa và thống nhất thông qua những cá nhân được đào tạo để thấm nhuần công nghệ đó. Khi đã trở thành công nghệ thì nó ít phụ thuộc yếu tố cá nhân, vì quy trình và phương pháp không thay đổi.

Thể Công trước đây không như thế. Lứa cầu thủ sinh năm 1975-1977 do một HLV đào tạo trẻ là Nguyễn Văn Tuấn đào tạo, chú trọng sâu về các kỹ thuật và chiến thuật cơ bản, chỉ đến tuổi trưởng thành mới bắt tập nặng. Sản phẩm là lứa của những Việt Hoàng, Đức Thắng, Mạnh Dũng không gặt hái được nhiều thành tích ở các giải trẻ trước năm 20 tuổi, nhưng phát triển rất tốt sau tuổi đó, và thể hình cũng rất tốt.

Lứa cầu thủ sinh năm 1980-1982 do HLV Quản Trọng Hùng đào tạo lại đi theo một đường lối khác: tập rất nặng từ tuổi 15-16, chú trọng vào chiến thuật và thi đấu từ rất sớm. Kết quả là họ đã gặt hái một loạt danh hiệu ở lứa tuổi U18, U19, và cả U21, nhưng lại không có ai phát triển được lên đỉnh cao, và thể hình thì quắt queo. Cùng là một lò Thể Công, với hai lứa cầu thủ cần kề nhau, ở cùng giai đoạn phát triển lại được huấn luyện theo cách thức khác hẳn nhau, nên không thể gọi đó là “công nghệ đào tạo” được.

Yếu tố mà Thể Công hơn hẳn các đội bóng khác là do đặc thù thời chiến và hậu chiến, họ quy tụ được những cầu thủ giỏi nhất của bóng đá Việt Nam, và những người đó làm những việc liên quan đến bóng đá thường là giỏi hơn những cựu cầu thủ khác. Những cựu cầu thủ xuất ngũ là các “quân nhân chuyên nghiệp”, được hưởng lương từ ngân sách quân đội, và họ lại làm việc tốt nhất là với bóng đá. 



Trong tương lai gần, VFF sẽ hợp tác với CLB nổi tiếng Manchester City?

Trong khi với các trung tâm đào tạo địa phương thì tiền lương cho các HLV trẻ bị giới hạn trong ngân sách địa phương cấp cho thể thao. Vì thế, các địa phương khác khó mà học hỏi được Thể Công trong việc đào tạo.

SLNA thì khác. Từ 15 năm trước, Nghệ An đã tạo dựng thành công mạng lưới bóng đá trẻ, bóng đá học đường, mà trung tâm đào tạo SLNA chỉ là đỉnh tháp. Nhờ thế, Nghệ An có phong trào bóng đá phát triển vượt trội so với cả nước. SLNA tìm kiếm tài năng từ mạng lưới đó, và họ có thể lấy nhân sự bổ sung, thay thế cho tuyến đào tạo trẻ chính quy của mình từ đó.

Tỷ lệ lớn nam thanh niên từ Nghệ An ra Hà Nội làm việc khi đá các giải phong trào luôn thể hiện được các phẩm chất hoặc kỹ năng đặc biệt mà rất hiếm các cầu thủ phong trào từ các địa phương khác có được.

Nhưng để tạo dựng được mạng lưới như vậy, cần có ít nhất 10 năm để gây dựng, và cũng phải nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương. Trong bóng đá Việt Nam, tôi chỉ biết duy nhất có một người là ông Nguyễn Hồng Thanh có thể bỏ ra cả một thập kỷ chỉ để xây nền móng từ bóng đá phong trào, mà con người đó không “chuyển giao” cho các địa phương khác được.

Còn nói về chất lượng đào tạo thì tôi không đánh giá cao lò SLNA. Họ hun đúc cho cầu thủ của mình bản năng bóng đá hơn là phát triển tư duy bóng đá, và cách thức đó rõ ràng không phải là công nghệ đào tạo.

Anh tin rằng việc du nhập công nghệ đào tạo cầu thủ trẻ từ châu Âu sẽ giúp giải quyết các khiếm khuyết đó? Nhưng thực tế thì Học viện HAGL Arsenal JMG vẫn lệ thuộc vào “thầy Giôm”?

“Thầy Giôm” hay một ông thầy  nào do Học viện Arsenal JMG cử đến thì căn bản cũng thế thôi, đó mới là công nghệ. Chúng ta không khó để nhận ra lối chơi của các cầu thủ HAGL hiện tại rất giống với CLB Arsenal. Tất cả đã được chuẩn hóa, thống nhất, dựa trên việc nghiên cứu theo cách của họ.

Điều quan trọng không kém là với một ông “thầy  Tây” đứng đầu, các cầu thủ trẻ Việt Nam ít bị nhiễm các thói hư tật xấu của các cựu cầu thủ Việt hơn, sinh hoạt cũng sẽ nề nếp, kỷ luật hơn, và có nhiều thói quen tích cực hơn. Đó là nền tảng cho sự phát triển của các cầu thủ sau này.

Vấn đề là khi các “thầy Tây” đó rút đi, các “thầy ta” từng làm việc cạnh họ sẽ học hỏi được những gì?

Cách đặt vấn đề rất thú vị! Tôi e là câu trả lời không được tích cực lắm. Học tập không chỉ là sự sao chép đơn thuần, vì cuộc sống luôn có những tình huống không tồn tại trong bài vở nào trước đó. Để tự giải quyết được, cần phải hiểu được bản chất của công nghệ đào tạo, cũng như hiểu được bản chất của vấn đề.

Muốn vậy, các “thầy ta” khi làm việc cùng “thầy Tây” luôn phải đặt ra câu hỏi tại sao trong khi làm việc với công nghệ đó, chứ không phải chỉ làm việc như một người chỉ đâu đánh đấy.  Chắc ta phải đợi đến lúc chính các cầu thủ là sản phẩm của công nghệ đào tạo mới này trở thành những ông thầy, tình hình mới có cơ hội thay đổi, để công nghệ mới thật sự được chuyển giao cho người Việt.

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link