24/06/2016 20:31 GMT+7 | Bóng đá Anh
(Thethaovanhoa.vn) - Đầu tuần này tất cả 20 CLB Premier League đã bày tỏ sự ủng hộ Vương quốc Anh vẫn thuộc EU. Nhưng sau khi người dân Anh bỏ phiếu rời EU, một số hậu quả có thể xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ tới Premier League và cả tới toàn bộ nền bóng đá Châu Âu và thế giới nói chung.
Việc người dân Anh bỏ phiếu rời EU có thể làm cho đồng bảng suy yếu thêm do bất ổn trong việc Anh sẽ thương thảo các hợp đồng thương mại trong tương lai như thế nào. Các công ty nước ngoài tận dụng việc Anh tiếp cận thị trường mậu dịch tự do Châu Âu vì thế cũng sẽ giảm đầu tư vào Anh.
Điều này khiến cho giá mua cầu thủ nước ngoài vào Premier League gia tăng. Chẳng hạn, Juventus đặt giá 160 triệu bảng euro cho Paul Pogba. Cuối tháng 6/2015 thì tỷ giá hối đoái giữa đồng euro và đồng bảng là 0,709 nhưng tỷ giá này có thể tăng lên 0,900 hoặc cao hơn nữa sau khi Anh rời EU.
Điều đó sẽ buộc các đội bóng Premier League phải tiêu nhiều tiền hơn để chiêu mộ các ngôi sao ngoại quốc. Chelsea hay hai đội bóng thành Manchester sẽ phải bỏ ra từ 113,4 tới 144 triệu bảng để có Pogba, tức là họ phải chi thêm hơn 30 triệu bảng nữa. Trong khi đó chi phí mua Pogba mà các CLB khác trong khối EU phải bỏ ra, chẳng hạn như Real Madrid, không có gì thay đổi.
Nếu hợp đồng chuyển nhượng của các cầu thủ nước ngoài được thương lượng bằng đồng euro thay vì đồng bảng thì tổng quỹ lương của các đội bóng Premier League sẽ gia tăng. Tác động của tất cả các yếu tố trên có thể khiến các CLB Premier League gặp vấn đề trong việc đáp ứng các quy định của FFP nếu họ muốn tăng cường lực lượng bằng cách chiêu mộ cầu thủ nước ngoài.
Vấn đề mới sẽ nảy sinh nếu chính phủ Anh áp thuế mua sắm cầu thủ dù đây là một trong những quyết định của chính phủ cần vài năm mới có thể áp dụng. Biểu quyết rời EU đồng thời sẽ giúp các đội bóng không thuộc Premier League tốn ít chi phí hơn khi mua cầu thủ từ Anh, chẳn hạn nếu họ mua Dimitri Payet từ West Ham.
Rời EU, Premier League phải chi thêm cỡ 30 triệu bảng để mua Paul Pogba
Hấp lực với các nhà đầu tư
Hiện Premier League rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài khi có tới 14 đội bóng thuộc sở hữu toàn bộ hoặc một phần của các ông chủ ngoại quốc. Tin vui cho các ông chủ ngoại quốc là việc Anh tách khỏi EU thì giá trị của các CLB Premier League sẽ giảm đi do đồng bảng mất giá.
Điều đó đồng nghĩa với việc các CLB Premier League vẫn hấp dẫn trong mắt giới đầu tư như khi Anh còn là thành viên EU. Làn sóng các nhà đầu tư mới bị cuốn hút tới Premier League vì hy vọng kiếm lời. Nếu lợi nhuận của việc mua và bán một đội bóng sụt giảm do đồng bảng suy yếu thì điều này có thể cản trở đầu tư.
Năng lực mua sắm
Hiện khoảng 65% cầu thủ Premier League đến từ nước ngoài. Các đội bóng Anh hiện thoải mái mua bất kỳ cầu thủ nào có hộ chiếu EU do họ được tự do di chuyển theo quy định của luật lao động.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu việc Anh rời EU liên quan tới sự dịch chuyển lao động vẫn là ẩn số chưa được giải đáp. Viễn cảnh đẹp nhất là quan hệ mới của Anh với EU tiếp tục cho phép dòng lao động được tự do dịch chuyển. Nếu vậy, khả năng thu hút cầu thủ ngoài EU của các đội bóng Anh không có gì thay đổi.
Viễn cảnh tệ nhất là các quy định hiện hành về ký cầu thủ ngoài EU có thể áp dụng cho những đội bóng thuộc EU. Những quy định này chỉ cho phép mua sắm cầu thủ nếu cầu thủ đó đạt tỷ lệ nhất định về số trận khoác áo ĐTQG. Nếu những quy định đó được áp dụng thì các đội bóng Anh đã không mua được những Eric Cantona, Paolo Di Canio và Cristiano Ronaldo vào thời điểm họ đến đây.
Mới hơn nữa, Leicester City sẽ không thể mua N’Golo Kante từ Caen cách nay 12 tháng nếu áp dụng quy định nói trên. Những người ủng hộ Anh rời EU nói rằng việc này sẽ tạo ra nhiều cơ hội thi đấu hơn cho các cầu thủ bản địa, nhất là các cầu thủ trẻ. Ngoài ra, chuyện này cũng có ảnh hưởng tích cực tới tuyển Anh.
Giấy phép lao động ở EU
Hiện nhiều cầu thủ Nam Mỹ có thể tránh được những quy định về hạn chế cầu thủ nước ngoài của FA bằng cách nộp đơn xin hộ chiếu Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha nếu cha mẹ họ đến từ các nước EU đó hoặc nếu họ đáp ứng được các điều kiện về cư trú ở một nước EU.
Có thể kể ra một số ví dụ như các trường hợp của Angel Di Maria khi anh còn ở Manchester United, của Diego Costa ở Chelsea hay của Leonardo Ulloa ở Leicester. Các cầu thủ nước ngoài khác được các đội bóng Premier League chiêu mộ rồi đem cho các đội bóng khác ở những nước EU có những quy định nới lỏng hơn về visa mượn để lấy quyền công dân EU trước khi trở lại với CLB chủ quản của họ.
Điều 19 luật chuyển nhượng và những tác động liên quan
Theo quy định của FIFA, các cầu thủ dưới 18 tuổi bị cấm chuyển nhượng trên phạm vi quốc tế. Những quy định này không áp dụng với các cầu thủ trong độ tuổi 16-18, chuyển nhượng trong phạm vi EU hoặc trong khu vực kinh tế Châu Âu (EEA).
Vì thế nếu Anh rời EU có khả năng các đội bóng Premier League không thể ký hợp đồng với các cầu thủ trẻ từ EU. Trong những năm gần đây chúng ta đã chứng kiến các ngôi sao như Cesc Fabregas, Paul Pogba và Hector Bellerin gia nhập các đội bóng Anh khi ở độ tuổi 16-18 trước khi phát triển thành những cầu thủ hàng đầu.
Viễn cảnh các đội Premier League không thể ký hợp đồng với các cầu thủ dưới 18 tuổi sẽ được nhiều đội bóng nước ngoài chào đón vì Premier League thường bị cáo buộc là “đánh cắp” các tài năng trẻ từ các học viện bóng đá ở nước ngoài với số tiền đền bù rẻ mạt.
Tuy Anh có thể tiến hành chuyển nhượng trong phạm vi EEA nhưng chính phủ nước này không thể đưa ra quyết định chỉ để phục vụ cho lợi ích của các CLB Premier League. Quyết định ủng hộ Anh tiếp tục là thành viên EU của các CLB Premier League bắt nguồn từ lợi ích về tài chính.
Nó giúp Premier League duy trì vị thế là giải đấu hấp dẫn và có khả năng sinh lời cao nhất thế giới, do đó, có thể tiếp cận được nhiều cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh nhờ trả họ những mức lương cao. Lợi ích của các ông chủ Premier League và lợi ích của các cầu thủ người Anh ở Premier League không đồng nhất với nhau.
Trong trường hợp Anh tách khỏi EU thì các cầu thủ người Anh sẽ trở nên có giá hơn, được săn đón nhiều hơn nhưng giá trị của các đội bóng Anh lại giảm và đó hiển nhiên là điều mà các ông chủ sở hữu các CLB của giải ngoại hạng không vui tí nào.
HT
Tổng hợp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất